13/09/2019 - 18:58

Để các di tích, làng nghề hội nhập 

Theo thống kê, hiện TP Cần Thơ có 34 di tích được xếp hạng, 2 công trình văn hóa tưởng niệm và 4 làng nghề được UBND thành phố công nhận. Thời gian qua, thành phố và các cơ quan chức năng đã có sự quan tâm, đầu tư, hỗ trợ để bảo tồn, phát huy giá trị của các di tích, làng nghề trong phát triển kinh tế, du lịch. Trong định hướng sắp tới, Cần Thơ tiếp tục thực hiện nhiều biện pháp để giúp các di tích, làng nghề giải quyết những mặt còn khó khăn, hạn chế, phát huy giá trị trong quá trình hội nhập quốc tế của thành phố.

Nỗ lực không ngừng

Những năm qua, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tham mưu cho UBND thành phố phân bổ nguồn vốn để thường xuyên triển khai trùng tu, nâng cấp các di tích lịch sử, văn hóa; chỉ tính riêng giai đoạn 2016-2018, đã đầu tư trên 167 tỉ đồng để tôn tạo, trùng tu 8 di tích và và xây dựng 2 dự án văn hóa, góp phần giáo dục truyền thống và phục vụ cho du lịch thành phố. Song song đó, công tác sưu tầm, phục chế hiện vật; công tác phân cấp quản lý và bồi dưỡng đội ngũ thuyết minh viên; nâng tầm quy mô các lễ hội; phối hợp với các trường học, sở, ngành đẩy mạnh tổ chức các hoạt động về nguồn, chăm sóc các di tích lịch sử, các chương trình khám phá di sản, kết nối di sản… đã mang đến những làn gió mới cho công tác bảo tồn, phát huy các di tích. Đặc biệt là việc kết nối các di tích vào các tour, tuyến du lịch của các đơn vị lữ hành đã góp phần không nhỏ trong việc phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử vào ngành công nghiệp không khói của thành phố.

Với các làng nghề, ngành Nông nghiệp đã phối hợp với các đơn vị có liên quan triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ cho làng nghề phát triển. Trong đó, làng nghề hoa kiểng Phó Thọ - Bà Bộ ở phường Long Hòa và phường Long Tuyền, quận Bình Thủy, nhận được sự quan tâm, đầu tư về nhiều mặt: hệ thống giao thông, hỗ trợ cây giống, tập huấn chuyển giao các kỹ thuật tiên tiến, xây dựng các mô hình hỗ trợ, thực hiện các dự án, đề án phát triển…

Bên cạnh sự hỗ trợ của Nhà nước, các làng nghề luôn nỗ lực duy trì và phát triển sản xuất bằng cách đầu tư máy móc, đổi mới công nghệ để nâng cao hiệu quả sản xuất và năng lực cạnh tranh. Làng nghề sản xuất bánh kẹo Ba Rích ở phường Thới An, quận Ô Môn là một trong những đơn vị tiên phong trong lĩnh vực này. Hiện làng nghề có 193 hộ sản xuất chính và gần 1.500 lao động, với 50 cơ sở sản xuất kinh doanh ổn định, doanh thu của làng nghề bánh kẹo mang lại khoảng 12 tỉ đồng/năm. Ông Huỳnh Nam Sơn, chủ cơ sở sản xuất bánh kẹo Liên Hưng, cho biết: “Ngoài vốn đầu tư ban đầu, chúng tôi còn thường xuyên nhập và trang bị các máy móc, dây chuyền hiện đại mới đáp ứng được nhu cầu công việc, tiết kiệm nhân công và chi phí sản xuất. Hiện tôi vừa nhập 1 dây chuyền mới trị giá 3,6 tỉ đồng”.

Cơ sở sản xuất bánh kẹo Liên Hưng ở Làng nghề sản xuất bánh kẹo Ba Rích đầu tư nhiều máy móc, dây chuyền hiện đại để nâng cao tính cạnh tranh, chất lượng sản phẩm.

Những năm gần đây, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ thành phố khảo sát, hướng dẫn các làng nghề có sản phẩm, dịch vụ đặc thù, chủ lực, sản phẩn mang địa danh có tiềm năng và có thế mạnh phát triển, tham gia Chương trình Hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ TP Cần Thơ giai đoạn 2016-2020; đồng thời, hướng dẫn các làng nghề đăng ký sở hữu trí tuệ. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đang xây dựng kế hoạch nhằm hỗ trợ 3 làng nghề trên lĩnh vực Thủy sản (làng nghề sản xuất mắm ở xã Trường Xuân, huyện Thới Lai; làng nghề mắm, khô cá tra ở phường Tân Lộc, quận Thốt Nốt; làng nghề đan lưới ở phường Thuận Hưng, quận Thốt Nốt) xây dựng thương hiệu, cơ sở dữ liệu, ứng dụng phục vụ truy xuất nguồn gốc xuất xứ sản phẩm cho từng làng nghề, để tạo ra sản phẩm đặc trưng của địa phương.

Giải pháp phát huy giá trị trong hội nhập

Tuy có nhiều nỗ lực, nhưng thực tế, việc bảo tồn và phát huy các di tích, làng nghề còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế về kinh phí, nhân lực, cơ sở vật chất, phát triển du lịch... Nắm bắt tình hình này, Ban Văn hóa – Xã hội của HĐND TP Cần Thơ đã cùng các các sở, ngành, đơn vị, địa phương có liên quan tổ chức đoàn đến khảo sát thực tế tại một số di tích lịch sử và làng nghề truyền thống trên địa bàn thành phố. Sau đó, họp bàn các biện pháp nhằm  tháo gỡ những khó khăn, hạn chế.

Theo báo cáo chung của các ngành chức năng, hiện có 16 di tích xuống cấp cần trùng tu, tôn tạo với kinh phí dự kiến là 117,6 tỉ đồng. Một số di tích cơ sở hạ tầng chưa đảm bảo, nằm cách xa trung tâm nên ảnh hưởng đến việc gắn kết tour, tuyến. Đội ngũ thuyết minh viên thường xuyên biến động nên chưa đảm bảo tính chuyên nghiệp… Các làng nghề có quy mô và trình độ sản xuất nhỏ, thiếu vốn, lực lượng lao động tuy dồi dào nhưng thiếu lao động có tay nghề, thiếu nhân lực có kinh nghiệm quản lý sản xuất kinh doanh giỏi, mức độ đầu tư máy móc thiết bị khoa học kỹ thuật vào sản xuất chưa cao, dẫn đến chất lượng sản phẩm còn hạn chế, kém sức cạnh tranh.

Mặt khác, các làng nghề chưa có chiến lược phát triển sản phẩm một cách bền vững, chưa mạnh dạn xây dựng thương hiệu cho sản phẩm đặc trưng. Công tác xúc tiến thương mại kết nối thị trường còn nhiều bất cập, thiếu sự liên kết giữa các doanh nghiệp, nhà khoa học và nông dân; thiếu khu vực trưng bày giới thiệu lịch sử truyền thống làng nghề để thu hút khách tham quan. Một số chính sách ưu đãi được ban hành nhưng làng nghề, hộ kinh doanh trong làng nghề vẫn khó khăn trong việc tiếp cận chính sách do không có tài sản thế chấp, một số quy dịnh của văn bản chưa có hướng dẫn cụ thể, đồng bộ… Ông Lê Công Tuấn, chủ cơ sở sản xuất bánh kẹo Liên Hưng 2, Làng nghề bánh kẹo Ba Rích, kiến nghị: “Hiện tại, việc đầu tư vốn để đổi mới máy móc, công nghệ hầu hết là do các các cơ sở tự xoay xở, nhưng vay vốn ngân hàng theo lãi suất thương mại thì khá cao. Do đó, chúng tôi mong muốn được thành phố quan tâm, hỗ trợ về vốn, về ưu đãi lãi suất vay ngân hàng để các cơ sở có điều kiện phát triển sản xuất kinh doanh”.

Các đại biểu đã đưa ra nhiều ý kiến, đề xuất. Trong đó, nhấn mạnh các sở, ngành liên quan cần tạo điều kiện, hỗ trợ hoạt động xúc tiến thương mại cho làng nghề, tiếp cận các nguồn vốn tín dụng; các địa phương quan tâm, cấp kinh phí hằng năm cho hoạt động quản lý, phát huy giá trị các di tích lịch sử, công trình tưởng niệm được thành phố đầu tư xây dựng. Đối với các điểm di tích đã được xếp hạng nhưng chưa có cơ sở vật chất và hạng mục công trình thì cần ưu tiên nguồn vốn để xây dựng và hoàn thiện để đảm bảo tính đồng bộ. Đặc biệt, cần đẩy mạnh gắn kết các di tích, làng nghề trong các tour tuyến du lịch để phát huy các giá trị văn hóa, kinh tế… Ông Nguyễn Minh Toại, Giám đốc Sở Công thương, cho rằng: “Cần mời các chuyên gia hoặc những người có chuyên môn từ Hà Nội và các tỉnh thành thực hiện tốt việc phát triển các làng nghề về Cần Thơ để tập huấn cho các hộ sản xuất trong làng nghề, tập huấn cho cán bộ chuyên môn về công tác phát triển làng nghề gắn với du lịch. Đề nghị HĐND thành phố xem xét về cơ chế, chính sách để tạo nguồn thu cho các di tích; cho phép các di tích bán vé tham quan để có kinh phí duy trì hoạt động, bảo quản di tích”. Lãnh đạo các các quận, huyện, sở, ngành cũng  đồng tình và thảo luận về việc thành phố nên nghiên cứu về việc cho phép các di tích được phép bán vé tham quan…  

Bà Vũ Thị Cánh, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND thành phố, ghi nhận, tiếp thu các ý kiến, đồng thời chỉ đạo các sở, ngành chức năng trong công tác phối hợp giải quyết những khó khăn, hạn chế cho các di tích, làng nghề. Đề nghị các UBND quận, huyện chủ động đề xuất, phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong việc bán vé, tạo nguồn thu cho các di tích, xây dựng đề án cụ thể để trình HĐND xem xét, phê duyệt.

***

Mong rằng với sự chung sức, quan tâm của thành phố và các ngành chức năng, các di tích, làng nghề của Cần Thơ sẽ ngày càng phát triển; đưa những giá trị văn hóa, truyền thống lan tỏa và hội nhập trong cuộc sống và hoạt động kinh tế.

Bài, ảnh: Lệ Thu

Chia sẻ bài viết