01/10/2021 - 15:48

ĐBSCL mở cửa theo lộ trình, thích ứng linh hoạt với dịch COVID-19 

(CTO) - Ngày 1-10, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh Cần Thơ (VCCI Cần Thơ) phối hợp Cơ quan thường trú Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) tại ĐBSCL và Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) tổ chức hội thảo “Bức tranh kinh tế Việt Nam và ĐBSCL: Dự báo kinh tế quý IV và triển vọng năm 2022” theo hình thức trực tuyến.

Hoạt động sản xuất của Công ty TNHH Quốc tế Tri Việt, TP Cần Thơ.

Làn sóng dịch COVID-19 lần thứ 4 tác động nặng nề đến kinh tế ĐBSCL. Hầu hết các nhà máy, xí nghiệp chế biến trong vùng phải đóng cửa và ngừng hoạt động để phòng, chống dịch. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa của vùng tháng 8-2021 chỉ đạt 1,97 tỉ USD, giảm 49,7% so với tháng 7-2021. Trong đó, xuất khẩu đạt 1,04 tỉ USD (giảm 40,61%), nhập khẩu đạt 930 triệu USD (giảm 22%) so với tháng 7-2021. Ngoài ra, ĐBSCL có 2.109 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh (tăng 23,7%), 4.557 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể (tăng 58,12%).

Các tỉnh, thành trong vùng đang từng bước khống chế được dịch bệnh và tiến tới mở cửa lại kinh tế, cho doanh nghiệp từng bước hoạt động trở lại. Đây là bước chuyển kịp thời và đòi hỏi các địa phương phải có sự thích ứng linh hoạt, an toàn, tránh tình trạng “mở rồi lại đóng”. Về thu hút đầu tư nước ngoài, do giãn cách xã hội kéo dài, một số nhà đầu tư đã chuyển đơn hàng, hạn chế mở rộng quy mô và tỏ ra cân nhắc về việc đầu tư tại nước ta. Từ thực tế này, nhiều ý kiến đề xuất Chính phủ nên ban hành cẩm nang hướng dẫn về lộ trình mở cửa, ứng phó khi dịch bệnh bùng phát trở lại để làm căn cứ cho địa phương, doanh nghiệp thực hiện thống nhất và cũng tạo niềm tin cho các nhà đầu tư.

Thế mạnh của ĐBSCL là sản xuất, chế biến nông thủy sản và từ đây đến cuối năm là thời điểm thuận lợi để đẩy mạnh xuất khẩu. Do đó, các bộ ngành hữu quan, địa phương cần nhanh chóng nắm bắt thông tin thị trường, xúc tiến thương lại để thúc đẩy tăng trưởng ngành hàng này. Tình hình dịch bệnh trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp, việc thắt chặt hay nới lỏng giao thương giữa các quốc gia vẫn bất định, khó dự đoán. Vì vậy, các doanh nghiệp nên đa dạng thị trường, tránh phụ thuộc quá nhiều vào một thị trường vì tiềm ẩn rất nhiều rủi ro…

Tin, ảnh: MỸ THANH

Chia sẻ bài viết