02/03/2016 - 20:26

Đẩy mạnh xây dựng chính quyền điện tử để phục vụ người dân tốt hơn

Đẩy mạnh việc xây dựng và phát triển chính quyền điện tử; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước; công khai, minh bạch hoạt động của các cơ quan nhà nước trên môi trường mạng… đó là những công việc mà TP Cần Thơ đã và đang nỗ lực thực hiện nhằm góp phần phục vụ nhu cầu của các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân ngày một tốt hơn...

Hiện nay, TP Cần Thơ đã đầu tư, khai thác, vận hành Trung tâm dữ liệu (Data Center) thành phố với hệ thống máy chủ ảo hóa dung lượng khoảng 30TB, cùng với hạ tầng mạng truyền số liệu chuyên dùng nối đến cấp xã. Với hệ thống này đã đáp ứng cơ bản việc triển khai, vận hành các hệ thống thông tin dùng chung toàn thành phố như: Cổng thông tin điện tử thành phố và các cổng thành phần của các sở, ban, ngành, UBND quận, huyện; hệ thống thư điện tử thành phố với tên miền @cantho.gov.vn; hệ thống họp và giao tiếp trực tuyến; các hệ thống thông tin tác nghiệp chuyên ngành tại các đơn vị, sở, ban, ngành phục vụ tốt công tác chỉ đạo và điều hành của các cấp, các ngành…

Công chức Bộ phận Một cửa UBND quận Cái Răng nhận hồ sơ qua phần mềm dịch vụ công trực tuyến mức độ 3.

Trong đó, ứng dụng dùng chung phục vụ quản lý và điều hành, phục vụ tổ chức, doanh nghiệp và công dân; hệ thống thư điện tử của thành phố đã được trang bị, đưa vào khai thác và tiếp tục được duy trì, củng cố, nhằm đảm bảo hoạt động hiệu quả và ổn định. Hiện nay, có khoảng 80% cán bộ, công chức được cấp hộp thư điện tử (triển khai cấp khoảng 9.000 hộp thư điện tử đến cấp xã). Hệ thống hộp thư điện tử của thành phố được tích hợp với chữ ký điện tử do Ban cơ yếu chính phủ cấp, được sử dụng rộng rãi trong các cơ quan nhà nước thành phố. Đồng thời, thành phố còn xây dựng hệ thống trao đổi trực tuyến nội bộ, phục vụ công việc của cán bộ, công chức, viên chức. Hệ thống thông tin quản lý văn bản và điều hành đã được triển khai tại 32/32 đơn vị (gồm 23 sở, ban, ngành và 9 quận, huyện). Hệ thống hội nghị trực tuyến đã được triển khai xây dựng phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của thành phố nhằm tiết kiệm thời gian và chi phí. Ông Lê Việt Sĩ, Chủ tịch UBND quận Ô Môn, chia sẻ: Việc ứng dụng hệ thống hội nghị trực tuyến trên địa bàn quận Ô Môn từ UBND cấp quận đến UBND các phường trong thời gian qua đã phát huy hiệu quả tích cực. Nhờ tiết kiệm chi phí, thời gian đi lại trong các cuộc hội họp cán bộ địa phương có nhiều thời gian hơn để giúp người dân giải quyết các nhu cầu, thủ tục cần thiết.

Đến nay, phần mềm một cửa điện tử và dịch vụ công trực tuyến đã được triển khai tại 19/23 đơn vị, sở, ngành có cung cấp dịch vụ công; 9/9 quận, huyện và 85/85 UBND xã, phường, thị trấn giúp giải quyết các thủ tục hồ sơ nhanh chóng, hiệu quả và minh bạch. Trong đó, cấp huyện và cấp xã có kết nối liên thông trong một số lĩnh vực. Tổng số TTHC đã cung cấp dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 3, 4 là 235/1.660 (đạt 14%). Theo lộ trình đến năm 2020, thành phố cung cấp 44% dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 17% mức độ 4. Ngoài ra, thành phố đã có hệ thống thông tin tổng hợp tình hình xử lý TTHC của các đơn vị, sở, ban, ngành, quận, huyện, xã, phường, thị trấn phục vụ công tác giám sát, theo dõi, chỉ đạo và điều hành của lãnh đạo các cấp, các ngành và phục vụ tra cứu tình trạng giải quyết TTHC của tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân. Cổng thông tin điện tử của TP Cần Thơ với 3 ngôn ngữ: Tiếng Việt, Tiếng Anh, Tiếng Pháp và các cổng thành phần của 100% các sở, ban, ngành, quận, huyện đã được xây dựng, hoạt động có hiệu quả, cung cấp kịp thời thông tin chỉ đạo và điều hành, cung cấp các dịch vụ công trực tuyến phục vụ tổ chức, cá nhân và thông tin về xúc tiến thương mại, du lịch, kêu gọi đầu tư, thông tin kinh tế - xã hội… Ông Võ Trung Hiếu, ngụ phường An Hội, quận Ninh Kiều, cho biết: "Hiện nay các thông tin TTHC được thành phố, cấp quận hoặc các sở, ngành trên địa bàn thành phố cập nhật khá đầy đủ trên website, người dân thuận tiện trong việc tìm kiếm khi cần. Thay vì phải đi đến các cơ quan hành chính, nay chỉ cần ở nhà sử dụng máy tính là có thể biết hết các thủ tục cần thiết. Tuy nhiên, một số TTHC đã được thay đổi nhưng cổng thông tin vẫn chưa cập nhật kịp thời. Thời gian tới, kiến nghị các ngành chức năng cập nhật nhanh hơn, nhiều thông tin hơn trên các cổng thông tin điện tử để người dân thuận lợi trong các khâu thực hiện TTHC, hay dễ dàng nắm bắt các thông tin cần thiết về văn hóa, du lịch, kinh tế xã hội của thành phố. Đồng thời, cần rút ngắn thêm thời gian, quy trình thực hiện hồ sơ nhất là các lĩnh vực mất nhiều thời gian như đất đai".

Hiện nay, thành phố đang kêu gọi đầu tư một số dự án trọng điểm phục vụ xây dựng chính quyền điện tử giai đoạn 2016-2020 như: hình thành khu công nghiệp thông tin tập trung và vườn ươm doanh nghiệp CNTT; đầu tư xây dựng đồng bộ hạ tầng mạng LAN ở UBND phường, xã, thị trấn; đầu tư hạ tầng an toàn thông tin trong hoạt động ứng dụng CNTT của các cơ quan nhà nước; nâng cấp trung tâm dữ liệu thành phố; mở rộng hệ thống Hội nghị truyền hình TP Cần Thơ đến cấp xã. Đồng thời xây dựng hệ thống tổng hợp, thu thập trực tuyến đánh giá ý kiến công dân, tổ chức, doanh nghiệp trong việc thực hiện các TTHC tại các cơ quan nhà nước thành phố; phát triển nâng cấp và mở rộng hệ thống phần mềm quản lý văn bản và điều hành đến tất cả các cơ quan nhà nước đến cấp xã; xây dựng hệ thống phần mềm xử lý nghiệp vụ ở các lĩnh vực… Ông Đỗ Hoàng Trung, Giám đốc Sở Thông tin truyền thông TP Cần Thơ, cho biết: Ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trên địa bàn TP Cần Thơ trong thời gian qua phát triển tương đối đồng đều, từ hệ thống cơ quan nhà nước đến các doanh nghiệp và cộng đồng dân cư, qua đó góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động kinh tế xã hội, năng lực tiếp cận thông tin của các tổ chức cá nhân.

P.NGUYỄN

Chia sẻ bài viết