29/12/2016 - 09:48

Đẩy mạnh tập huấn kỹ thuật "3 giảm, 3 tăng", "1 phải, 5 giảm" cho nông dân tham gia dự án VnSAT

 Hội thảo về ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ trong sản xuất lúa gạo theo chuỗi

(CT)- Sáng 28-12, Ban Quản lý Dự án Chuyển đổi nông nghiệp bền vững (VnSAT) TP Cần Thơ đã tổ chức Hội nghị tổng kết Dự án VnSAT năm 2016 và triển khai kế hoạch năm 2017.

Dự án VnSAT được triển khai thực hiện tại 16 xã, 3 huyện (Vĩnh Thạnh, Cờ Đỏ và Thới Lai) của TP Cần Thơ; có 25.000 hộ nông dân tham gia, diện tích khoảng 30.000 ha. Năm 2016, dự án chủ yếu đào tạo tập huấn cho nông dân về kỹ thuật "3 giảm, 3 tăng" và "1 phải, 5 giảm"; lựa chọn những nông dân chưa thực hiện các kỹ thuật canh tác này để tổ chức các lớp tập huấn sâu hơn và những nông dân đã áp dụng để đào tạo nâng cao kiến thức về "3 giảm, 3 tăng" và "1 phải, 5 giảm". Theo đó, có 137 lớp "3 giảm, 3 tăng", 79 lớp "1 phải, 5 giảm", đã đào tạo cho 7.285 lượt nông dân/25.000 nông dân tham gia dự án, với diện tích 5.828 ha trên tổng số 30.000 ha vùng dự án… Năm 2017, dự án tập trung hỗ trợ cơ sở hạ tầng cho các hợp tác xã, hỗ trợ cơ sở hạ tầng chung (nhân giống lúa xác nhận); tập huấn cho các bộ cấp tỉnh, huyện và cán bộ dự án; tiếp tục đào tạo tập huấn cho nông dân về "3 giảm, 3 tăng", "1 phải, 5 giảm"; xây dựng các điểm trình diễn "3 giảm, 3 tăng", "1 phải, 5 giảm"…

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Đào Anh Dũng, cho rằng: TP Cần Thơ đã triển khai thực hiện Dự án VnSAT năm 2016 hoàn thành theo kế hoạch đề ra. Đây là năm đầu tiên khởi động dự án, nhưng Ban Quản lý Dự án đã triển khai với những công việc cụ thể và mang lại hiệu quả cao; tập trung tuyên truyền về mục tiêu dự án, đối tượng tham gia và thời gian thực hiện dự án; đẩy mạnh tập huấn và đào tạo cho đối tượng cán bộ và nông dân tham gia dự án… Năm 2017, Ban Quản lý Dự án cần xây dựng kế hoạch cụ thể, trên cơ sở đó các huyện triển khai thực hiện dự án trong năm tới.

 Chiều 28-12, Sở NN&PTNT TP Cần Thơ tổ chức Hội thảo truyền thông với Chủ đề "Đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ trong sản xuất lúa gạo theo chuỗi - cơ sở khoa học và thực tiễn".

Hội thảo nhằm tạo điều kiện cho nông dân tiếp cận với thực tiễn, nghe những kết quả ứng dụng khoa học kỹ thuật trong canh tác lúa, đồng thời trao đổi trực tiếp với các nhà khoa học. Qua đó, nâng cao nhận thức của nông dân trong và ngoài Dự án VnSAT, tạo nền tảng cho việc thực hiện các nội dung tiếp theo của Dự án VnSAT trong thời gian tới... Tại hội thảo, các nhà khoa học đã trình bày một số kết quả nghiên cứu về rầy nâu, bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá và yếu tố liên quan làm cơ sở khoa học thực hiện công nghệ sinh thái để quản lý rầy; triển vọng ứng dụng công nghệ sinh thái quản lý dịch hại tổng hợp; đánh giá hiệu quả của phân bón tan chậm đến sinh trưởng và năng suất lúa. Đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật công nghệ trong sản xuất lúa gạo dựa trên cánh đồng lớn ở ĐBSCL; một số giải pháp để nâng cao chất lượng và giá trị lúa gạo ĐBSCL; giải pháp canh tác lúa áp dụng quy trình kỹ thuật "1 phải, 5 giảm" thích ứng với biến đổi khí hậu...

ANH KHOA

Chia sẻ bài viết