18/10/2019 - 14:36

Dấu xưa làng cổ Đường Lâm 

Nếu đã quá quen với những ngõ ngách đông đúc, nhộn nhịp ở phố cổ Hà Nội, bạn hãy đến làng cổ Đường Lâm ở thị xã Sơn Tây, cách trung tâm Thủ đô Hà Nội gần 45km. Nơi đây vẫn còn 956 ngôi nhà truyền thống, trong đó có những căn nhà gần 400 năm tuổi, nổi tiếng bởi kiến trúc đặc trưng của làng quê Bắc bộ, từ cổng làng, giếng nước đến cây đa, bến nước và những làng nghề truyền thống...

Chỉ hơn 1 giờ đi ô tô từ trung tâm thủ đô, làng cổ Đường Lâm hiện ra trước mắt chúng tôi như một bức tranh thủy mặc với hình ảnh cây đa cổ thụ, cổng làng, sân đình, chùa miếu. Dọc hai bên đường vào làng là những cánh đồng lúa xanh mướt, xa xa là người nông dân cặm cụi trên cánh đồng giữa khung cảnh yên ả, bình dị của làng quê Bắc bộ. Bất ngờ hơn, là người dân làng cổ vẫn giữ được nếp sinh hoạt bình dị, mộc mạc và chân chất. Đó là tục ăn trầu, nghề làm tương, nấu rượu nức tiếng xưa nay. Nhưng có lẽ điều khiến du khách - đặc biệt những người trẻ như chúng tôi choáng ngợp là gần một ngàn kiến trúc cổ. Từ đình làng, chùa miếu, nhà ở đến cổng ngõ, cổng làng hay giếng nước đều sử dụng đá ong để xây dựng tạo nên quần thể kiến trúc vô cùng đặc sắc.

Du khách tận hưởng không khí yên bình của làng quê Bắc bộ, với đường làng, cổng ngõ bằng đá ong in dấu thời gian.

Nằm ở vị trí trung tâm của quần thể di tích làng cổ Đường Lâm là đình Mông Phụ, có diện tích gần 2.000m2. Theo các bậc cao niên trong làng, đình được xây dựng từ năm 1553, sau đó nhiều lần tu bổ và sửa chữa và hoàn chỉnh như hiện nay. Đình Mông Phụ mang nét kiến trúc đặc trưng của đình làng Việt truyền thống, xây dựng theo kiểu chữ Công gồm 5 gian và 2 chái, được lợp bằng ngói di xếp vảy cá. Trên thân các cột xà đều được trạm khắc hết sức tinh xảo với họa tiết đầu rồng, tứ linh. Có thể nói đây chính là hình mẫu tiêu biểu cho nghệ thuật chạm khắc trên gỗ tinh tế của người Việt. Đình cũng là nơi tụ họp của bà con trong làng những lúc nông nhàn hay khi có việc làng, hội đình. Hằng năm, đình tổ chức lễ hội từ mùng 1 đến mùng 10 tháng Giêng âm lịch với các nghi lễ cầu quốc thái dân an và các trò chơi dân gian hấp dẫn.

Làng cổ Đường Lâm hiện là điểm tham quan thu hút nhiều du khách muốn tìm hiểu về giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Đây là vùng đất địa linh nhân kiệt, quê hương của nhiều danh nhân như bà Man Thiện (mẹ của Hai Bà Trưng), Vua Phùng Hưng, Vua Ngô Quyền, Thám hoa Giang Văn Minh… Chúng tôi may mắn gặp hậu duệ, cũng là người trông coi nhà thờ Thám hoa Giang Văn Minh, ông kể rằng Thám hoa Giang Văn Minh trong lần đi sứ ở Yên Kinh (nay là Bắc Kinh, Trung Quốc) năm 1638, Hoàng đế Sùng Trinh đã có câu đối: “Đồng trụ chí kim đài dĩ lục” (Cột đồng gãy thì Giao Chỉ - tức Đại Việt bị diệt vong”. Trước sự ngạo mạn của đối phương, ông đã đối lại bằng câu: “Đằng giang tự cổ huyết do hồng” (nhắc lại việc người Việt đã 3 lần đánh bại quân xâm lược phương Bắc trên sông Bạch Đằng). Vua nhà Minh nổi giận bất chấp luật lệ ngoại giao, đã cho người sát hại ông rồi đưa thi hài về nước. Ngưỡng mộ trước tinh thần yêu nước, niềm tự hào dân tộc của ông, ngày nay mỗi khi đến làng cổ, du khách đều dành thời gian đến nhà thờ Thám hoa Giang Văn Minh để thắp hương tưởng nhớ.

Không chỉ là những đình đền, chùa miếu, làng cổ Đường Lâm còn thu hút du khách bởi những ngôi nhà cổ kính có tuổi đời hàng trăm năm. Thả bộ trên đường làng, lần tay vào từng viên gạch trên những bức tường đá ong đầy dấu ấn thời gian, du khách có thể cảm nhận sự thăng trầm, nét cổ kính của ngôi làng hàng nghìn năm tuổi này. Từng kiến trúc nhà thờ họ, giếng nước hay nét sinh hoạt của người dân trong làng, từ tục ăn trầu, nghề làm tương, nấu rượu đến việc trữ nông sản, trữ nước bằng khạp khiến du khách như lạc vào vùng không gian của quá khứ. Giá trị của làng cổ còn thể hiện ở việc bảo tồn các di sản văn hóa phi vật thể. Hiện nay, ở đây còn bảo lưu các lễ hội, phong tục tôn vinh các vị anh hùng dân tộc; lưu giữ được trên 2.000 trang văn bản Hán Nôm ghi chép thần phả của các làng, gia phả các dòng họ, gia đình, các tác phẩm văn học, văn hóa, y học…

Đến làng cổ Đường Lâm, chúng tôi như được xem thước phim về lịch sử, nét đẹp văn hóa và con người chân chất hiền hòa của làng quê xưa…

Bài, ảnh: QUỐC THÁI

Chia sẻ bài viết