Bài, ảnh: ÐẶNG NGỌC
Hội thảo “Thực trạng và giải pháp đầu tư phát triển giáo dục và đào tạo (GD&ÐT) trên địa bàn TP Cần Thơ”, do Ban Tuyên giáo Thành ủy phối hợp với Sở GD&ÐT thành phố vừa tổ chức, ghi nhận nhiều đề xuất và giải pháp khả thi trong đầu tư phát triển giáo dục thành phố.
Một buổi học của cô trò Trường THCS Đoàn Thị Điểm.
Thành quả đầu tư
Những năm qua, việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Ðảng khóa XI về đổi mới căn bản toàn diện GD&ÐT đáp ứng yêu cầu CNH, HÐH trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế (Nghị quyết số 29), đã được Ðảng bộ, UBND TP Cần Thơ xác định là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu. Ban cán sự Ðảng UBND thành phố chỉ đạo UBND thành phố cụ thể hóa bằng Kế hoạch số 16/KH-UBND ngày 3-2-2015 thực hiện công tác này. Tổng ngân sách thành phố chi cho GD giai đoạn 2010-2021 là 30.390 tỉ đồng.
Từ đó, sau 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 29, lĩnh vực GD&ÐT của thành phố cơ bản đạt được các chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra. Thành phố hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non; duy trì, nâng cao chất lượng giáo dục, chất lượng phổ cập giáo dục tiểu học và THCS. Mạng lưới trường lớp các cấp học, bậc học ngày càng được phân bố phù hợp, chuẩn hóa; tính lũy kế đến ngày 15-3-2023, thành phố có 344/447 trường đạt chuẩn quốc gia (đạt 76,96%). Ðội ngũ giáo viên được phân công dạy các lớp học đều có trình độ đào tạo đạt chuẩn, cơ bản đáp ứng yêu cầu đổi mới GD&ÐT. Nhiều năm liền, học sinh lớp 12 thành phố đậu tốt nghiệp THPT đạt trên 98%; là đơn vị giữ vững thành tích dẫn đầu vùng ÐBSCL trong các kỳ thi chọn học sinh giỏi THPT cấp quốc gia... Theo ông Nguyễn Phúc Tăng, Phó Giám đốc Sở GD&ÐT TP Cần Thơ, được sự quan tâm chỉ đạo thường xuyên và hỗ trợ kịp thời của Thành ủy, UBND thành phố cùng các cấp ủy Ðảng, chính quyền địa phương, ngành Giáo dục thành phố đã phấn đấu, vượt qua khó khăn, tổ chức triển khai đồng bộ các nhóm nhiệm vụ, giải pháp và đã đạt được một số kết quả nổi bật trên.
Không chỉ giáo dục mầm non, phổ thông, mà GD đại học, GD chuyên nghiệp phát triển mạnh. Trên địa bàn thành phố có 90 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, 5 trường đại học, 2 cơ sở đại học; với đa dạng ngành nghề, lĩnh vực đào tạo, đáp ứng nhu cầu học tập của người dân.
Để phát triển bền vững GD&ĐT
Các đại biểu cũng nhìn nhận GD&ÐT thành phố vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc. Tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ vẫn chưa được giải quyết triệt để ở một số địa phương; chất lượng đội ngũ giáo viên chưa đồng đều, còn một bộ phận giáo viên chưa đáp ứng được yêu cầu đổi mới. Hệ thống cơ sở vật chất trường lớp phát triển nhưng chưa thật sự đáp ứng yêu cầu đổi mới toàn diện, căn bản GD&ÐT. Tuy thành phố luôn ưu tiên đầu tư cho GD&ÐT nhưng nhu cầu kinh phí đầu tư cơ sở vật chất và thiết bị dạy học là rất lớn, nên chưa đáp ứng được mục tiêu hoạt động GD&ÐT toàn diện của Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 (GDPT mới).
Tại hội thảo, nhiều đại biểu đã đề xuất những giải pháp khắc phục khó khăn, tạo đột phá trong đổi mới căn bản toàn diện GD&ÐT. Theo đại diện lãnh đạo Ban cán sự Ðảng UBND thành phố, bên cạnh ngân sách của thành phố đầu tư cho GD&ÐT, ngành Giáo dục thành phố cần tích cực triển khai thực hiện Thông tư số 16/2018/TT-BGDÐT của Bộ trưởng Bộ GD&ÐT quy định về tài trợ cho các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân nhằm tăng cường nguồn lực tài chính và vật chất; Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ về tăng cường huy động các nguồn lực của xã hội đầu tư phát triển GD&ÐT giai đoạn 2019-2025; phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các cơ sở GD trong việc huy động thêm nguồn kinh phí để đối ứng các chương trình, dự án, tăng cường cơ sở vật chất cho nhà trường. Tích cực huy động các nguồn lực, thực hiện tốt công tác tham mưu với cấp ủy, chính quyền có kế hoạch dành quỹ đất, đầu tư cơ sở vật chất cho trường học, gắn việc xây dựng trường chuẩn quốc gia với xây dựng nông thôn mới.
PGS.TS Trần Cao Ðệ, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Ðào tạo, Trường ÐH Ðồng Tháp, đề xuất: “Ðể đáp ứng yêu cầu đổi mới GD&ÐT, cần tập trung bồi dưỡng năng lực, phát triển đội ngũ cán bộ, giáo viên vùng ÐBSCL nói chung, TP Cần Thơ nói riêng. Cần thay đổi phương án tổ chức bồi dưỡng thường xuyên cho đội ngũ giáo viên, cũng như tạo mạng kết nối giữa các trường đại học có đào tạo giáo viên trong vùng như: ÐH Cần Thơ, ÐH Ðồng Tháp, ÐH An Giang và ÐH Sư phạm TP Hồ Chí Minh để tạo thành chuỗi giúp đội ngũ giáo viên được bồi dưỡng, nâng cao năng lực chuyên môn”. Bà Trần Thị Huyền, Phó Giám đốc Sở GD&ÐT tỉnh Hậu Giang, chia sẻ kinh nghiệm tham khảo: Ngành Giáo dục tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh thực hiện mô hình là giao cho tất cả sở, ngành, doanh nghiệp đỡ đầu trường học. Tất cả trường học ở tỉnh đều được 1 đơn vị đỡ đầu để cùng chăm lo vận động, giúp đỡ học sinh khó khăn; tạo nguồn quỹ động viên, khen thưởng học sinh giỏi, hỗ trợ các trường để cùng chung tay đưa trẻ đến trường, tạo động lực thực hiện khuyến học, khuyến tài tốt hơn. Ðồng thời đẩy mạnh chuyển đổi số, nâng cao chất lượng GD&ÐT.
* * *
TP Cần Thơ phấn đấu đến năm 2025 tỷ lệ học sinh đi học đúng độ tuổi như sau: nhà trẻ và mẫu giáo 99,15%, tiểu học 100%, THCS 95%. Phấn đấu ít nhất 90% học sinh tốt nghiệp THCS vào phổ thông hoặc giáo dục nghề nghiệp. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 80-85%. Theo ông Dương Tấn Hiển, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Cần Thơ, để đạt được các mục tiêu này, thành phố xác định huy động mọi nguồn lực tiếp tục đẩy mạnh vị thế trung tâm vùng về GD&ÐT. Mở rộng mạng lưới, phát triển giáo dục các bậc học theo hướng đa dạng hóa loại hình, đạt chuẩn; tăng cường kêu gọi các nhà đầu tư, các tổ chức, cá nhân mở trường đạt chuẩn quốc tế, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật, đáp ứng nhu cầu học tập của người dân thành phố và vùng ÐBSCL. Ðồng thời, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý của các cấp chính quyền, đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững của thành phố những năm tiếp theo.