02/07/2012 - 10:10

Các cơ sở giáo dục đại học ở Cần Thơ

Đầu tư chưa đáp ứng yêu cầu phát triển

TP Cần Thơ hiện có 2 trường ĐH công lập Cần Thơ và Y Dược Cần Thơ, được xem là “chiếc nôi” đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội toàn vùng ĐBSCL. Tuy nhiên, thời gian qua, việc đầu tư cho hai trường trên vẫn chưa đáp ứng yêu cầu phát triển, ảnh hưởng đến việc mở rộng qui mô, đa dạng hóa ngành nghề đào tạo của các trường.

* Không chỉ là “chiếc nôi” đào tạo

Là trường ĐH trọng điểm của cả nước, ĐH Cần Thơ có qui mô hơn 44.000 sinh viên và gần 2.000 cán bộ, giảng viên. PGS.TS Bùi Văn Ga, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã từng nhấn mạnh: ĐH Cần Thơ là trường ĐH đa cấp, đa ngành, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho vùng ĐBSCL và cả nước. Đồng thời còn là “đầu tàu” hỗ trợ đào tạo, nghiên cứu khoa học cho các trường ĐH, Cao đẳng cho toàn vùng ĐBSCL.

Giờ thực hành nha khoa của sinh viên Trường ĐH Y Dược Cần Thơ - cơ sở mới trên đường Nguyễn Văn Cừ nối dài, phường An Khánh, Ninh Kiều, Cần Thơ.  

Theo thống kê của Trường ĐH Cần Thơ, hơn 45 năm qua, trường đã đào tạo, cung cấp hơn 93.000 cử nhân, kỹ sư, bác sĩ, thạc sĩ, tiến sĩ phục vụ đắc lực cho sự nghiệp phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước. Để nâng cao chất lượng đào tạo, từ năm 2007, trường đã áp dụng học chế tín chỉ trong mọi hoạt động quản lý và đào tạo. Đến nay, học chế tín chỉ của trường đã khá hoàn thiện. Trường còn là đơn vị trong nhóm đầu tiên của cả nước thực hiện công tác đánh giá và được Bộ GD&ĐT công nhận đạt tiêu chuẩn.

Đi đôi với hoạt động đào tạo, hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ của Trường ĐH Cần Thơ cũng phát triển khá mạnh, phục vụ đắc lực cho sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội vùng ĐBSCL và cả nước. Nhiều giống cây con mới, những biện pháp canh tác, những ứng dụng khoa học kỹ thuật đã đi vào đời sống và sản xuất trong vùng. Nổi bật là chương trình nghiên cứu Tôm - Artémia được Bộ và Nhà nước nghiệm thu đánh giá xuất sắc, đã thật sự cải thiện đời sống nhân dân nghèo ven biển Sóc Trăng và Bạc Liêu. Hay chương trình nghiên cứu cây lúa và hệ thống canh tác đã lai tạo, tuyển chọn giống lúa kháng rầy, năng suất cao cùng các hệ thống canh tác thích hợp góp phần xóa đói, giảm nghèo, tăng sản lượng xuất khẩu lúa gạo trong vùng...

Nếu như ĐH Cần Thơ có thế mạnh về đào tạo, nghiên cứu khoa học ở khối nông nghiệp, kỹ thuật công nghệ, thì ĐH Y Dược Cần Thơ là “chiếc nôi” duy nhất ở ĐBSCL đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao ở lĩnh vực y tế. Sau 10 năm tách ra từ Khoa Y- Nha- Dược, Trường ĐH Cần Thơ (cũ), cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên của Trường ĐH Y Dược Cần Thơ không ngừng lớn mạnh. Trường hiện có 6 khoa đào tạo; diện tích xây dựng trên 30.000 m2, với 46 phòng học có trang bị máy vi tính và máy chiếu phục vụ công tác giảng dạy, 59 phòng thực tập, phòng thí nghiệm với đầy đủ trang thiết bị cơ bản cho sinh viên thực tập, thư viện điện tử với trên 20.000 đầu sách... Theo PGS.TS Phạm Văn Lình, Hiệu trưởng Trường ĐH Y Dược Cần Thơ, trường có gần 500 cán bộ, giảng viên, cùng với cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại, đủ đáp ứng nhu cầu đào tạo cho hơn 7.000 sinh viên và đã xây dựng Bệnh viện Y dược trực thuộc trường. Năm 2010, lãnh đạo nhà trường đã xây dựng lộ trình phát triển đến 2020 và định hướng đến 2030.

* Đầu tư nhỏ giọt

Không thể phủ nhận sự quan tâm của Trung ương và hỗ trợ của địa phương trong việc đầu tư phát triển cho hai trường trên. Thế nhưng, khi nhìn vào bức tranh tổng thể chung về việc đầu tư cho Trường ĐH Y Dược Cần Thơ và ĐH Cần Thơ, mới thấy “độ vênh” khá lớn so với yêu cầu phát triển của các trường. Tại buổi làm việc giữa ĐH Cần Thơ, ĐH Y Dược Cần Thơ với Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ vào ngày 21-6 vừa qua, PGS.TS Phạm Văn Lình, Hiệu trưởng Trường ĐH Y Dược Cần Thơ, cho biết: “Sau 10 năm thành lập, cơ sở vật chất của trường không ngừng phát triển nhưng vẫn chưa thực sự tương xứng so với yêu cầu thực tế. Bởi vì, trường vẫn chưa có ký túc xá cho sinh viên. Chúng tôi đã đề nghị UBND TP Cần Thơ xin cấp 5 ha đất để xây dựng ký túc xá nhưng đến nay vẫn chưa có”.

Thực tế có theo “từng bước chân” phát triển của Trường ĐH Y Dược Cần Thơ mới thấy việc đầu tư “nhỏ giọt” từ Trung ương cho trường. Theo lãnh đạo Trường ĐH Y Dược Cần Thơ, tháng 4-2004, Bộ Y tế phê duyệt tổng mức đầu tư giai đoạn 1 cho trường là 720 tỉ đồng. Cuối năm 2008, Bộ Y tế nâng mức đầu tư lên gần 1.000 tỉ đồng (phê duyệt lần 2) và 2.300 tỉ đồng (phê duyệt lần 3). Tuy nhiên, theo PGS.TS Phạm Văn Lình, kinh phí đầu tư là vậy nhưng hằng năm Bộ Y tế chỉ “rót” cho trường khoảng 20 tỉ đồng. Với định mức đầu tư như thế, phải đến 50 năm nữa mới xây dựng hoàn chỉnh cơ sở vật chất ĐH Y Dược Cần Thơ. Ông Lình nói: “Chúng tôi đã kiến nghị với Trung ương nhiều lần, nhờ vậy, từ năm 2010, trường được tăng mức đầu tư nhiều hơn, nhưng vẫn chưa vượt qua con số 100 tỉ đồng. Bên cạnh đó, trường rất muốn phát triển 2 trung tâm chuyên sâu về ung bướu và tim mạch phục vụ cho người dân ĐBSCL, tiền đã có nhưng cơ chế thì không, ít nhiều gây nhiều khó khăn cho trường”. Dự kiến từ năm 2013 đến 2015, tổng mức đầu tư xây dựng, phát triển cơ sở vật chất của trường là 230 tỉ đồng. Như vậy, bình quân hằng năm trường được “rót” khoảng 60 tỉ đồng - con số khá khiêm tốn. Theo PGS.TS Phạm Hùng Lực, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Y Dược Cần Thơ, khi mới bắt tay xây dựng cơ sở vật chất trường, do nhu cầu bức xúc trong khâu giải phóng mặt bằng để xây dựng các khoa, phòng chuyên môn, trường “bấm bụng” xin ý kiến lãnh đạo UBND TP Cần Thơ cắt 12 ha đất để làm khu tái định cư tại chỗ cho người dân. Vì thế, diện tích đất dành khu ký túc xá không còn, trong khi đó, tiêu chí mới của trường ĐH phải có ký túc xá”.

Không riêng gì ĐH Y Dược Cần Thơ, nhiều năm qua, ngoài kinh phí đầu tư của nhà nước, ĐH Cần Thơ đều phải lấy nguồn vốn từ tự đầu tư hay hợp tác quốc tế để “trang trải” cho mọi hoạt động của trường. Theo PGS.TS Hà Thanh Toàn, Hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ, trong số các chương trình, đề án phát triển trường sắp tới, có chương trình Đào tạo nguồn nhân lực cho vùng ĐBSCL. Theo đó, trường sẽ thăm dò nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực của các tỉnh, thành vùng ĐBSCL; trên cơ sở này sẽ xây dựng “Chương trình đào tạo nguồn nhân lực theo nhu cầu của vùng ĐBSCL đến năm 2015 và 2020”. Để thực hiện hiệu quả chương trình này, trường sẽ đầu tư xây dựng Khu Hòa An làm “trung tâm” cung cấp nguồn nhân lực cho các địa phương. Ông Toàn nói: “Thời gian qua, kinh phí đầu tư phát triển cho khu Hòa An phần lớn lấy từ nguồn tự đầu tư của trường, trong khi nguồn lực có hạn và nhu cầu đầu tư cho năm 2012-2013 trên 30 tỉ đồng”. Đi đôi với chương trình trên, năm 2010, Bộ GD&ĐT phê duyệt Dự án xây dựng Khoa Dự bị dân tộc - ĐH Cần Thơ, với trên 20,5 tỉ đồng. Năm 2011, trường được cấp 5 tỉ đồng nhưng Nghị quyết 11 không cho phép khởi công các công trình xây dựng mới nên kinh phí phải trả lại. Ngoài ra, năm 2009, nhà nước đầu tư khu ký túc xá 5.000 chỗ cho ĐH Cần Thơ từ nguồn vốn Trái phiếu Chính phủ (khoảng 250 tỉ đồng) nhưng năm 2011, do vướng Nghị quyết 11 trên, nên trường không được tiếp tục xây dựng, công trình đành phải dừng lại. Ông Toàn nói: “Nguồn Trái phiếu Chính phủ không cho phép đầu tư trang trí nội thất bên trong (khoảng 14 tỉ đồng), Bộ GD&ĐT không có nguồn để hỗ trợ cho trường”.

Công bằng mà nói, dù đã được Trung ương quan tâm đầu tư các trường ĐH nói chung, 2 trường ĐH Cần Thơ và ĐH Y Dược Cần Thơ nói riêng. Tuy nhiên, việc đầu tư “nhỏ giọt” hay chưa tạo được cơ chế “thoáng” sẽ là cản ngại lớn cho các trường phát triển. Chính vì thế, đại diện lãnh đạo hai trường kiến nghị Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ cần quan tâm kêu gọi đầu tư xây dựng Khu Hòa An phục vụ chương trình đào tạo nhân lực cho ĐBSCL; đồng thời giúp Trường ĐH Y Dược Cần Thơ xây dựng ký túc xá và hai trung tâm chuyên sâu tim mạch, ung bướu, nhằm phục vụ cho công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học của trường; cũng như phục vụ sức khỏe tốt hơn cho người dân vùng ĐBSCL.

Bài, ảnh: B.NGỌC

Chia sẻ bài viết