Giàn Gừa tại xã Nhơn Nghĩa, huyện Phong Điền, TP Cần Thơ, là cây cổ thụ với thân rễ ngang dọc, nhiều tầng, nhiều lớp, đan xen, chằng chịt trên diện tích khoảng 4.000m2. Tương truyền, Giàn Gừa có từ thời khai hoang lập ấp cách nay trên trăm năm.
Vài nét về công cuộc khẩn hoang ở Phong Điền
Cúng Bà Thượng Động Cố Hỉ ở Di tích Giàn Gừa. Ảnh: DUY KHÔI
Phong Điền thời khẩn hoang là vùng hoang vắng với nhiều bưng, bàu, lung, láng, các loại cây dại mọc hoang như ô rô, cóc kèn, mật cật, gừa và nhiều loại cây khác. Nơi đây còn là nơi trú ngụ của cá sấu, voi rừng, cọp và nhiều động vật hoang dã. Theo các tác giả công trình “Biên khảo lịch sử Phong Điền - Cần Thơ” thì: Vào năm Minh Mạng thứ XV (1834) vùng Phong Điền - Cần Thơ bắt đầu có những lưu dân đến khai phá. Cụ thể ở Mỹ Khánh có gia đình ông Nguyễn Văn Phù và bà Hồ Thị Nghĩa cùng hai con là Nguyễn Văn Ân và Nguyễn Văn Hậu đã đến khai khẩn 50 mẫu đất dọc hai bên một con lạch (sau này được Pháp nạo vét gọi là kinh Trường Tiền). Ở Giai Xuân có gia đình ông Nguyễn Văn Lâm và gia đình của bà Tổng từ miền Trung đi thuyền độc mộc đến khai hoang lập nghiệp. Ông Lâm đã tự mình rèn dao, mác, các phương tiện khác để có công cụ sản xuất, khai phá. Về cuối đời, ông Lâm đã dựng lò rèn và truyền nghề lại cho con cháu để phục vụ bà con trong vùng. Ở Nhơn Ái, khoảng 1820-1840 có ông bà Lê Đăng Nguyệt gốc người Sa Đéc đến đây lập nghiệp, có ba con, người con út tên là Lê Đăng Chánh sanh chín người con, người con thứ tư của ông Chánh là Lê Ý Mỹ đã kết hôn với Đinh Thị Hương. Cai tổng Lê Quang Chiểu chính là người con thứ năm của ông Lê Ý Mỹ và bà Đinh Thị Hương. Còn em trai kế của bà Hương là Đinh Văn Trung có hai người con gái tên Đinh Thị Thanh và Đinh Thị Nhàn, bà Thanh là vợ của cụ cử Trị. Đây là dòng họ của lưu dân đến lập nghiệp mà con cháu của họ còn để lại tiếng tăm ở Phong Điền - Cần Thơ.
Ngày nay, các xã của huyện Phong Điền còn nhiều địa danh tên người đến khai hoang mở đất như: rạch Bà Tổng, rạch Ông Tường, ngọn rạch Ông Vựa ở Giai Xuân; rạch Ông Đuông (về sau gọi là rạch Sao), rạch Bà Hồ ở Mỹ Khánh; rạch Cai Cẩm, rạch Ông Hào ở Trường Long; rạch Bà Hiệp, rạch Bà Hương, Bà Đạt ở Nhơn Nghĩa; rạch Đội Ngãi ở Tân Thới... Cũng có nhiều lung, rạch khác mang tên các loại cây cỏ, các loài thú rừng cư trú ở vùng đất Phong Điền lúc hoang sơ, như: rạch Ba Dơi, rạch Sấu, lung Sấu, rạch Nứa, rạch Ba Gừa, rạch Ba Cui, rạch Bông Vang, rạch Bông Điều, lung Sen ở Giai Xuân; rạch Mật Cật, Xẻo Tre, Xẻo Cui, Xẻo Đế ở Tân Thới; rạch Sung, rạch Xà No, Mương Điều ở Nhơn Nghĩa; rạch Vông ở Nhơn Ái; rạch Cần Đước ở Trường Long...(1)
Giàn Gừa - dấu ấn thời khẩn hoang
Khách tham quan Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp thành phố Giàn Gừa. Ảnh: DUY KHÔI
Giàn Gừa là một trong những dấu ấn thời khai hoang lập ấp ở Phong Điền. Điều này được thể hiện rõ ở truyền thuyết về dòng họ Nguyễn đến đây khai hoang và ngôi miếu nhỏ thờ Bà Thượng Động Cố Hỉ tại đây.
Truyện kể rằng: Giàn Gừa đã có từ thế kỷ XIX, lúc bấy giờ có một người họ Nguyễn vào khai khẩn đất hoang tại đây. Trong quá trình khai khẩn, người họ Nguyễn đốt ruộng, làm đồng chẳng may để xảy ra hỏa hoạn làm cháy hết cả Giàn Gừa. Từ đó, gia đình người họ Nguyễn này liên tiếp xảy ra nhiều chuyện chẳng lành. Một hôm, có một vị thầy tu đi ngang tình cờ nghe được chuyện này nên khuyên họ Nguyễn phải trồng lại giàn gừa, bởi đây là nơi Bà nương náu. Gia đình họ Nguyễn nghe theo, đồng thời lập miễu thờ Bà Cố Hỉ, từ đó mọi xui rủi đều không còn. Dân làng xung quanh chọn ngày 28 tháng 2 âm lịch hằng năm để làm lễ cúng Bà.
Câu chuyện có vẻ hoang đường, nhưng lại là chứng tích của thời khẩn hoang còn lưu lại đến ngày nay. Trong tâm thức dân gian của thời đó, họ tin Bà có thể ban phúc hay giáng họa cho con người và tôn kính gọi Bà là Thượng Động Cố Hỉ. Thật ra, tín ngưỡng Bà Cố Hỉ có nguồn gốc: “Gốc của người Chăm, có thể là nữ thần Pô Nagar Việt hóa. Đây là dạng thần Tiền Chủ. Theo nhiều tài liệu, tín ngưỡng Cố Hỉ Phu Nhân được đưa từ vùng Phan Rang vào”(2). Tín ngưỡng Bà Cố Hỉ du nhập vào Nam Bộ theo dấu chân của những lưu dân từ miền Trung vào đây khai khẩn đất hoang. Khi đến Nam Bộ, tín ngưỡng này mang tính chất là vị thần trong ý niệm và được thờ như các vị thần khác như Bà Chúa Xứ, Bà Chúa Động…
Hằng ngày rất nhiều khách hành hương đến viếng miếu Bà Cố Hỉ, đặc biệt là ngày cúng Bà vào 28 tháng 2 âm lịch. Nội dung hoạt động cũng rất phong phú: thi múa lân, hội diễn văn nghệ, đờn ca tài tử suốt đêm, Đặc biệt, những người tham gia không được say xỉn quậy phá, không được ăn nói bừa bãi, chửi thề, cờ bạc. Buổi lễ chính là phần nguyện cầu quốc thái dân an, người dân làm ăn trúng mùa. Xôm tụ nhất là nghi lễ tế heo đứng của khách thập phương. Phần hội có múa bóng rỗi do hàng chục đoàn diễn, nhằm kể về thời khai thiên lập địa, đất nước, quê hương, về công đức của Bà…(3)
Giàn Gừa - căn cứ địa của lực lượng biệt động thành
Giàn gừa, với cành lá um tùm, rậm rạp, thân rễ to đan xen lẫn nhau chính là căn cứ địa quan trọng cho lực lượng biệt động thành. “Giàn gừa có lúc mọc tràn qua rạch Bà Thợ lấn qua bên kia rạch khoảng 3.000m2 khiến con rạch này bị nghẽn. Khu vực giàn gừa nằm gọn ở giữa tứ phía đều là rạch như Bà Thợ, Mương Ngang, Rạch Bàng, Kinh Ranh (giữa Nhơn Nghĩa và Tân Phú Thạnh), các kinh rạch này lại ăn thông với Rạch Sung, rạch Bà Hiệp, rạch Bà Xoài, rạch Chiếc. Và cũng chính vì địa điểm như thế nên trong thời gian chống Mỹ, giàn gừa được chọn làm căn cứ ém quân của lực lượng biệt động thành”(4).
Theo tài liệu của Ban Quản lý di tích TP Cần Thơ thì giàn gừa được chọn làm địa điểm hội họp, triển khai kế hoạch, nghị quyết, chỉ thị của Khu ủy khu Tây Nam Bộ. Đặc biệt, nơi đây đã được lực lượng biệt động thị xã Cần Thơ chọn làm địa điểm mở lớp đào tạo, huấn luyện đội “Biệt động mật” để cung cấp cho các cơ sở nội thành hoạt động, do đồng chí Nguyễn Việt Dũng - Thị đội trưởng thị xã Cần Thơ thời đó phụ trách.
Việc huấn luyện đội “Biệt động mật” đã góp phần cho các phong trào đấu tranh vũ trang tiến lên một bước mới. Phong trào đấu tranh chính trị và vũ trang có hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị lực lượng vũ trang tấn công vào nội ô, đánh thẳng vào cơ quan đầu não của địch. Trong cuộc Tổng tấn công và nổi dậy Xuân Mậu Thân năm 1968 ở Cần Thơ, Giàn Gừa là địa điểm cất giấu vũ khí và đạn dược để chuyển qua Lộ Vòng Cung phục vụ cách mạng.
Ngày 5-4-2013, UBND TP Cần Thơ đã ban hành Quyết định số 1225/QĐ-UBND xếp hạng Di tích lịch sử Giàn Gừa. Như vậy, Di tích lịch sử Giàn Gừa không chỉ gắn liền với lịch sử khẩn hoang mà còn gắn với lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm của Cần Thơ. Hiện nay, đây là nơi sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng dân gian, nơi giao lưu văn hóa, văn nghệ, đặc biệt là nghệ thuật đờn ca tài tử của nhân dân địa phương và thu hút đông đảo du khách(5).
Trần Kiều Quang
(1) Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Phong Điền (2007), “Biên khảo lịch sử Phong Điền - Cần Thơ”, tr.11-12.
(2) Võ Thanh Bằng (chủ biên) (2008), “Tín ngưỡng dân gian ở thành phố Hồ Chí Minh”, NXB ĐHQG TP Hồ Chí Minh, tr. 79.
(3) Song Anh (2013), “Lễ hội Giàn Gừa”, trong cuốn “Lễ hội dân gian Đồng bằng sông Cửu Long”, NXB Phương Đông, tr.83.
(4) Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Phong Điền, Sđd, tr.75-76.
(5) Sở Văn hóa, thể thao và du lịch TP Cần Thơ, Ban quản lý di tích thành phố (2019), “Di tích lịch sử - văn hóa thành phố Cần Thơ”, tr.161.