21/01/2008 - 22:49

Các ngành đào tạo tiếng Pháp

Đang cơn bĩ cực

Trong các kỳ tuyển sinh gần đây của Trường Đại học Cần Thơ (ĐHCT), ngành Sư phạm Pháp văn và ngành Cử nhân Pháp văn là những ngành có số lượng thí sinh đăng ký dự thi thấp nhất. Thậm chí từ năm 2006, Trường Đại học Cần Thơ đã ngưng tuyển sinh ngành Cử nhân Pháp văn. Nguyên nhân chính của tình trạng này là tâm lý lo lắng khó tìm việc làm sau khi tốt nghiệp của các thí sinh, sinh viên.

Khó khăn “đầu vào”

Hiện nay, trên địa bàn TP Cần Thơ chỉ có Trường ĐHCT đào tạo hệ chính qui ngành Sư phạm Pháp văn và Cử nhân Pháp văn. Những năm gần đây, số lượng thí sinh đăng ký dự thi vào ngành Pháp văn ngày càng ít. Theo thống kê của Phòng Đào tạo - Trường ĐHCT, năm 2005, chỉ tiêu tuyển sinh của ngành Sư phạm Pháp văn là 50 sinh viên nhưng trường chỉ tuyển được 21 sinh viên; ngành cử nhân Pháp văn có chỉ tiêu tuyển là 30 sinh viên nhưng chỉ có 6 sinh viên theo học. Trường đành phải ghép 2 lớp lại thành 1. Năm 2006, Trường ĐHCT quyết định ngưng mở ngành Cử nhân Pháp văn.

  Giờ học tiếng Pháp của thầy trò Trường THPT Châu Văn Liêm quận Ninh Kiều - Một trong 11 trường THPT ở TP Cần Thơ có dạy tiếng Pháp. Ảnh: B.NG
Những tưởng sau khi Trường ĐHCT ngưng đào tạo ngành Cử nhân Pháp văn thì số lượng thí sinh thi vào ngành Sư phạm Pháp văn sẽ đông hơn. Thế nhưng, tình hình cũng chẳng được cải thiện gì hơn. Năm 2006, chỉ tiêu tuyển sinh của Trường ĐHCT đối với ngành Sư phạm Pháp văn là 50 sinh viên nhưng chỉ có 88 thí sinh dự thi; kết quả, có 19 sinh viên theo học. Năm 2007, cũng với chỉ tiêu tuyển 50 sinh viên, chỉ có 72 thí sinh dự thi vào ngành Sư phạm Pháp văn và cuối cùng có 17 sinh viên học. Thạc sĩ Nguyễn Vĩnh An, Trưởng Phòng Đào tạo - Trường ĐHCT, cho biết: “Trường đào tạo ngành Pháp văn chủ yếu cung cấp nguồn nhân lực phục vụ việc giảng dạy tiếng Pháp ở các trường THPT. Hiện nay, ngành này đang gặp khó khăn về nguồn tuyển sinh. Đó là chưa kể một số sinh viên theo học nửa chừng rồi chuyển sang thi và học ngành khác. Nguyên nhân là do các em lo lắng về việc làm sau khi tốt nghiệp”.

Cũng theo thạc sĩ Nguyễn Vĩnh An, không có nguồn tuyển sinh cho ngành Pháp văn là khó khăn chung của nhiều trường ĐH trong khu vực. Để có nguồn đào tạo ngành này, các trường ĐH đã linh động tuyển sinh đào tạo song ngữ Anh- Pháp. Tổng lãnh sự Pháp cũng đã có nhiều chính sách thu hút, như: hỗ trợ học bổng, tổ chức hội thảo ở các trường phổ thông... Tuy nhiên, xem ra những nỗ lực trên như “muối bỏ bể” khi vấn đề cơ bản nhất chưa được giải quyết triệt để: việc làm sau khi tốt nghiệp!

Trăn trở “đầu ra”

Một số sinh viên theo học ngành Sư phạm Pháp văn đang canh cánh nỗi lo việc làm sau khi ra trường. Nguyễn Ngọc Kim Cương, sinh viên lớp Sư phạm Pháp văn (song ngữ) khóa 30, Trường ĐHCT, băn khoăn: “Tôi thích học tiếng Pháp từ thời học THPT nên quyết định thi vào ngành Sư phạm Pháp văn. Thế nhưng, tôi rất lo, chẳng biết ra trường có tìm được việc làm hay không vì nghe các anh chị học ở những khóa trước nói rằng ngành Pháp văn khó tìm việc lắm, hầu hết các trường THPT đều đã đủ giáo viên dạy tiếng Pháp. Một số bạn trong lớp cũng cùng tâm trạng như tôi nên đã có 2 bạn chuyển sang học ngành khác”.

TP Cần Thơ hiện có 14 trường phổ thông dạy tiếng Pháp; trong đó, có 11 trường THPT như: THPT Châu Văn Liêm, THPT Chuyên Lý Tự Trọng và THPT Thới Long... Ở Trường THPT Châu Văn Liêm, ngoài chương trình tăng cường tiếng Pháp và bằng tiếng Pháp, trường còn tổ chức dạy tiếng Pháp như ngoại ngữ thứ 2 học sinh. Tuy nhiên, toàn trường cũng chỉ có trên 200 học sinh học tiếng Pháp. Trong đó, có 93 học sinh học chương trình tăng cường tiếng Pháp và bằng tiếng Pháp theo lộ trình A (học tiếng Pháp từ năm lớp 1), 1 lớp tiếng Pháp hệ 7 năm và 2 lớp tiếng Pháp ngoại ngữ 2. So với số lượng học sinh theo học tiếng Anh, số lượng học sinh học tiếng Pháp chỉ chiếm khoảng 10%. Hiện nay, trường có 3 giáo viên dạy tiếng Pháp, 1 giáo viên dạy môn Vật lý bằng tiếng Pháp và một giáo viên hợp đồng dạy toán bằng tiếng Pháp.

Bà Nguyễn Hoài Thi, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Châu Văn Liêm, cho biết: “Số lượng học sinh học tiếng Pháp ít nên trung bình mỗi giáo viên tiếng Pháp chỉ dạy 14 tiết/ 1 tuần, chưa đủ số tiết qui định. Số học sinh theo học tiếng Pháp ngày càng giảm nên hầu như trường không có nhu cầu nhận thêm giáo viên tiếng Pháp”. Hầu hết giáo viên dạy tiếng Pháp của Trường THPT Châu Văn Liêm đã tham gia nhiều đợt tập huấn tại Pháp do Cộng đồng Pháp ngữ tài trợ theo Chương trình tăng cường tiếng Pháp và bằng tiếng Pháp do Bộ Giáo dục và Đào tạo hợp đồng với Cộng đồng Pháp ngữ thực hiện. Hiện nay, 2/3 giáo viên dạy tiếng Pháp của trường đã tự học bằng 2 đại học Anh văn tại Trường ĐHCT.

Không chỉ riêng ở Trường THPT Châu Văn Liêm mà ở các trường phổ thông khác của TP Cần Thơ, đội ngũ giáo viên tiếng Pháp đã ổn định, không có nhu cầu tuyển mới. Bà Trần Cẩm Tú, Trưởng Phòng Tổ chức cán bộ - Sở Giáo dục và Đào tạo TP Cần Thơ, cho biết: “Trong năm 2007, Sở chỉ tuyển 1 giáo viên tiếng Pháp; đợt tuyển giáo viên thứ 2 của năm học 2007-2008, không có nhu cầu tuyển giáo viên tiếng Pháp”.

Thế nhưng, theo thạc sĩ Nguyễn Vĩnh An, sinh viên tốt nghiệp các ngành đào tạo tiếng Pháp không chỉ có thể tham gia giảng dạy ở trường phổ thông mà còn có thể làm những công việc khác, như: hướng dẫn viên du lịch, dịch thuật, phiên dịch... Hiện nay, Trường ĐHCT cũng đã mở ngành tiếng Pháp ở bậc cao học, tạo cơ hội cho những người tốt nghiệp đại học sư phạm Pháp văn hoặc cử nhân Pháp văn có thể học lên cao hơn.

***

Khó khăn trong tìm kiếm việc làm sau khi tốt nghiệp nên ít thí sinh đăng ký dự thi vào ngành Pháp văn. Đó là điều tất yếu của qui luật cung- cầu. Tuy nhiên, đây vẫn là một trong những ngành cần thiết nhằm đáp ứng nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực cho phát triển kinh tế xã hội của ĐBSCL. Làm thế nào để giải quyết tốt “đầu ra”, kích thích “đầu vào” của ngành này vẫn là câu hỏi cho kỳ tuyển sinh sắp tới.

NGỌC GIANG

Chia sẻ bài viết