26/10/2017 - 09:06

Xây dựng quy trình thu hồi đất

Đảm bảo cân bằng lợi ích giữa nhà nước và người dân 

TP Cần Thơ đang có kế hoạch soạn thảo quyết định mới để hướng dẫn thi hành trình tự, thủ tục thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo Luật Đất đai năm 2013. Tháng 1-2017, thành phố triển khai Dự án “Đào tạo nâng cao năng lực và nghiên cứu hoàn thiện quy trình thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư tại TP Cần Thơ” (gọi tắt là Dự án). Dự án được mong đợi sẽ xây dựng quy trình phù hợp với thực tế thành phố, đảm bảo sự cân bằng lợi ích giữa nhà nước và người dân có đất bị thu hồi.

Cần có quy trình cụ thể

Dự án được thực hiện dưới sự tài trợ của Cơ quan Phát triển và Hợp tác Thụy Sĩ (SCD) và Cơ quan Hợp tác Đức thông qua Tổ chức Land Equity và Dự án Quản trị đất đai vùng sông Mekong  do cán bộ Khoa Luật, Trường Đại học Cần Thơ triển khai thực hiện đến tháng 5-2018. Nhóm thực hiện Dự án phối hợp với các cơ quan hữu quan đề xuất dự thảo quy định hướng dẫn về trình tự thu hồi đất và quy chế phối hợp giữa các cơ quan hữu quan. Trong đó, bảo đảm sự tham gia của người dân và sự giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc (MTTQ). Thời gian qua, Dự án phỏng vấn 300 người dân có đất thu hồi đã nhận tiền bồi thường hoặc thông báo nhận tiền bồi thường trên địa bàn quận Ninh Kiều, Cái Răng và huyện Phong Điền. Qua đó, Dự án đạt được một số kết quả bước đầu, đánh giá về nhận thức, góc nhìn của người dân về trình tự, thủ tục thu hồi đất.

Nghiên cứu hoàn thiện quy trình thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư sẽ góp phần đảm bảo hài hòa lợi ích nhà nước và người dân, đẩy nhanh tiến độ các dự án. (Trong ảnh: Một góc dự án Kè sông Cần Thơ và Vincom Plaza).

Theo PGS.TS. Phan Trung Hiền, Phó Trưởng Khoa Luật, Trường Đại học Cần Thơ – Chủ nhiệm Dự án, họp dân là hình thức thông báo thu hồi đất được thực hiện phổ biến. Hình thức này được người dân cho rằng dễ tiếp cận thông tin nhất. Bởi đây là kênh thông tin chính thống, công khai, minh bạch. Các quy định của pháp luật hiện hành thiếu các quy định hướng dẫn người bị thu hồi đất sẽ được và không được thực hiện những gì kể từ thời điểm có thông báo thu hồi đất. Tổ chức kiểm đếm hiện nay chủ yếu thực hiện theo kinh nghiệm địa phương, chưa có hướng dẫn thống nhất về trình tự thực hiện, thành phần tham gia, quy trình phúc tra… Đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm là một trong những hình thức hỗ trợ quan trọng nhất và có ảnh hưởng đến đời sống sau này của người bị thu hồi đất. Nhưng tỷ lệ người dân biết rõ thông tin này khá thấp, chỉ 25%. Khi hỏi về “Người đại diện” của các hộ dân có đất bị thu hồi trong Hội đồng bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, có đến 60% người dân được khảo sát trả lời “Không biết”…

Qua kết quả khảo sát và nghiên cứu các văn bản pháp luật, nhóm nghiên cứu đề xuất nên bổ sung các quy định pháp luật cụ thể giúp người bị thu hồi đất biết rõ hành vi nào được và không được phép thực hiện kể từ thời điểm có thông báo thu hồi đất. Những thông tin này phải là nội dung bắt buộc có trong thông báo thu hồi đất. Cần có một quy trình thực hiện kiểm đếm và phúc tra để tăng sự minh bạch, dân chủ và vai trò giám sát của người dân, MTTQ trong xác định những thiệt hại, tài sản nào được bồi thường khi nhà nước thu hồi đất. Bên cạnh đó, rà soát việc lấy ý kiến về phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để đảm bảo các thông tin về lấy ý kiến, thuận tiện cho người dân tiếp cận và phản hồi. Cần có văn bản quy định chi tiết thành phần, nhiệm vụ, quyền hạn Hội đồng bồi thường, hỗ trợ, tái định cư…

Cần xác định theo nhu cầu

Ban Chủ nhiệm Dự án vừa tổ chức hội thảo lấy ý kiến lần 1 cho Dự án. Từ những kết quả bước đầu và ý kiến đóng góp từ chuyên gia, nhà quản lý, nhóm nghiên cứu sẽ đánh giá toàn diện quá trình thu hồi đất của thành phố, đảm bảo việc thực hiện được thông suốt, hài hòa quyền lợi của nhà nước và người dân. Đồng thời, đề xuất quy trình thu hồi đất chặt chẽ, phát huy được sự chủ động tham gia của người dân – người bị thu hồi đất với cơ quan nhà nước – người giám sát và thực hiện quy trình. Ngoài ra, cung cấp cơ chế phù hợp để MTTQ và các đơn vị đoàn thể có thể tham gia vào quy trình này thực hiện việc giám sát và phản biện xã hội.

Từ thực tiễn trong quá trình thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư các dự án triển khai trên địa bàn TP Cần Thơ, ông Phạm Duy Tín, Giám đốc Trung tâm Phát triển Quỹ đất thành phố, cho biết: Đơn vị nhận thấy một số khó khăn, vướng mắc làm ảnh hưởng tiến độ thực hiện các dự án. Điển hình như: sự phối hợp giữa các đơn vị liên quan đôi lúc chưa nhịp nhàng; giá bồi thường về đất từng lúc được định chưa sát với thực tế dẫn đến việc khiếu nại, khiếu kiện; chính sách hỗ trợ chưa được quy định cụ thể, rõ ràng; nguồn nền tái định cư chưa đủ bố trí cho các hộ dân bị ảnh hưởng dự án; một số hộ dân chưa đồng tình với chủ trương quy hoạch…

GS.TSKH. Đặng Hùng Võ cho rằng: Vẫn còn một số khoảng trống pháp luật trong cơ chế nhà nước thu hồi đất theo quy hoạch. Đối với khoảng trống pháp luật liên quan đến phương pháp luận quy hoạch có thể lấp đầy bằng việc xác định theo nhu cầu đầu tư phát triển, không dựa trên nhu cầu của các ngành, lĩnh vực, địa phương. Việc chuyển dịch đất đai được phân tích theo chi phí - lợi ích dựa vào các chỉ số về kinh tế, xã hội văn hóa và môi trường. Nguyên nhân dẫn đến khoảng trống pháp luật liên quan đến phương thức chuyển dịch đất đai là do tư duy thiết kế các quy định của pháp luật không chính xác. Cần sửa đổi Khoản 2 Điều 73 và Điểm i Khoản 1 Điều 179 của Luật Đất đai 2013. Đối với khoảng trống pháp luật về đấu thầu dự án có sử dụng đất, cần sớm nghiên cứu nội dung cụ thể để bổ sung vào Luật Đấu thầu và Luật Đất đai.

Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Võ Thị Hồng Ánh cho rằng: Dự án cần được nghiên cứu và bổ sung thêm các vấn đề về đào tạo cán bộ, đưa ra nhiều phương án khác nhau trong đền bù, giải phóng mặt bằng nhằm đảm bảo lợi ích cho người dân. Đặc biệt, đối với các dự án, việc đền bù giải phóng mặt bằng cần tiến hành kiểm đếm, sau đó phân phân tích đánh giá tình hình thực tế và đưa ra phương án tốt nhất, cùng với các chính sách cụ thể…

Bài, ảnh: Tuyết Trinh 

Chia sẻ bài viết