12/11/2024 - 09:06

Đảm bảo an toàn sản xuất, sinh hoạt khi triều cường xuất hiện 

Trong tháng 11-2024, TP Cần Thơ còn chịu ảnh hưởng của các đợt triều cường lên cao. Nhất là những ngày giữa tháng, mực nước dự báo lên cao bất thường, gây ngật lụt, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh hoạt, giao thông, sản xuất, mua bán của người dân, cần có giải pháp ứng phó, hạn chế tác hại do triều cường…

Công viên Ninh Kiều được xây dựng tường và tấn bao cát ngăn triều cường chảy tràn gây ngập các tuyến đường giao thông.

Cảnh báo ngập lụt do triều CƯỜNG

Theo Viện Quy hoạch thủy lợi Miền Nam, triều cường giữa tháng 11-2024 sẽ tiếp tục lên cao tại vùng ÐBSCL. Trong đó, vùng giữa (bao gồm TP Cần Thơ) mực nước lớn nhất tháng 11 phổ biến xuất hiện vào các ngày từ 17 và 18-11. Ðỉnh lũ biến đổi ở mức báo động II - báo động III và một số trạm trên mức báo động III từ 5-25cm, đỉnh lũ ở mức cao hơn trung bình nhiều năm và cao hơn cùng kỳ năm 2023. Vùng ven biển ÐBSCL, mực nước lớn nhất tháng 11 phổ biến xuất hiện vào ngày triều cường cao 17 và 18-11. Ðỉnh triều cường ở mức báo động II và báo động III, một số trạm trên mức báo động III từ 5-15cm, đỉnh triều cường ở mức cao hơn trung bình nhiều năm và cao hơn cùng kỳ năm 2023.

Với mực nước như dự báo, nhiều nguy cơ sẽ xảy ra ngập úng trên các khu vực có địa hình thấp trũng và khu vực ven sông chính thuộc vùng giữa và vùng ven biển ÐBSCL. Mức độ ngập úng trên vùng giữa sẽ không nghiêm trọng như kỳ triều cường kết hợp đỉnh lũ chính vụ hồi giữa tháng 9 âm lịch, nhưng vùng ven biển sẽ có nguy cơ ngập úng nhiều hơn do triều cường cao hơn kỳ giữa tháng 9 âm lịch. Các địa phương có nguy cao xảy ra ngập úng do triều cường vào các ngày giữa tháng 11 gồm TP Cần Thơ, tỉnh Vĩnh Long; các huyện ven sông và giữa 2 sông của tỉnh Ðồng Tháp; khu vực ven sông lớn và khu vực cồn (cù lao) giữa sông thuộc các tỉnh Bến Tre, Trà Vinh, Tiền Giang, Sóc Trăng; khu vực trung tâm vùng bán đảo Cà Mau như TP Vị Thanh, TP Ngã Bảy, huyện Phụng Hiệp của tỉnh Hậu Giang, các huyện Phước Long, huyện Hồng Dân, khu vực phía Bắc quốc lộ 1A huyện Hòa Bình và huyện Vĩnh Lợi của tỉnh Bạc Liêu; thị xã Ngã Năm, huyện Mỹ Tú, huyện Mỹ Xuyên của tỉnh Sóc Trăng; các huyện Trần Văn Thời, huyện Thới Bình, TP Cà Mau tỉnh Cà Mau.

ÐBSCL có tổng diện tích xuống giống lúa thu đông 2024 là 704.814ha, vượt kế hoạch 4.814ha. Ðến nay, các địa phương trong vùng đã thu hoạch với tổng diện tích khoảng 339.305ha, tương đương 48% diện tích xuống giống. Kế hoạch xuống giống lúa vụ đông xuân năm 2024-2025 là 1.464.789ha. Tính đến 25-10-2024, toàn đồng bằng đã xuống giống được 194.535ha, tương đương khoảng 13% kế hoạch, chủ yếu ở các tỉnh Long An, Ðồng Tháp và Sóc Trăng… Mực nước dự báo trong tháng 11 về cơ bản các khu vực ô bao sản xuất vụ thu đông và đông xuân trên vùng ÐBSCL đều không bị ảnh hưởng bởi lũ, triều cường. Tuy nhiên dự báo từ nay đến cuối năm triều cường ở mức cao, đặc biệt là kỳ triều cường giữa tháng 11 năm 2024 (từ ngày 16-19/11/2024), nên nguy cơ cao xảy ra ngập úng trên những vùng thấp trũng thuộc vùng giữa và vùng ven biển.

Ðể phòng, chống triều cường dâng cao từ nay đến cuối mùa lũ năm 2024, và nguy cơ hạn hán, xâm nhập mặn vào đầu mùa khô năm sau, Viện Quy hoạch thủy lợi Miền Nam kiến nghị các địa phương vùng ÐBSCL cần có giải pháp ứng phó triều cường giữa tháng 11-2024, đề phòng triều cường dâng cao vào các tháng cuối năm, chủ động gia cố hệ thống đê bao, bờ bao xung yếu bảo vệ sản xuất; xây dựng kế hoạch xuống giống lúa đông xuân sớm ở những khu vực lũ đã rút, nhằm tránh lấy nước tập trung vào thời kỳ nắng nóng hạn hán gay gắt…

Ứng phó ra sao

Theo Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự - Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PTDS-PCTT&TKCN) TP Cần Thơ, thời gian qua, vùng trũng thấp của thành phố bị ngập lụt do các đợt triều cường tháng 8, 9 và đầu tháng 10 âm lịch. Nhờ hệ thống kè, âu thuyền, cống và trạm bơm vận hành đồng loạt nên khu vực trung tâm quận Ninh Kiều, một phần quận Bình Thủy không còn ngập lụt do triều. Tuy nhiên nhiều tuyến đường vùng ven và khu vực trũng thấp trên địa bàn thành phố vẫn bị ngập nước, ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của người dân, nhất là các tuyến đường khu vực Bến Ninh Kiều bị triều cường chảy tràn, gây ngập lụt nghiêm trọng.

Theo thống kê, trong đợt lũ kết hợp triều cường tháng 10-2024 trên địa bàn nội ô quận Ninh Kiều có 13 tuyến đường đã bị ngập cục bộ hoặc ngập toàn tuyến (khu vực Bến Ninh Kiều), gồm: Hai Bà Trưng, Ngô Quyền, Lý Thường Kiệt, Lê Thánh Tôn, Trần Quốc Toản, Thủ Khoa Huân, Tân Trào, Ngô Gia Tự... Nguyên nhân chính do triều cường, nước từ các sông, rạch dâng cao tràn qua mặt đường và một số cống thoát nước ra phía ngoài sông không có van ngăn triều hoặc bị hư hỏng. Riêng tại khu vực 3, phường Cái Khế triều cường làm vỡ tuyến đê bao kênh thủy lợi tiếp giáp với sông Hậu, nước lũ tràn vào làm nhiều nhà dân, đường giao thông bên trong bị ngập sâu, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sinh hoạt của người dân.

Mới đây, UBND quận Ninh Kiều kiến nghị UBND TP Cần Thơ chấp thuận chủ trương giao cho quận làm chủ đầu tư và hỗ trợ nguồn vốn đầu tư dự án xây dựng kè sông Cần Thơ đoạn từ Nhà khách số 2 đến cầu đi bộ và cải tạo, nâng cấp công viên Ninh Kiều, đoạn từ phà Xóm Chài đến tượng đài Bác Hồ, trong giai đoạn 2021-2025. Ngoài ra, quận Ninh Kiều còn đề nghị UBND thành phố Cần Thơ tiếp tục đầu tư kiểm tra, lắp đặt các van ngăn triều tại các vị trí chưa có và hỗ trợ kinh phí đầu tư gia cố hệ thống đê bao tại khu vực Cồn Khương. Các kiến nghị trên cũng đang được thành phố xem xét.

Nhằm hạn chế tình trạng ngập lụt do các nguyên nhân trên, Phòng Quản lý đô thị quận Ninh Kiều đã xây dựng bờ tường ngăn triều dài 200m, cao khoảng 0,8m; đoạn còn lại khoảng 800m đắp bao cát với độ cao 0,6-0,7m tại Công viên Ninh Kiều để hạn chế tình trạng triều cường chảy tràn gây ngập đô thị. Tuy nhiên đây chỉ là giải pháp tình thế, về lâu dài cần có công trình ngăn triều kiên cố, đảm bảo mỹ quan tại công viên Ninh Kiều.

Ông Nguyễn Ngọc Hè, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, Phó trưởng ban Thường trực Ban Chỉ huy PTDS-PCTT&TKCN thành phố, nhấn mạnh: Ðể thực hiện tốt công tác an toàn giao thông, chủ động ứng phó với triều cường sắp tới, UBND TP Cần Thơ yêu cầu đơn vị quản lý âu thuyền, hệ thống cống, van ngăn triều, các trạm bơm thực hiện đóng, mở đúng thời gian khi triều dâng cao và xuống thấp; tổ chức bơm tát hiệu quả khi triều cường dâng cao kết hợp mưa lớn gây ngập vùng nội ô. Ban Chỉ huy PTDS-PCTT&TKCN TP Cần Thơ cũng yêu cầu thành viên của ban, các cấp, các ngành chức năng và UBND các quận, huyện tổ chức theo dõi diễn biến mưa, triều cường, thông tin đến các cấp chính quyền, người dân, nhất là vùng thấp, trũng ven sông để chủ động ứng phó; các địa phương tiếp tục tổ chức trực ban 24/24 giờ trong các ngày triều cường lên cao, nắm chắc mọi tình hình có liên quan đến công tác phòng chống, cứu hộ trên địa bàn; duy trì lực lượng ứng cứu, hướng dẫn giao thông tại các đoạn đường bị ngập sâu, điểm giao nhau; tăng cường kiểm tra, gia cố đê bao, bờ bao bảo vệ vườn cây ăn trái, các cồn trên sông Hậu; đồng thời tổng hợp tình hình phòng chống thiên tai trong phạm vi phụ trách để báo cáo thành phố theo quy định…

Bài, ảnh: HÀ VĂN

Chia sẻ bài viết