27/12/2008 - 08:23

Phiên họp thứ 15, Ủy ban thường vụ Quốc hội:

Đa số nhất trí chọn 10 tỉnh, thành trực thuộc Trung ương thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND

Việc lựa chọn tỉnh, thành thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND cần phân bổ phù hợp từng vùng, miền, quan tâm đến các điều kiện thuận lợi, khó khăn. Đây là ý kiến của Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu khi kết luận buổi họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) về việc xem xét, quyết định danh sách các huyện, quận, phường thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND vào sáng 26-12.

Đa số đại biểu đều nhất trí với Tờ trình của Chính phủ về việc dự kiến có 10 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương sẽ được chọn để tiến hành thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường trên toàn địa bàn, gồm các tỉnh: Lào Cai, Vĩnh Phúc, Nam Định, Quảng Trị, Phú Yên, Bà Rịa- Vũng Tàu, Kiên Giang và 3 thành phố: Hải Phòng, Đà Nẵng, Hồ Chí Minh với tổng cộng 69 huyện, 32 quận và 483 phường. Đây là những địa phương thực hiện tốt công tác cải cách hành chính, có quyết tâm tham gia thực hiện thí điểm. Một số đại biểu cho rằng, việc thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND đối với toàn bộ các huyện, quận, phường trong một tỉnh, thành phố có ưu điểm sẽ giúp hạn chế những khó khăn, vướng mắc trong công tác chỉ đạo, điều hành và quản lý nhà nước.

Tuy nhiên, theo đại biểu Phạm Minh Tuyên, Phụ trách công tác Đại biểu QH: Các đơn vị thực hiện thí điểm mà Chính phủ đưa ra chưa có tính thuyết phục, cần có tiêu chí lựa chọn, ví dụ có thể thực hiện hai phương án: một là có tỉnh chỉ nên thí điểm một nửa số quận, huyện; hai là thực hiện toàn bộ nơi tổ chức thí điểm. Chính phủ nên xây dựng rõ tiêu chí này để tiện so sánh những thuận lợi, khó khăn khi thực hiện. Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước băn khoăn: Với cách lựa chọn như vậy chưa thể hiện được tính đặc trưng của từng vùng, từng địa phương, nên chọn có tính điển hình hơn. Đơn cử như Nghệ An, là một tỉnh có nhiều người là dân tộc, sao không thực hiện thí điểm? Mặt khác, dự kiến thí điểm không nên “bê nguyên si” chức năng, nhiệm vụ của UBND cấp huyện, phường như trước mà cần có phương pháp quản lý mới. Nếu thực hiện thí điểm tất cả các huyện, quận, phường sẽ thiếu mô hình đối chứng trong cùng điều kiện ở một địa phương để có thể so sánh, tổng kết, xác định chính xác ưu, nhược điểm của từng mô hình tổ chức.

Về vấn đề xác định huyện, quận, phường là một cấp ngân sách hay là một đơn vị dự toán ngân sách cũng được nhiều đại biểu quan tâm. Các đại biểu Trần Thế Vượng- Phụ trách công tác Dân nguyện, Phùng Quốc Hiển- Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- Ngân sách của QH cho rằng, mặc dù ở huyện, quận, phường không còn HĐND, nhưng chức năng quản lý hành chính nhà nước ở địa phương không thay đổi, UBND huyện, quận, phường có chức năng quyết định các chủ trương, biện pháp phát triển kinh tế- xã hội, củng cố quốc phòng an ninh trên địa bàn. Các nhiệm vụ, quyền hạn so với trước đây không giảm bớt mà còn bổ sung mới. Do vậy cần xác định huyện, quận, phường vẫn là một cấp ngân sách, nhằm bảo đảm sự điều hành, quản lý nhà nước được thông suốt, hiệu quả.

Tuy nhiên, một số ý kiến đề nghị huyện, quận, phường không phải là một cấp ngân sách mà chỉ là một đơn vị dự toán ngân sách. Bởi khi không tổ chức HĐND thì UBND huyện, quận, phường chỉ là cơ quan hành chính, HĐND cấp tỉnh sẽ quyết định và giám sát việc thực hiện ngân sách trong phạm vi toàn tỉnh, trong đó có UBND nơi không tổ chức HĐND.

LƯU THỊ THOAN (TTXVN)

Chia sẻ bài viết