21/05/2014 - 10:09

Thới Lai

Đa dạng đồ dùng dạy học tự làm

Thiết bị dạy học (hay đồ dùng dạy học) là phương tiện lao động sư phạm của người dạy và người học, là một trong những điều kiện để tiến hành quá trình dạy học – giáo dục trong nhà trường đạt hiệu quả cao hơn. Với điểm nhấn là "Quản lý tốt và sử dụng có hiệu quả thiết bị dạy học", Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Thới Lai vừa tổ chức Hội thi sáng tạo và triển lãm đồ dùng dạy học tự làm cấp huyện năm học 2013 – 2014, thu hút đông đảo giáo viên tham gia, với nhiều mô hình hay, thiết thực…

Đến tham quan Hội thi, nhiều đại biểu tỏ ra thích thú trước các mô hình đồ dùng dạy học của các giáo viên Mầm non, Tiểu học và THCS trưng bày. Trong đó, đồ dùng học tập Tiếng Việt lớp 1 của thầy Trần Bá Vinh, giáo viên Trường Tiểu học Đông Bình 2 thu hút nhiều lượt khách đến tham quan. Theo thầy Vinh, trong môn Tiếng Việt có bộ đồ dùng dành cho từng học sinh thực hành các bài học. Tuy nhiên, qua thời gian cho học sinh thực hành còn nhiều bất tiện như học sinh khó giữ, sắp xếp không đúng chỗ, để mất hoặc tốn kém nhiều thời gian tìm kiếm. Để học sinh được thực hành thuận tiện, dễ dùng, dễ bảo quản, thầy Vinh đã sáng tạo ra bộ đồ dùng học tập môn Tiếng Việt lớp 1 dành cho học sinh cá nhân và đồ dùng học tập môn Tiếng Việt dành cho học sinh học nhóm.

Đồ dùng học tập Tiếng Việt lớp 1 của thầy Trần Bá Vinh thu hút nhiều người tham quan.

Chất liệu đồ dùng gồm: bảng đính chữ bằng mica; các chữ cái bằng mica in màu; phôm, nam châm lá, tol và đề can. Thầy Vinh hướng dẫn cách sử dụng: "Mỗi học sinh có một bộ đồ dùng, mỗi bộ đồ dùng đã có sắp xếp sẵn các con chữ và các dấu, có chừa chỗ đính chữ, đính hình trên cùng một mặt, dễ tìm, dễ gắn. Khi giáo viên dạy từ âm vần, học sinh tìm và thực hiện ghép từ âm đến vần, tiếng theo yêu cầu của giáo viên để nhận dạng đọc và tự khám phá kiến thức mới và tìm đính phần từ khóa ứng dụng ở sau mỗi tiết khi giáo viên phát hình và khai thác hình. Học sinh chỉ cần tìm chữ cái và đính không cần có bảng đính"...

Đến với hội thi, cô Nguyễn Thị Oanh, giáo viên Trường Tiểu học Xuân Thắng đã cho ra mắt mô hình "An toàn giao thông". Đây là mô hình không mới ở các hội thi, nhưng mô hình gây ấn tượng đối với người xem bởi các nguyên vật liệu dễ tìm như: miếng xốp, đề can, dây chì, ống hút… và màu sắc hài hòa, đẹp mắt, thu hút sự chú ý, theo dõi của học sinh khi giáo viên dạy bài. Cô Oanh cho biết: "Cho học sinh quan sát trực tiếp vào mô hình đã làm sẵn theo sự hướng dẫn của giáo viên. Mô hình này sử dụng được trong một số môn học từ lớp 1 đến lớp 5. Cụ thể: Ở lớp 1, môn Đạo đức có bài "Đi bộ đúng quy định"; môn Tự nhiên và Xã hội có bài "Cuộc sống xung quanh" và "An toàn đường đi học". Hay ở lớp 2, ở môn Tự nhiên và Xã hội có bài "Đường giao thông" và "An toàn các phương tiện giao thông"…

Hội thi nhằm nâng cao chất lượng dạy và học theo yêu cầu đổi mới giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông. Qua đó, góp phần đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng tích cực hóa hoạt động của người học, thúc đẩy phong trào thi đua lao động sáng tạo, tự nghiên cứu khoa học của cán bộ, giáo viên. Hội thi có tất cả 327 đồ dùng dạy học được các đơn vị trường học thuộc huyện Thới Lai đăng ký dự thi (trong đó, bậc học Mầm Non có 81 sản phẩm; bậc Tiểu học có 172 sản phẩm và bậc Trung học, cấp Trung học cơ sở có 74 sản phẩm dự thi).

Các đồ dùng dạy học tự làm đã đáp ứng yêu cầu của Ban Tổ chức như: Đồ dùng đảm bảo những quy định về tính khoa học; tính sư phạm; tính khả thi; tính kinh tế, sử dụng lâu dài và tính thẩm mỹ. Qua nhận xét của nhiều người đến dự buổi tham quan, dù mới nhìn qua nhưng ghi nhận hầu hết các đồ dùng đều đã đảm bảo được các tiêu chí đặt ra. Các đơn vị đã có sự đầu tư khá công phu trong thiết kế, các sản phẩm hầu hết đều đảm bảo được các tiêu chí đặt ra, đó là đẹp về hình thức, đa dạng và phong phú về thể loại, mỗi đồ dùng là một sản phẩm trí tuệ, là sự khéo léo được gửi gắm với cả tâm huyết của người làm ra nó. Kết quả của hội thi: Bậc Mầm non công nhận 76/81. Trong đó có 2 giải nhất, 2 giải nhì, 2 giải ba và 8 giải khuyến khích. Bậc Tiểu học công nhận 125/175. Trong đó có 2 giải nhất, 2 giải nhì, 2 giải ba và 9 giải khuyến khích. Cấp THCS công nhận 62/76. Trong đó có 2 giải nhất, 2 giải nhì, 2 giải ba và 6 giải khuyến khích.

Hội thi đồ dùng dạy học tự làm là cơ hội cho cán bộ, giáo viên thể hiện niềm say mê nghiên cứu khoa học, là nơi để giao lưu, trao đổi kinh nghiệm về làm đồ dùng dạy học, qua đó khơi dậy và nhân rộng phong trào tự làm đồ dùng dạy học trong toàn ngành.

Bài, ảnh: CHẤN HƯNG

Chia sẻ bài viết