22/05/2009 - 21:48

Nước đá, nước đóng chai

Đã an tâm về chất lượng?

Thời tiết nắng nóng, nhu cầu sử dụng nước đá, nước đóng chai của người dân rất cao. Nhiều cơ sở sản xuất ra không kịp bán. Nhu cầu người tiêu dùng lớn, dẫn đến việc nhiều cơ sở gian dối bằng nhiều thủ đoạn... khiến cho chất lượng nước đóng chai, nước đá càng đáng lo ngại cho người tiêu dùng.

Kiểm tra và lấy mẫu xét nghiệm

Hiện nay, trên địa bàn TP Cần Thơ có khoảng 39 cơ sở sản xuất nước đá cây, nước đá tinh khiết. Ông Đàm Hồng Hải, Thanh tra Vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP), Sở Y tế TP Cần Thơ cho biết: “Nước đá cây được sản xuất trên nguyên tắc nguồn nước sông đã qua xử lý giống như nguồn nước máy (có cơ sở dùng thêm hệ thống trao đổi ion) và tiếp tục qua hệ thống làm lạnh. Còn nước đá tinh khiết dạng viên nhỏ, được sản xuất từ nguồn nước đã xử lý lần đầu (nhiều cơ sở sử dụng nguồn nước thủy cục hay còn gọi là nước máy) rồi xử lý thêm công đoạn lọc và qua hệ thống đông đá. Tất nhiên về mặt cảm quan và vệ sinh thì sản phẩm nước đá tinh khiết có chất lượng tốt hơn”.

Qua tìm hiểu của chúng tôi, nước đá cây giá thành khá “mềm”, giá bán sỉ 8.000 đồng/cây. Nước đá tinh khiết, sản phẩm là viên đá to bằng cổ tay (hay dùng để uống bia), viên nhỏ (thường dùng để uống các loại nước giải khát), do sử dụng nguồn nước thủy cục, được xử lý bằng trang thiết bị hiện đại nên giá thành của nước đá tinh khiết tương đối cao, bao (khoảng 20 kg) được bán với giá sỉ từ 6.000-7.000 đồng/bao, bán lẻ từ 10.000-12.000 đồng/bao (tùy cơ sở).

Do nước đá sử dụng nguồn nước sông để sản xuất nên tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ về VSATTP nếu nguồn nước không được xử lý đúng qui định. Trong đợt kiểm tra từ giữa tháng 4 đến đầu tháng 5-2009, Đoàn kiểm tra liên ngành VSATTP TP Cần Thơ (gọi tắt là Đoàn kiểm tra) phát hiện nhiều sai phạm của các cơ sở sản xuất nước đá. Hãng nước đá Cái Sơn Hàng Bàng thuộc Công ty cổ phần H.T ở đường Cái Sơn Hàng Bàng, phường An Bình, quận Ninh Kiều với khuôn viên khá rộng rãi, chuyên sản xuất nước đá cây và nước đá tinh khiết. Đoàn kiểm tra ghi nhận tại khu vực đông đá vẫn còn nhiều rác, bao thuốc lá, trên sàn đóng đầy rong rêu, khuôn nước đá bị gỉ sét, tại khu vực đông đá những khuôn đá không được che đậy. Chủ cơ sở giải thích: “Trước kia, chúng tôi có che đậy nhưng vì che như vậy sẽ khuất tầm nhìn, không biết đá đông khi nào”.

 Kiểm tra cơ sở sản xuất nước đóng chai.

Khi được hỏi về nguồn nước để sản xuất nước đá, chủ cơ sở cho biết: “Chúng tôi lấy từ nguồn nước sông, rồi lắng lọc”. Theo quan sát của chúng tôi, ống dẫn nước lên hệ thống lắng lọc bám đầy rong rêu và sình bùn. Tại khu đặt hệ thống lọc, nền nhà khá ẩm thấp, quần áo được treo lủng lẳng, thỉnh thoảng mùi a-mô-ni-ắc bốc lên nồng nặc, khó chịu.

Tại cơ sở sản xuất nước đá ở số 300, đường Tầm Vu, thuộc Công ty cổ phần D.T, qua kiểm tra chưa xuất trình giấy tập huấn về VSATTP, giấy khám sức khỏe cho công nhân đã hết hạn và khu vực sản xuất cũng không được che đậy. Đoàn kiểm tra test nhanh thử clo dư trong nước (đã qua xử lý), kết quả âm tính (theo qui định phải xử lý bằng clo).

Hiện nay, toàn thành phố có khoảng 65 cơ sở sản xuất nước đóng chai. Từ năm 2000 trở về trước, việc dùng nước đóng chai để uống chưa phổ biến như bây giờ, toàn thành phố chỉ có khoảng 10 cơ sở. Lo ngại trước tình hình chất lượng nước đóng chai, Đoàn kiểm tra đã kiểm tra, lấy mẫu xét nghiệm 100% cơ sở sản xuất nước đóng chai. Qua kiểm tra, hầu hết các cơ sở đều sử dụng nguồn nước thủy cục (nước máy) để sản xuất nước đóng chai, sử dụng thiết bị nhập từ Hoa Kỳ, xử lý bằng tia cực tím, ozon và lọc RO (lọc thẩm thấu ngược). Tuy nhiên, không phải tất cả các cơ sở đều tuân thủ đúng qui trình, đặc biệt trong thời điểm lượng tiêu thụ nước đóng chai tăng mạnh. Ông Đàm Hồng Hải cho biết: “Qua kiểm tra chưa phát hiện cơ sở sản xuất nước đóng chai dùng nước sông, nước giếng để sản xuất. Tuy nhiên, chúng tôi lo ngại khi nhu cầu người dân dùng nhiều, cơ sở sản xuất không kịp, sẽ gian dối bằng cách pha thêm nước máy vào nước đóng chai đã qua xử lý, hoặc trong quá trình rửa bình (bình đã qua sử dụng), công nhân ẩu, không rửa kỹ...”.

Tại công ty TNHH sản xuất thương mại T.C, tại khu vực Thới Nhựt, phường An Khánh, quận Ninh Kiều, nhãn hiệu nước đóng chai Lotus dew, công nhân sản xuất không mặc áo blu theo quy định, không mang găng tay, khẩu trang, khu vực sản xuất chật hẹp. Bà N.T.N, giám đốc công ty phân trần: “Chúng tôi có mua đủ quần áo, găng tay, khẩu trang nhưng công nhân ít sử dụng”. Tại thời điểm kiểm tra, công ty cũng chưa xuất trình giấy khám sức khỏe, công bố chất lượng. Ở DNTN sản xuất nước đá tinh khiết Mekong, đường Tầm Vu, phường Hưng Lợi, quận Ninh Kiều. Thiết bị hiện đại, khu vực sản xuất sạch sẽ nhưng nhà vệ sinh cho công nhân rất dơ, thiết bị nhà vệ sinh hư hỏng, nền nhà vệ sinh ngập, đóng rêu, không có phương tiện khử trùng tay. Khi đoàn kiểm tra phân tích: Công nhân đi vệ sinh, các chất bẩn dính vào ủng, quần áo, rồi đi vào khu vực sản xuất gây nhiễm bẩn nước đá. Tại thời điểm kiểm tra, công ty cũng chưa xuất trình giấy khám sức khỏe, tập huấn VSATTP.

Tại doanh nghiệp tư nhân T.P, phường An Phú, quận Ninh Kiều sản xuất nước đóng chai hiệu Olympic và DNTN B.T, đường Trần Hoàng Na, phường Hưng Lợi nhãn hiệu nước đá tinh khiết Kim Cương, nước đóng chai Diamond, đoàn kiểm tra phát hiện sai phạm về nhãn hàng hóa. Trên nhãn của sản phẩm nước đóng chai, ghi thể tích thực 21 lít (loại bình có cổ nhỏ, dùng cho máy nóng lạnh) nhưng qua cân thực tế chỉ được hơn 19 lít.

Xử lý nghiêm những cơ sở sai phạm

Trong năm 2008, Thanh tra Sở Y tế TP Cần Thơ đã tiếp nhận 2 đơn thư phản ánh của người dân về chất lượng nước đóng chai nhãn hiệu Fresh và Olympic. Qua kiểm tra, Thanh tra Sở Y tế TP đã phạt cảnh cáo chủ cơ sở sản xuất nước đóng chai nhãn hiệu Fresh. Còn nhãn hiệu Olympic, Thanh tra Sở Y tế gởi mẫu nước kiểm tra, mẫu đạt chất lượng. Chủ cơ sở giải trình: Do thiết bị trục trặc nên có lúc sản phẩm bị vẩn đục. Doanh nghiệp đã sửa chữa thiết bị và cam kết không tái phạm.

Một cán bộ đoàn kiểm tra nhận định: “Các cơ sở nước đá hoạt động đã nhiều năm. Tuy nhiên do sản phẩm nước đá được bày bán khắp nơi, cơ sở cạnh tranh nhau, hạ giá thành, trên sản phẩm không ghi nơi nào sản xuất, khi uống nếu người tiêu dùng bị tiêu chảy, ngộ độc thực phẩm thì cơ sở đổ thừa cho các thành phần pha chung với nước đá... Trong khi tâm lý của người dân cho rằng nước đông thành đá thì vi khuẩn chết hết (thực tế chỉ làm cho chúng chậm phát triển hoặc ngừng phát triển). Còn nước đá tinh khiết, việc sản xuất phải đầu tư tốn kém, sản phẩm giá thành khá cao, phục vụ hầu hết các quán giải khát, nhà hàng hạng sang, nhiều nơi phục vụ cho các công ty thủy sản xuất khẩu ướp thành phẩm nên chất lượng có phần đảm bảo hơn. Đối với các cơ sở sản xuất nước đóng chai do sử dụng nguồn nước máy sản xuất. Đây là nước sinh hoạt, cộng thêm cơ sở dùng các công nghệ để xử lý nên nước đảm bảo chất lượng”. Qua thực tế kiểm tra tại 47 cơ sở từ đầu tháng 3 đến đầu tháng 5-2009, hầu hết các cơ sở vi phạm là các cơ sở sản xuất nước đá. Vi phạm phổ biến nhất là vệ sinh bề bộn, nhà vệ sinh công nhân bị hư hỏng, không trang bị vật dụng khử trùng, công nhân không mặc bảo hộ lao động trong giờ sản xuất (các cơ sở sản xuất nước đá: Đại Việt, Duy Tân, Bích Thủy, Trường Thịnh, Mekong...). Một số cơ sở sử dụng các loại giấy công bố chất lượng, giấy chứng nhận tập huấn kiến thức VSATTP, giấy khám sức khỏe của công nhân đã hết hạn (các cơ sở sản xuất nước đá: Kiến Đạt, Duy Tân, Bích Thủy...).

Ông Trần Hữu Bình, Chánh Thanh tra Sở Y tế TP Cần Thơ, cho biết: “Thanh tra Sở Y tế đã làm việc với Trung tâm Y tế dự phòng thành phố ưu tiên xét nghiệm các mẫu nước, thực phẩm do Thanh tra gởi để sớm thông tin cho người dân biết. Thanh tra đã nhắc nhở các quận, huyện tăng cường kiểm tra và xử phạt nghiêm các cơ sở vi phạm. Tuy nhiên, chúng tôi chỉ tập trung kiểm tra trong các đợt cao điểm, tháng hành động, vì thế rất cần sự giám sát của các trạm y tế, người dân đối với các cơ sở sản xuất nước đá, nước đóng chai”. Trong đợt này, nhờ có nguồn thông tin từ người dân, từ các cơ sở sản xuất cung cấp, Thanh tra Sở Y tế đã đi kiểm tra một số cơ sở sản xuất “chui” và lấy mẫu nước xét nghiệm. Về việc xử lý các cơ sở này, ông Trần Hữu Bình cho biết: “Thanh tra Sở Y tế xử phạt cơ sở “chui” dựa trên kết quả kiểm nghiệm mẫu nước và cơ sở có các giấy tờ liên quan đến VSATTP hay không” .

Tuy số cơ sở vi phạm được phát hiện ở TP Cần Thơ ít, trong các mẫu gởi xét nghiệm cũng chưa phát hiện mẫu nước đá, nước đóng chai nào không đạt chất lượng (trong 30/47 mẫu có kết quả thì 30 mẫu đều đạt chất lượng). Nhưng kết quả này chưa thể khẳng định được nước đá, nước đóng chai ở TP Cần Thơ hoàn toàn an toàn. Theo lời nhận xét của một thành viên trong Đoàn kiểm tra: “Các tỉnh, thành đều ra quân kiểm tra nước đá, nước đóng chai và mạnh tay xử lý các cơ sở vi phạm, nên khi TP Cần Thơ ra quân kiểm tra, cơ sở có tư thế chuẩn bị, khó phát hiện được sai phạm. Vì vậy, người tiêu dùng nên cẩn thận, tỉnh táo trong chọn lựa sản phẩm, tập thói quen uống nước nấu chín và sử dụng nước đá tinh khiết”.

Bài, ảnh: HOÀNG-HOA

Chia sẻ bài viết