14/12/2008 - 08:22

Đồng chí Trương Tấn Sang:

Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” ngày càng đi vào thực chất, có sức lan tỏa trong toàn xã hội

Phát biểu tại Hội nghị giao ban công tác triển khai thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam, được tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh ngày 13-12, đồng chí Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động 06, đã nêu rõ: Công tác triển khai thực hiện Cuộc vận động tại các địa phương đã ngày càng đi vào thực chất hơn, có sức lan tỏa trong toàn xã hội. Việc lồng ghép Cuộc vận động với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, kinh tế -xã hội, trong quản lý Nhà nước, ngày càng đem lại hiệu quả thiết thực, rõ nét.

Đồng chí hoan nghênh các địa phương vừa nghiêm túc thực hiện sự hướng dẫn của Trung ương, vừa phát huy tính sáng tạo, triển khai Cuộc vận động phù hợp với thực tiễn của địa phương và khẳng định: Chủ đề của Cuộc vận động rất đúng đắn. Thông qua thực hiện Cuộc vận động, chúng ta đã góp phần tích cực vào công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đẩy lùi các hiện tượng tiêu cực; thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội X của Đảng.

Cuộc vận động ngày càng đi vào chiều sâu, chuyển biến về nhận thức trong Đảng, trong các tầng lớp nhân dân sâu sắc hơn, hành động “làm theo” cũng chuyển biến ngày càng mạnh mẽ, thể hiện rõ nét nhất trong thực hành tiết kiệm, sửa đổi lề lối làm việc, giảm phiền hà cho dân, chăm lo cải thiện đời sống của người nghèo, nâng cao trách nhiệm cá nhân, xây dựng tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái trong các tầng lớp nhân dân; các phong trào xã hội cũng phát triển mạnh. Mặt khác, trong khi tình trạng vi phạm kỷ luật giảm cả về số vụ phát sinh và mức độ nghiêm trọng, các địa phương cũng nghiêm khắc xử lý được nhiều vụ vi phạm hơn, thì đã bắt đầu xuất hiện một số cán bộ, đảng viên tự giác nhận khuyết điểm trước Đảng, trước dân.

Đồng chí Trương Tấn Sang lưu ý: Tuy nhiên, sự chuyển biến chưa đều, khối quận, huyện chuyển biến tốt hơn khối sở, ngành; một số địa phương còn lúng túng trong cách làm, trong triển khai kế hoạch học tập, tu dưỡng của các cá nhân; có nơi làm còn hình thức... Đồng chí cho rằng nguyên nhân của các thiếu sót có thể do Ban Chỉ đạo Trung ương hướng dẫn chưa kịp thời cho các địa phương; ý thức tự giác của một bộ phận cán bộ địa phương chưa tốt; công tác tuyên truyền còn hạn chế; việc đưa Cuộc vận động vào hệ thống giáo dục quốc dân còn chậm... Kinh nghiệm cho thấy muốn thành công phải tăng cường công tác kiểm tra đôn đốc sau khi phát động phong trào; việc giao ban từng khu vực trong khoảng thời gian 6 tháng hoặc một năm một lần là rất cần thiết; phải dùng điều tra xã hội học để đánh giá sát kết quả cuộc vận động; cán bộ chủ chốt các cấp phải được tập huấn, thấm nhuần trước và tự giác, nêu gương trước đảng viên và nhân dân; nội dung sinh hoạt chi bộ hàng tháng phải gắn liền với nội dung cuộc vận động; các đồng chí lãnh đạo cần trực tiếp tham gia chỉ đạo triển khai thực hiện, lời nói phải đi đôi với việc làm. Cuộc vận động phải được thực hiện thường xuyên, liên tục...

Tại Hội nghị, đại diện Ban Chỉ đạo Cuộc vận động của 21 tỉnh, thành phố phía Nam (từ Bình Thuận trở vào) đã cùng trao đổi kinh nghiệm về công tác chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện Cuộc vận động, trao đổi bàn bạc các giải pháp thực hiện trong thời gian tới. Các ý kiến nhất trí đánh giá: Dư luận trong Đảng và ngoài xã hội cho rằng: Đảng phát động cuộc vận động lần này là đúng và “trúng”, đáp ứng tình cảm và lòng mong đợi của đông đảo cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân.

Các Ban Chỉ đạo Cuộc vận động các địa phương cũng nêu lên một số bài học kinh nghiệm về trách nhiệm và sự quan tâm của cấp ủy, Ban Chỉ đạo các cấp; gắn với cuộc đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, thực hiện quy chế dân chủ và phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị; về xây dựng hệ thống tài liệu tuyên truyền; gắn với nhiệm vụ chính trị và trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị...

HÀ HUY HIỆP (TTXVN)

Chia sẻ bài viết