08/07/2010 - 21:08

XUẤT KHẨU THỦY SẢN TRUY XUẤT NGUỒN GỐC

Cuộc đua mới của doanh nghiệp và nông dân

Chế biến sản phẩm thủy sản xuất khẩu tại Nhà máy Chế biến thủy sản Việt Cường – thị xã Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu. Ảnh: Nguyễn Quốc

Hội chợ Thủy sản Việt Nam (VietFish) 2010 tại TPHCM vừa khép lại trung tuần tháng 6-2010. Khác hẳn với VietFish những năm trước, lần này thủy sản Việt Nam bị đặt trước yêu cầu phải đáp ứng những đòi hỏi khắt khe của thị trường nhập khẩu, nhất là về chất lượng và truy nguyên nguồn gốc.

* SÂN CHƠI DÀNH CHO TÔM THƯƠNG HIỆU

Ngay từ đầu năm 2010, 15 doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu đã từng bước thống nhất phương án tạo thương hiệu riêng cho con tôm Bạc Liêu. Theo đó, các doanh nghiệp sẽ tập trung nâng cao chất lượng hàng hóa xuất khẩu bằng việc ghi chép rõ ràng nguồn gốc nguyên liệu chế biến, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm theo chuẩn quốc tế. Đồng thời, đa dạng hóa các mặt hàng, tăng tỷ trọng hàng hóa có giá trị gia tăng, giữ uy tín với khách hàng để tăng sức cạnh tranh thương hiệu thủy sản của Việt Nam trên thị trường quốc tế. Đây cũng là xu thế phát triển của ngành thủy sản trong thời điểm hiện nay và được thể hiện rõ tại Hội chợ thủy sản lớn nhất Việt Nam, VietFish vừa diễn ra tại TP Hồ Chí Minh.

Chỉ sau một ngày diễn ra Hội chợ nêu trên, Công ty cổ phần thủy sản Bạc Liêu ký được hợp đồng cung cấp 100 tấn tôm đông lạnh cho một khách hàng Hàn Quốc. Ông Nguyễn Phạm Như Hổ, Phó Giám đốc Công ty cổ phần Thủy sản Bạc Liêu, cho biết: “Dù rất mừng vì hợp đồng trị giá hàng triệu USD nhưng công ty vẫn tỏ ra lo lắng bởi họ kèm theo điều kiện: nếu muốn làm ăn lâu dài, công ty phải có vùng nguyên liệu, tự tổ chức nuôi, không được mua tôm trôi nổi”. Theo ông Nguyễn Phạm Như Hổ, mặc dù các mặt hàng chủ lực của công ty đã ổn định tại thị trường Nhật Bản nhưng công ty không hề chủ quan với thương hiệu mà mình đang có. Đó là việc thu mua tôm nguyên liệu đưa vào chế biến luôn phải qua quy trình kiểm tra chặt chẽ, nhất là kiểm soát thu mua tôm nguyên liệu bị bơm chích tạp chất hoặc chứa kháng sinh trên thị trường trôi nổi.

* DOANH NGHIỆP PHẢI CÓ VÙNG NUÔI

Theo ông Nguyễn Phạm Như Hổ, hiện nay, ngày càng có nhiều nhà nhập khẩu đòi hỏi doanh nghiệp phải có vùng nuôi để kiểm soát nguồn gốc sản phẩm. Không chỉ có thị trường châu Âu, thị trường Mỹ, sắp tới thị trường châu Á cũng sẽ làm như vậy khi đời sống và thu nhập của người tiêu dùng ngày càng được nâng lên. Để đáp ứng với đòi hỏi này, trong kế hoạch phát triển, Công ty cổ phần thủy sản Bạc Liêu sẽ đầu tư phát triển vùng nuôi tôm riêng của mình. Bởi lẽ, để thâm nhập và ổn định tại thị trường lớn của thế giới, nhiều khách hàng còn yêu cầu: sản phẩm sau 3 năm vẫn có thể truy xuất được nguồn gốc (từ ao nuôi, ngày thu hoạch, tên đơn vị chế biến, đóng gói, ngày giờ hàng lên tàu, giống mua ở đâu, tôm bố mẹ...).

Các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thủy sản Bạc Liêu tham gia Hội chợ VietFish 2010 cũng đã thừa nhận: Nếu như trước đây, nhà nhập khẩu có thể mua hàng qua điện thoại, thư điện tử, nghĩa là doanh nghiệp mua nguyên liệu ở đâu cũng được miễn là đạt chất lượng, đúng cỡ hàng. Nhưng nay, họ yêu cầu bên bán phải có vùng nuôi, rồi họ cho người đến kiểm tra, tận mắt chứng kiến quy trình nuôi, đạt theo yêu cầu thì họ mới mua. Những yêu cầu này có thể nói vừa là cơ hội để tôm sú vùng ĐBSCL và cả nước ổn định thị trường, tăng sức cạnh tranh và nâng cao giá trị gia tăng nhưng đó cũng là thách thức lớn đối với doanh nghiệp và cả những người nuôi tôm hiện nay. Nhiều doanh nghiệp cho rằng, tương lai không xa, nông dân rất khó duy trì nghề nuôi tôm trước những đòi hỏi nuôi theo các hệ thống tiêu chuẩn về chất lượng. Và xu hướng tất yếu là các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản sẽ phải từng bước xây dựng vùng nuôi của mình.

* NÔNG DÂN PHẢI LÀM GÌ?

Ở góc độ quản lý, ông Tạ Minh Phú, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bạc Liêu, cho rằng: Từ trước đến nay, tôm sú Bạc Liêu sản lượng hàng năm khá lớn (trên 60.000 tấn) nhưng giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt không cao là do phần lớn được xuất sang thị trường cấp thấp. Tuy nhiên, để hướng vào thị trường cấp cao cũng như đáp ứng ngày càng khắt khe yêu cầu của người tiêu dùng thì bản thân doanh nghiệp cũng không thể làm nổi. Vì thế, việc hình thành vùng nuôi của doanh nghiệp nhất thiết phải liên kết với nông dân cùng với sự quan tâm của ngành nông nghiệp và các cấp chính quyền nhằm mang lại sự hài hòa về lợi ích.

Tuy nhiên, vấn đề quan trọng nhất người nuôi tôm phải tự điều chỉnh thói quen và tập quán nuôi tôm theo kiểu truyền thống. Cụ thể, không dùng hóa chất cải tạo ao nuôi ngoài danh mục cho phép của ngành nông nghiệp, nói “không với tôm tạp chất”, không sử dụng kháng sinh trong điều trị bệnh tôm... “Ngay từ bây giờ, người nuôi tôm ở Bạc Liêu và ĐBSCL phải hình thành một thói quen mới là nuôi tôm theo hướng an toàn sinh học sử dụng vi sinh, thực hành quy trình nuôi tôm tốt để từng bước đáp ứng quy trình VietGAP. Tất cả đều phải quyết tâm cùng chung chí hướng thì thương hiệu con tôm của ĐBSCL và cả nước mới được khẳng định”- ông Phú nói.

Tấn Đạt-Nguyễn Quốc

Chia sẻ bài viết