29/06/2024 - 18:39

Cuộc chiến bản quyền với AI trong ngành công nghiệp âm nhạc 

Xung đột bản quyền giữa các bên sáng tạo và trí tuệ nhân tạo (AI) hiện vẫn là vấn đề nóng trong ngành công nghiệp âm nhạc. Việc sử dụng AI ngày càng phổ biến trong các nội dung số khiến nhiều nghệ sĩ và các đơn vị phát hành e ngại. Mâu thuẫn đang trở thành cuộc chiến căng thẳng.

Suno AI là phần mềm giúp người dùng tạo sản phẩm âm nhạc nhanh và tiện dụng nên thu hút nhiều người dùng.

Ngày 24-6, các hãng thu âm danh tiếng Sony Music Entertainment, Warner Records, Capitol Records và những hãng khác đã đệ đơn kiện vi phạm bản quyền lên tòa án liên bang ở Boston và New York đối với Suno AI và Udio AI. Nội dung đề cập đến việc Suno AI và Udio AI đã sao chép tác phẩm để đời của các nghệ sĩ và khai thác kiếm lợi nhuận mà không có sự đồng ý hoặc trả tác quyền.

Suno AI ra mắt sản phẩm đầu tiên vào năm 2023 và thông tin có hơn 10 triệu người đã sử dụng công cụ của họ để sáng tạo nhạc. Trong khi Udio AI ra mắt vào tháng 4-2024, nổi tiếng với việc tạo ra “BBL Drizzy” - ca khúc liên quan đến hai rapper nổi tiếng là Kendrick Lamar và Drake. Ông Mikey Shulman, Giám đốc điều hành Suno AI, cho biết công nghệ này “được thiết kế để tạo ra các sản phẩm hoàn toàn mới, không phải để ghi nhớ và lặp lại nội dung đã có sẵn”. Theo đó, các công ty AI tranh luận rằng việc sử dụng dữ liệu của họ là hợp pháp theo nguyên tắc sử dụng công bằng. Họ cho rằng việc học máy (machine learning) của các công cụ AI cũng tương tự việc con người học bằng cách đọc, nghe và xem các tác phẩm. Cách lý giải này không được các hãng thu âm đồng tình. Hiệp hội Công nghiệp ghi âm Hoa Kỳ (RIAA) khẳng định “Không có ngoại lệ nào cho công nghệ AI trước luật bản quyền và các công ty AI không thể đứng ngoài vòng pháp luật”. RIAA khẳng định các bản nhạc do Suno AI và Udio AI tạo ra giống với các tác phẩm gốc đến mức khó tin, chứng tỏ các công cụ này đã được huấn luyện bằng những bản nhạc có bản quyền.

Theo The Wall Street Journal, các công ty AI trên bị cáo buộc tạo ra các bản nhạc giống  bản gốc “My Girl” của The Temptations, “American Idiot” của Green Day và “All I Want for Christmas Is You” của Mariah Carey, cùng nhiều ca khúc nổi tiếng khác. Thậm chí, phần mềm của họ còn có thể tạo ra giọng hát “giả mạo” không thể phân biệt với giọng thật của các nghệ sĩ, như: Lin-Manuel Miranda, Bruce Springsteen, Michael Jackson và ABBA...

Đơn kiện của các hãng thu âm yêu cầu tòa án ban hành lệnh cấm sử dụng các phần mềm này trong tương lai và bồi thường thiệt hại lên tới 150.000 USD/tác phẩm bị vi phạm. Đây được xem là động thái cứng rắn để thiết lập một khuôn khổ pháp lý rõ ràng cho AI trong ngành công nghiệp âm nhạc. Ông Mitch Glazier, Chủ tịch, Giám đốc điều hành của RIAA, cho biết ngành công nghiệp âm nhạc vẫn hợp tác với các nhà phát triển AI có trách nhiệm về tác quyền nhưng sẽ từ chối các các dịch vụ không được cấp phép như Suno AI và Udio AI.

Thực tế, để bảo vệ quyền lợi và tác quyền của mình, trước đó vào tháng 4-2024, Liên minh Quyền Nghệ sĩ (Artist Rights Alliance) với hơn 200 nghệ sĩ đã ký vào lá thư ngỏ yêu cầu các công ty công nghệ, các nền tảng công nghệ trí tuệ nhân tạo, các dịch vụ và nền tảng nhạc kỹ thuật số ngừng sử dụng AI để xâm phạm và hạ giá trị quyền của các nghệ sĩ, nhạc sĩ. Nhiều nghệ sĩ quen thuộc như Billie Eilish, J Balvin, Nicki Minaj, Stevie Wonder, REM… đều ký vào thư ngỏ này. Trước đó, vào tháng 3-2024, Tennessee trở thành tiểu bang đầu tiên của Mỹ thông qua luật bảo vệ các nhạc sĩ, người biểu diễn và các vị trí nghề nghiệp khác trong ngành âm nhạc trước những nguy cơ tiềm ẩn của trí tuệ nhân tạo. Luật này sẽ hiệu lực từ ngày 1-7-2024. Luật này nói rõ việc sao chép giọng nói của nghệ sĩ mà không có sự đồng ý của họ là bất hợp pháp. Tuy nhiên, luật không đề cập đến việc sử dụng tác phẩm của các nghệ sĩ để huấn luyện các mô hình AI. Cho nên vấn đề vẫn còn nhiều mâu thuẫn.

RIAA khẳng định họ không phản đối việc AI học hỏi từ các tác phẩm có bản quyền. Tuy nhiên, việc sử dụng dữ liệu này mà không có giấy phép và sự đồng ý của chủ sở hữu bản quyền là hành vi vi phạm pháp luật. Thực tế, ngành công nghiệp âm nhạc đang nỗ lực xây dựng các thỏa thuận hợp tác với các công ty AI, cho phép họ sử dụng âm nhạc một cách hợp pháp và đảm bảo lợi ích cho cả hai bên. Điển hình là thỏa thuận giữa Universal và SoundLabs, cho phép SoundLabs tạo mô hình giọng hát cho các nghệ sĩ nhưng vẫn đảm bảo quyền sở hữu và kiểm soát sản phẩm cuối cùng cho chính các nghệ sĩ. Universal cũng hợp tác với YouTube trong thỏa thuận cấp phép và trả phí bản quyền cho nội dung do AI tạo ra.

BẢO LAM (Tổng hợp từ The Wall Street Journal, Hollywoodreporter)

Chia sẻ bài viết