25/09/2023 - 09:10

Cú vươn mình mạnh mẽ của Brighton 

Lần đầu trong lịch sử 122 năm tồn tại, CLB Brighton bước ra đấu trường châu Âu khi tiếp đón AEK Athens ở lượt trận mở màn Europa League mùa giải này.

Các cầu thủ Brighton ở trận thắng Man United 3-1. Ảnh: Reuters

Brighton từng rớt khỏi giải đấu cao nhất nước Anh trong 34 năm cho đến khi trở lại đấu trường đỉnh cao ở mùa 2017-2018. Sau 4 mùa cán đích trong nhóm 6 đội cuối bảng xếp hạng Ngoại hạng Anh (EPL), Brighton nhảy lên vị trí thứ 9 ở mùa 2021-2022 và thứ 6 mùa rồi, nhờ vậy có vé dự Europa League.

Đây là một kỳ tích nếu biết từ hè năm ngoái Brighton đã chia tay tổng cộng 30 cầu thủ và thành viên ban huấn luyện. Tuy nhiên, HLV Roberto De Zerbi và đội ngũ tuyển trạch viên đã “lột xác” Brighton thành một đội bóng thi đấu rất khó chịu, mà chiến thắng trước Manchester United gần đây là một ví dụ.

Ông De Zerbi phát triển Brighton dựa trên triết lý triển khai bóng tấn công từ phần sân nhà của người tiền nhiệm Graham Potter. De Zerbi đưa đội bóng lên tầm cao mới, kết hợp phong cách chuyền bóng mạo hiểm từ thủ môn với sự nhạy bén chiến thuật và pressing tầm cao.

Nền tảng cho sự thăng hoa của Brighton còn là dữ liệu chiêu mộ cầu thủ toàn cầu bí mật của Chủ tịch CLB, Tony Bloom. Bloom sử dụng trình độ toán học và kiến thức của ông về ngành cá cược thể thao để giúp xây dựng đội hình mà rất nhiều CLB thèm muốn. Sau khi bán các ngôi sao Moises Caicedo và Alexis Mac Allister, Brighton vẫn còn những tài năng sáng giá như Julio Enciso và đặc biệt là Kaoru Mitoma. Mitoma đã ghi 8 bàn thắng và 8 kiến tạo sau 38 trận ra sân cho Brighton và hiện là một trong những tiền đạo cánh đáng sợ nhất châu Âu. Brighton hét giá ít nhất 80 triệu Bảng cho tuyển thủ Nhật Bản này.

Chứng kiến Brighton vươn ra đấu trường châu Âu là phần thưởng xứng đáng cho các cổ động viên luôn ủng hộ đội nhà trong những giai đoạn khó khăn, nhất là lúc cận kề suất văng khỏi hạng Football League vào tháng 5-1997. Nếu rớt hạng, Brighton sẽ trở thành CLB bán chuyên nghiệp. Hệ thống các giải bóng đá Anh có 2 hạng chuyên nghiệp là EPL, Football League và 1 bán chuyên nghiệp là National League. Nhưng may mắn là Brighton cầm hòa Hereford United trong trận play-off để trụ hạng thành công. Khó khăn về tài chính từng khiến Brighton rơi vào cảnh “vô gia cư” và thậm chí suýt phá sản, đến mức Ban lãnh đạo đội bóng buộc phải bán sân vận động Goldstone Ground để trả nợ.

Bốn tháng sau khi thoát hiểm, doanh nhân người Anh Dick Knight dẫn đầu liên minh mua lại Brighton từ chủ cũ với giá chỉ 100 Bảng. Tuy nhiên, Brighton vẫn không có sân nhà chính thức bởi sau 2 năm đá chung sân với CLB Gillingham, đội bóng mang biệt danh “Chim mòng biển” này phải chuyển đến sân Withdean từng là sở thú. Đến năm 2009, doanh nhân Tony Bloom tiếp quản Brighton và đầu tư 93 triệu Bảng để xây dựng sân vận động American Express Community mà đội vẫn đang sử dụng.

Brighton đang là đội ghi nhiều bàn thắng nhất (15) ở EPL mùa này, đạt lợi nhuận ròng 74 triệu Bảng từ việc bán cầu thủ trong hè và chiêu mộ cả thần đồng Ansu Fati trưởng thành từ lò đào tạo của Barcelona.

BÌNH DƯƠNG

Chia sẻ bài viết