04/10/2019 - 00:09

Công trình ý nghĩa trên lộ vòng cung 

Hôm nay 4-10, UBND TP Cần Thơ tổ chức Lễ khởi công xây dựng Công trình Bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Di tích Lịch sử Lộ Vòng Cung Cần Thơ. Với thiết kế trang nghiêm, mỹ thuật và hài hòa phối cảnh quan sinh thái xung quanh, công trình không chỉ là nơi để lưu giữ những ngày tháng lịch sử không thể nào quên mà còn là điểm tham quan, thưởng ngoạn lý thú cho du khách gần xa khi về với miền trái ngọt Phong Điền.

Phối cảnh toàn cảnh công trình Di tích Lộ Vòng Cung. Phía xa bên trái là Thiền viện Trúc Lâm Phương Nam. Ảnh do Sở VHTTDL cung cấp

Dự án Bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Di tích Lịch sử Lộ Vòng Cung Cần Thơ, hạng mục: Khu tưởng niệm (Khu A) do Chủ tịch UBND TP Cần Thơ ký quyết định đầu tư; Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng 2 TP Cần Thơ làm chủ đầu tư. Công trình có diện tích khu đất gần 65.000m2, tại xã Mỹ Khánh, huyện Phong Điền (cạnh Thiền viện Trúc Lâm Phương Nam), dự kiến được thực hiện từ năm 2019 đến năm 2020. Tổng mức đầu tư công trình hơn 99,6 tỉ đồng, do Tập đoàn Vingroup tài trợ. Mục tiêu chính của dự án là tái hiện lịch sử khách quan, hào hùng của quân dân Cần Thơ qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước, mà đỉnh cao là sự kiện Tết Mậu Thân năm 1968 và Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước ngày 30-4-1975.

Điểm nhấn của công trình là hạng mục Đền chính với diện tích xây dựng khoảng 2.700m2, gồm 2 tầng. Tầng 1 gồm có các phòng: y tế, tiếp khách, quản lý điều hành, kho thiết bị, chiếu phim tư liệu, khu vực giải khát, khu vực lưu niệm. Tầng 2 sẽ gồm khu vực trưng bày hiện vật và gian thờ, kho... Cổng Đền của Khu Di tích Lộ Vòng Cung có diện tích khoảng 119m2, kết cấu theo hình vòng cung khá ấn tượng. Hạng mục đáng chú ý nữa là khối đá tự nhiên cao khoảng 2,6m, trên đó khắc nội dung giới thiệu sự kiện, nhân vật lịch sử liên quan trực tiếp đến Di tích Lịch sử Lộ Vòng Cung. Hạng mục Bia Di tích sẽ được đặt tại một trong những địa điểm gốc của di tích là “Điểm chuyển quân”, theo thiết kế sẽ cao 3,15m. Ngoài ra, công trình sẽ có các hạng mục như sân lễ, đường dạo, cây xanh, công viên... tạo thành quần thể công trình thoáng đãng, ấn tượng và hài hòa với thiên nhiên.

Việc UBND TP Cần Thơ khởi công xây dựng công trình này đã làm nức lòng người dân Phong Điền nói riêng, Cần Thơ nói chung, bởi lâu nay, Lộ Vòng Cung luôn là niềm tự hào của người Cần Thơ về truyền thống yêu nước, đấu tranh cách mạng. Lộ Vòng Cung là minh chứng cho một thời gian lao mà anh dũng của đất và người Cần Thơ trong sự nghiệp chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, quê hương.

Huyện Phong Điền nhận Bằng xếp hạng Di tích Quốc gia Lộ Vòng Cung vào ngày 24-4-2013. Ảnh: DUY KHÔI

Tuyến Lộ Vòng Cung có chiều dài khoảng 30km, nối từ quốc lộ 1A (cầu Cái Răng) đi vào địa phận các xã, thị trấn của huyện Phong Điền, như: Mỹ Khánh, Nhơn Ái, Phong Điền, Tân Thới, Giai Xuân và kết thúc ở đoạn giao với quốc lộ 91 (thuộc phường Phước Thới, quận Ô Môn). Với vị trí chiến lược, đa dạng về địa hình nên ngay từ thời kháng chiến chống Pháp, Lộ Vòng Cung đã được người Pháp và tay sai xem đây là vị trí trọng yếu để bảo vệ cơ quan đầu não ở nội đô Cần Thơ. Chúng bắt dân ta làm phu lục lộ, đắp tuyến lộ này trở thành vành đai phòng thủ vững chắc. Thời kháng chiến chống Mỹ, Lộ Vòng Cung lại trở thành hàng rào phòng thủ của giặc, hòng bảo vệ trung tâm Vùng IV chiến thuật, phi trường Trà Nóc cùng các cơ quan trọng yếu của chúng. Lộ Vòng Cung còn là nơi giặc thi hành các thủ đoạn, chính sách tàn độc hòng “xóa trắng” cơ sở cách mạng nơi đây và làm bàn đạp đánh chiếm vùng U Minh.

Với lực lượng cách mạng của ta, Lộ Vòng Cung thuận lợi cả đường thủy lẫn đường bộ, có thể trở thành nơi vận chuyển vũ khí, lương thực và nuôi chứa cán bộ; tạo thành đường dây kết nối các lực lượng để tấn công vào các mục tiêu trọng yếu của địch ở nội đô Cần Thơ. Trên tuyến lửa Vòng Cung thời kháng chiến chống Mỹ, bao cuộc chiến đấu giữa ta và địch đã diễn ra gay go, ác liệt. Biết bao đồng bào, chiến sĩ cách mạng đã ngã xuống nơi mảnh đất Vòng Cung kiêu hùng. Nhà thơ Lâm Thao đã phác họa sự ác liệt của Lộ Vòng Cung qua 2 câu thơ thật hay:

Vòng Cung đi dễ khó về
Đạn chen đầu đạn, bom kề hố bom”
.

Hiểm nguy là vậy, gian khổ là vậy, nhưng quân và dân Cần Thơ vẫn bám trụ Lộ Vòng Cung với quyết tâm đánh đuổi giặc ngoại xâm, bảo vệ quê hương xứ sở. Trong kháng chiến chống Mỹ, Lộ Vòng Cung trở thành địa điểm chuyển quân, Trạm Quân y tiền phương và nơi cất giấu vũ khí của lực lượng cách mạng. Biết vậy, giặc đánh phá, càn quét, rải chất độc khai hoang Lộ Vòng Cung nhưng không sao lung lay ý chí của lực lượng cách mạng. Bà con Lộ Vòng Cung đã dang tay che chở, đùm bọc, nuôi chứa để cán bộ, bộ đội ta hoàn thành nhiệm vụ. Có một Căn cứ Lòng Dân nơi tuyến lửa Vòng Cung như thế!

Chính từ những giá trị lịch sử to lớn ấy, ngày 7-2-2013, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định xếp hạng Di tích cấp Quốc gia đối với “Địa điểm chuyển quân, Trạm Quân y tiền phương và nơi cất giấu vũ khí thuộc Lộ Vòng Cung Cần Thơ trong kháng chiến chống Mỹ”. Ngày 24-4-2013, tại tuyến lộ lịch sử này, UBND TP Cần Thơ đã long trọng tổ chức lễ công bố Di tích quốc gia. Nay, việc khởi công xây dựng Di tích Lộ Vòng Cung lại một lần nữa chứng tỏ sự quan tâm của lãnh đạo thành phố trong bảo tồn, phát huy giá trị lịch sử, truyền thống của quê hương, xứ sở.

Tuyến lộ Vòng Cung một thời “đạn chen đầu đạn, bom kề hố bom” giờ đã là vành đai xanh của thành phố. Công trình đầy ý nghĩa và nhân văn này sẽ góp thêm một điểm nhấn mới trên quê hương anh hùng.

Đăng Huỳnh

 

Chia sẻ bài viết
Từ khóa
lộ vòng cung