28/06/2008 - 21:17

Phát triển khu đô thị Nam Cần Thơ

Công trình công cộng bị... "lãng quên" ?

Khu đô thị Nam Cần Thơ hiện có 26 dự án khu dân cư (KDC) do 20 nhà đầu tư thực hiện với tổng diện tích khoảng 1.154 ha. Hiện nay, có 11 dự án đang thực hiện, trong đó, 5 dự án đã nghiệm thu hoàn thành xây dựng cơ bản, 6 dự án đang tiếp tục hoàn thành hạ tầng kỹ thuật. Tuy nhiên, điều đáng nói là hầu hết các dự án KDC ở Nam Cần Thơ nhà đầu tư vẫn chưa quan tâm xây dựng các công trình công cộng như chợ, trường học, trạm y tế… Điều này đang tạo ra không ít khó khăn, bất cập cho người dân trong sinh hoạt.

* NHÀ ĐẦU TƯ CHƯA QUAN TÂM

Ông Trần Thanh Hoàng, Trưởng Ban Quản lý Khu đô thị Nam Cần Thơ, cho biết: Trong quy hoạch chi tiết hầu hết các dự án KDC trong khu vực này đều có các khu chức năng như trường học, chợ, trạm y tế, công viên cây xanh... Nhưng hiện nay, chỉ có một vài dự án quan tâm xây dựng các công trình này (đa số là xây dựng công viên), số còn lại chưa đầu tư vì nhiều lý do khác nhau.

Theo thống kê của cơ quan này, Khu đô thị Nam Cần Thơ đã hình thành được gần 3.000 căn nhà, gồm nhà phố thương mại, nhà biệt thự, nhà tái định cư... và đang tiếp tục xây dựng nữa. Ước tính, số dân đang ở tại Khu đô thị Nam Cần Thơ khoảng 6.000 – 8.000 dân, chưa kể người dân cố cựu sống xung quanh khu Nam Cần Thơ. Nhưng điểm lại, số công trình công cộng, cụ thể như số chợ được xây dựng mới ở Khu đô thị Nam Cần Thơ mới thấy thiếu và bất cập.

 Một trường cấp 3 do Sở Giáo dục Đào tạo TP Cần Thơ làm chủ đầu tư đang triển khai xây dựng tại khu dân cư Hưng Phú 1, nhưng những hình ảnh này rất ít xuất hiện ở khu Nam Cần Thơ.

Toàn khu Nam Cần Thơ hiện chỉ có 1 chợ thuộc dự án KDC được xây dựng là chợ Phú Thứ, nhưng thực chất đây chỉ là khu chợ tạm do chủ đầu tư là Công ty cổ phần Xây dựng Công trình Giao thông 586 đầu tư để phục vụ mua bán cho người dân tại KDC Phú An. Hiện nay, chợ có khoảng 100 lô, sạp, nhưng do áp lực dân cư, mua bán tăng (bởi hầu hết dân ở Khu đô thị Nam Cần Thơ đều tập trung đi chợ này) dẫn đến “quá tải”. Còn trường học, hiện tại cũng chỉ có ở KDC Phú An xây dựng được một trường tiểu học Phú Thứ, nhưng cũng là trường tạm để phục vụ cho học sinh trong phường. Mảng công viên cây xanh thì có dự án đầu tư, có dự án chưa đầu tư. Người dân ở đây nói vui: “Cũng may mà có được 2 nhà đầu tư lớn đầu tư được 2 bệnh viện đa khoa Hoàn Mỹ và Tây Đô tại 2 dự án KDC Phú An và KDC Hưng Phú 1”. Chín dự án còn lại, có chỗ đã hoàn công nghiệm thu, nhưng lại chưa xây dựng được những công trình phúc lợi xã hội, họ chỉ lo bán nền, xây nhà phố. Chủ yếu quan tâm đến “đầu ra” của dự án mà thôi. Các dự án đã cơ bản hoàn tất xây dựng cơ sở hạ tầng, đưa vào sử dụng như KDC Nông thổ sản, KDC Bình An, KDC Long Thịnh... đến giờ này vẫn chưa thấy có chợ (dù chợ tạm) hay trạm y tế, trường học!

* NHÀ NƯỚC CHƯA CÓ CHẾ TÀI ?

Khi tiếp xúc với các chủ đầu tư dự án KDC, họ có rất nhiều lý do để cho rằng chưa thể thực hiện xây dựng các công trình công cộng này theo quy hoạch. Phổ biến nhất là lý do chưa có đất, chưa đền bù xong, nên chưa có mặt bằng xây dựng. Rồi lý do kêu gọi đầu tư không ai vào, dân cư còn thưa thớt nên chưa mạnh dạn đầu tư...

Còn về quy định thời gian mà nhà đầu tư phải xây dựng những công trình này, theo ông Trần Thanh Hoàng, tất cả chỉ được quy định chung trong quyết định phê duyệt dự án 1/500, và chỉ quy định chung là thời gian hoàn thành dự án trong bao lâu, chứ không có quy định cho từng nhóm công trình phải hoàn thành.

Chính vì chưa có quy định cụ thể để ràng buộc nhà đầu tư về xây dựng các công trình công cộng, nên nhà đầu tư không đưa vào “danh mục ưu tiên”. Do vậy, những công trình này sẽ còn lâu mới hình thành(!). Ngoài ra, theo quy định chung cho các nhà đầu tư dự án KDC, các công trình công cộng, phúc lợi xã hội sau khi đầu tư xong phải bàn giao cho nhà nước quản lý, nhà đầu tư chỉ được khấu trừ khoản tiền đền bù về đất, còn chi phí đầu tư cơ sở hạ tầng, nhà đầu tư chỉ được tính vào chi phí chung của dự án. Phải chăng, vì lý do này nên nhà đầu tư chỉ quan tâm làm đường giao thông, cấp thoát nước (bởi nếu không làm thì cũng không được), hay chỉ đầu tư một phần vào công viên cây xanh để thu hút khách mua nhà? Nhưng lý do mà phần lớn nhiều nhà đầu tư đưa ra khi đặt vấn đề này là “muốn làm nhưng còn vướng mặt bằng”.

Ông Nguyễn Thanh Sử, Phó Giám đốc Công ty Phát triển và Kinh doanh nhà Cần Thơ, chia sẻ: Thật ra, với những khu chức năng như dành xây dựng chợ, nhà đầu tư muốn đầu tư để khai thác, trong khi các nhà đầu tư địa ốc không phải ai cũng có kinh nghiệm về lĩnh vực kinh doanh chợ, nếu làm lại phải “đẻ” thêm bộ máy nữa. Còn liên doanh, liên kết với các nhà đầu tư thứ cấp cũng có thể làm, nhưng thường những đầu tư này chỉ đầu tư các khu thương mại, siêu thị, trong khi nhu cầu của nhiều người là những khu chợ nhỏ, chợ truyền thống. Nhưng theo quy định của Nhà nước, những khu quy hoạch công cộng này đều giao cho Nhà nước quản lý, nên về thủ tục, cơ chế đầu tư ra sao cũng chưa làm cho đối tác yên tâm... Cuối năm 2007, tại khu dân cư Hưng Phú 1, Công ty Phát triển và Kinh doanh nhà Cần Thơ đã giao cho thành phố khu đất 1,3 ha để xây dựng trường cấp 3 (hiện đang xây dựng). Phía nhà đầu tư kiến nghị được khấu trừ 850.000 đồng/m2 tiền đền bù và hạ tầng kỹ thuật, trong khi đất thị trường xung quanh khu vực này hiện có giá 5-7 triệu đồng/m2. Nhưng dựa theo quy định của ngành tài chính thành phố, chỉ khấu trừ cho nhà đầu tư tiền đền bù về đất được phê duyệt của dự án là 40.000 đồng/m2 (trong khi chủ đầu tư thương lượng đền bù 400.000 đồng/m2). Lấn cấn này đến bây giờ vẫn chưa giải quyết dứt điểm.

Khu đô thị Nam Cần Thơ với 11/26 dự án KDC đang triển khai, theo quy hoạch chi tiết được phê duyệt, ngoài việc hình thành khu đô thị mới hiện đại mà hiện nay đang được khẳng định, sẽ hình thành rất nhiều công trình công cộng phục vụ dân sinh. Nhưng để hình thành được những công trình như thế theo đúng quy hoạch, thiết nghĩ, thành phố cần phải quy định chế tài cụ thể để các nhà đầu tư phải quan tâm xây dựng các công trình công cộng đúng thời gian quy định. Không thể chấp nhận những lý do không đền bù được (hay chưa chịu đền bù), để không xây dựng các công trình công cộng. Trong khi đó, khu tái định cư Thới Nhựt, quận Ninh Kiều chỉ rộng hơn 10 ha, nhưng chỉ hơn 2 năm triển khai đến giờ đã đầu tư hoàn chỉnh trường tiểu học cấp quốc gia, trường mẫu giáo, trạm y tế, và cả một khu chợ rộng hàng ngàn mét vuông. Vì sao dự án tái định cư hoàn toàn không mang ý nghĩa kinh doanh mà lại làm được, trong khi các nhà đầu tư kinh doanh bất động sản làm ngơ chuyện xây dựng các công trình công cộng?

Bài, ảnh: AN KHÁNH

Chia sẻ bài viết