02/07/2016 - 19:35

Nhịp cầu dân cử

Công tác chuẩn bị kỳ họp của Ban Kinh tế và Ngân sách HĐND thành phố nhiệm kỳ 2011 - 2016

Nhiệm kỳ 2011-2016, Ban Kinh tế và Ngân sách đã tham gia 18 kỳ họp của HĐND thành phố. Để đảm bảo công việc tại các kỳ họp diễn ra thuận lợi, đúng tiến độ thời gian theo sự phân công của Thường trực HĐND thành phố trong công tác thẩm tra các báo cáo, dự thảo nghị quyết theo đúng luật định và mang lại hiệu quả thiết thực, Ban Kinh tế và Ngân sách luôn chuẩn bị chu đáo về quy trình trước mỗi kỳ họp, cụ thể: Thành viên chuyên trách tham dự cùng các ngành trong các cuộc họp UBND thành phố liên quan đến các nội dung trình HĐND thành phố tại các kỳ họp, có ý kiến sơ bộ trước một bước, gửi tài liệu họp thẩm tra, cùng các tài liệu liên quan đến thành viên Ban, sở, ngành (thường trước 7 ngày) để đảm bảo đủ thời gian đại biểu nghiên cứu, phân công thành viên nghiên cứu sâu các nội dung thẩm tra, qua đó các thành viên ý thức chuẩn bị, có ý kiến phát biểu tại cuộc họp, giúp tập thể Ban nhận định, đánh giá cụ thể, chính xác các nội dung thẩm tra, khi có ý kiến khác nhau thì biểu quyết và lấy theo ý kiến đa số. Qua ý kiến thẩm tra của Ban, nhiều nội dung được cơ quan trình tiếp thu, chỉnh sửa cho phù hợp, hoặc chậm trình nếu chưa đủ điều kiện. Báo cáo thẩm tra của Ban có phân tích so sánh, không lặp lại số liệu của cơ quan trình, đề xuất giải pháp tháo gỡ vướng mắc, gợi ý hướng xin ý kiến đại biểu,... tạo thuận lợi cho các đại biểu xem xét, thảo luận trước khi quyết định.

Trong nhiệm kỳ, Ban Kinh tế và Ngân sách đã thực hiện thẩm tra 40 báo cáo chuyên đề của UBND thành phố, thẩm tra và giúp HĐND thành phố ban hành trên 88 nghị quyết (thuộc lĩnh vực ban phụ trách). Có thể đánh giá rằng, việc chuẩn bị dự thảo nghị quyết, tờ trình, báo cáo, đề án trình HĐND được UBND quan tâm, chỉ đạo các ngành có liên quan chuẩn bị từ rất sớm, điều này dẫn đến thuận lợi cho công tác thẩm tra của Ban.

Tuy nhiên, trên thực tế có một số ngành chuyên môn thuộc UBND do nhiều lý do khách quan, chủ quan,… nên từng lúc quan tâm chưa đúng mức đến việc chuẩn bị dự thảo nghị quyết, tờ trình, báo cáo, đề án để tham mưu UBND trình HĐND. Do đó, mặc dù luật đã quy định nhưng thực tế các kỳ họp của HĐND, một số dự thảo nghị quyết, tờ trình, báo cáo, đề án gửi đến Ban còn chậm, chưa kịp thời, nội dung trình chưa chu đáo hoặc không đúng thẩm quyền quyết định của HĐND địa phương nên phải trình lại hoặc đưa ra ngoài chương trình thông qua tại kỳ họp. Từ đó, dẫn đến thời gian bố trí họp thẩm tra bị động, từng lúc thẩm tra chưa thật sự chặt chẽ, mất nhiều thời gian và ảnh hưởng nhất định đến chất lượng nghị quyết ban hành.

Chia sẻ bài viết