11/11/2009 - 20:09

Thực hiện quy định diện tích tối thiểu được tách thửa

Còn vướng mắc

Thực hiện Quyết định 49/2009/QĐ-UBND sẽ chấm dứt tình trạng chia lô bán nền đất nông nghiệp? Trong ảnh: Một khu dân cư tự phát ở ven Quốc lộ 91B, quận Bình Thủy.

Ngày 7-9-2009, UBND thành phố ban hành quyết định số 49/2009/QĐ-UBND (Quyết định số 49) về việc quy định diện tích tối thiểu được tách thửa đối với từng loại đất. Qua hơn hai tháng thực hiện, Quyết định số 49 đã góp phần giúp cho chính quyền địa phương thực hiện tốt hơn vai trò quản lý hành chính về đất đai, đô thị. Tuy nhiên, đã phát sinh một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện quyết định này tại các địa phương.

* Chính quyền: thuận lợi trong công tác quản lý...

Quyết định số 49 của UBND thành phố quy định diện tích đất tối thiểu được phép tách thửa với loại đất ở tại các phường, thị trấn phải lớn hơn hoặc bằng 40m2; ở các xã diện tích phải lớn hơn hoặc bằng 60m2. Ngoài ra, phải đảm bảo bề rộng mặt tiền và chiều sâu của thửa đất lớn hơn hoặc bằng 4m. Đối với loại đất nông nghiệp là đất vườn, đất trồng cây lâu năm, diện tích tối thiểu được tách thửa là 200m2 đối với phường, thị trấn và lớn hơn hoặc bằng 500m2 đối với các xã. Đối với loại đất nông nghiệp là đất trồng lúa, đất trồng cây hằng năm, diện tích tối thiểu được tách thửa là 500m2 đối với phường và 1.000m2 đối với các xã. Diện tích còn lại của thửa đất sau khi chia tách phải lớn hơn hoặc bằng diện tích tối thiểu theo quy định của UBND thành phố... Quyết định số 49 cũng nêu rõ: “Sau ngày quyết định này có hiệu lực thi hành, nếu người sử dụng đất tự ý tách thửa đất trái quy định thì không được cấp Giấy chứng nhận; cơ quan công chứng, UBND xã, phường, thị trấn không được làm thủ tục công chứng, chứng thực chuyển quyền sử dụng đất”. UBND thành phố cũng quy định, việc tách thửa đối với loại đất phi nông nghiệp không phải là đất ở phải có dự án đầu tư phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất chi tiết, hoặc quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng đô thị hoặc quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, đảm bảo mật độ xây dựng và yêu cầu của Quy chuẩn xây dựng theo quy định.

Theo nhận định của các cán bộ quản lý, Quyết định số 49 đã tạo điều kiện thuận lợi cho địa phương trong quá trình quản lý đất đai, quy hoạch xây dựng đô thị, đồng thời, tránh tình trạng “manh mún” đất nông nghiệp và tạo thành những khu dân cư không đảm bảo các điều kiện về kết cấu hạ tầng. Ông Mai Văn Hiệp, Phó Chủ tịch UBND phường An Khánh, quận Ninh Kiều, nói: “Từ lúc có Quyết định số 49, tình trạng tích trữ đất đai, chia lô bán nền trên địa bàn phường đã giảm hẳn; giúp công tác quản lý đất đai, tình hình xây dựng trên địa bàn tốt hơn”.

Ông Dương Bá Diện, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, cho biết: “Khi nghiên cứu, tham mưu cho UBND thành phố ban hành Quyết định số 49, Sở Tài nguyên và Môi trường đã nghiên cứu rất kỹ và đã có tới 5-6 lần lấy ý kiến các sở, ngành chức năng có liên quan. Quy định này nhằm tránh tình trạng manh mún đất đai nông nghiệp ở địa phương, cũng như tình trạng chia lô bán nền, làm cho đất ở đô thị không đảm bảo quy hoạch xây dựng; đồng thời, đảm bảo đất đai phải được sử dụng đúng mục đích. Nếu muốn cho, tặng, bán phải chuyển lên đất ở thì sẽ thực hiện được”.

* Người dân có nhu cầu: vướng!

Không thể phủ định các mặt tích cực của Quyết định số 49, tuy nhiên sau hơn hai tháng thực hiện, nhiều địa phương cũng tỏ ra rất khoăn khoăn với những khó khăn phát sinh trong thực tiễn. Ông Huỳnh Văn Hoàng, ấp Mỹ Ái, xã Mỹ Khánh, nói: “Tôi có khoảng 1.000m2 đất vườn, nay muốn chia cho hai đứa con trai mỗi đứa khoảng 300m2 để chúng nó ra riêng, còn lại một phần tôi để dưỡng già. Thế nhưng, ra xã nghe nói diện tích đất như vậy không tách thửa được, muốn tách thửa thì phải lên thổ cư, mà chuyển mục đích sử dụng đất từ đất vườn sang đất ở cho mỗi đứa 300m2, thì tôi tìm đâu ra tiền để đóng cho nhà nước”. Do vậy, ý định tách thửa, ra riêng cho các con của ông Huỳnh Văn Hoàng tạm thời chưa thực hiện được.

Trường hợp của chị Trần Thị Hồng Thu, ấp Mỹ Lộc, xã Mỹ Khánh càng bi đát hơn. Theo lời của chị Hồng Thu, gia đình chị có 700m2 đất loại đất trồng cây lâu năm, vì nhà nghèo, thiếu nợ nên chị cắt bán 200m2 để trả nợ. Nhưng khi đi làm thủ tục tách thửa, thì cơ quan chức năng lại không cho do vướng quy định của thành phố. Không làm được “bằng khoán” nên người mua đất đòi tiền lại, trong khi gia đình chị Thu đã dùng tiền đó để trả nợ nên không còn tiền để trả lại. Chị Thu nói trong chua xót: “Không có tiền trả, gia đình tôi định bán thêm đất cho người ta cho đủ diện tích quy định, nhưng nếu bán thêm cho người ta đủ 500m2 thì tôi còn lại chỉ 200m2, mà theo quy định diện tích đất còn lại của tôi ít hơn 500m2 thì cũng không được tách thửa. Tôi cũng đâu có tiền đâu mà lên thổ cư rồi mới bán, hơn nữa bán như vậy giá sẽ rất cao, khó có người mua mà tôi thì cần tiền. Bây giờ người mua đất đòi tiền ngày một, gia đình tôi chẳng biết giải quyết thế nào!”.

Ở một địa phương có tốc độ đô thị hóa rất nhanh như huyện Phong Điền, những trường hợp như ông Huỳnh Văn Hoàng và chị Hồng Thu không phải là cá biệt. Ông Lê Bá Phước, Chủ tịch UBND huyện Phong Điền, cho biết: “Mặc dù quy định không cho phép tách thửa đối với phần diện tích nhỏ hơn quy định, nhưng trên thực tế, do nhu cầu nên người dân vẫn cứ mua bán giấy tay, cha mẹ cứ cho đất con cái,... mà không ra chính quyền”. Ở một số quận, huyện, thực trạng này cũng đang diễn ra, khiến địa phương lo lắng và lúng túng trong việc tìm giải pháp xử lý. Một cán bộ lãnh đạo cấp quận cho biết: “Nếu để tình trạng này kéo dài, trước mắt, nhà nước thất thu một khoản thuế. Về lâu dài sẽ gia tăng tình trạng xây dựng trái phép của những trường hợp bức xúc về nhà ở. Mà đã là nhà không phép, đất ở chưa hợp lệ thì người dân lại gặp nhiều khó khăn trong việc tách hộ, mua điện, nước để sử dụng, đồng thời về lâu dài cũng sẽ gây khó khăn cho chính quyền trong công tác quản lý”...

Để giúp người dân giải quyết các vướng mắc, ông Lê Bá Phước Chủ tịch UBND huyện Phong Điền, đề nghị: “Các ngành chức năng cần xem xét những điểm không phù hợp của Quyết định số 49 để điều chỉnh, hoặc hướng dẫn địa phương thực hiện nhằm giúp người dân thực hiện tốt các thủ tục có liên quan”.

Với những vướng mắc phát sinh thực tế thực hiện Quyết định số 49, thiết nghĩ, thành phố cần nghiên cứu, có chính sách phù hợp hơn để vừa đảm bảo tránh tình trạng đầu cơ đất đai, chia nhỏ đất sản xuất nông nghiệp... nhưng đồng thời cũng phải giải quyết được các nhu cầu, lợi ích chính đáng của người dân.

Bài, ảnh: THỤY KHUÊ

Chia sẻ bài viết