18/01/2011 - 09:54

Đào tạo nhân lực cho ngành du lịch

Còn nhiều bất cập !

Thành phố Cần Thơ nói riêng, ĐBSCL nói chung, vốn có tiềm năng du lịch sinh thái, nhà vườn, biển đảo... nhưng chưa được khai thác đúng mức. Lưu lượng khách tham quan du lịch thường biến động, chưa thực sự tạo lực hút đối với du khách. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do nguồn nhân lực thiếu và yếu. Trong khi đó, các cơ sở đào tạo nhân lực cho ngành du lịch tại TP Cần Thơ vẫn còn lắm khó khăn...

* Hụt hẫng tay nghề...

5 năm qua, ngành du lịch TP Cần Thơ đã có mức tăng trưởng khá ổn định, tăng từ 20%-25%/ năm. Bình quân mỗi năm có từ 15-20 khách sạn mới được xây dựng, 3-5 điểm vườn du lịch mới đi vào hoạt động. Sự tăng trưởng của ngành du lịch đã kéo theo nhu cầu lao động phục vụ ngày càng một cao. Nếu như năm 2005, lực lượng lao động (không kể lao động thời vụ) phục vụ trong các doanh nghiệp du lịch gần 2.000 người, đến năm 2008 đã tăng trên 2.300 người, trong số này chỉ có 36% lao động có trình độ từ trung cấp trở lên. Theo đánh giá của ngành văn hóa, thể thao và du lịch TP Cần Thơ, nhân lực trong ngành du lịch ở Cần Thơ cơ bản đáp ứng được nhu cầu phục vụ nhiều loại du khách nhưng mức độ chuyên nghiệp chưa cao. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do lực lượng lao động qua đào tạo còn thấp.

Giờ thực hành môn Đón tiếp và đăng ký khách của học sinh Trường Trung cấp Du lịch Cần Thơ. 

Đơn cử như Nhà hàng khách sạn Thành Đạt Hoa Viên, phường An Khánh, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ, kinh doanh các dịch vụ: du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, khách sạn đạt tiêu chuẩn 2 sao... Đơn vị có 40 nhân viên phục vụ, trong đó nhân viên có trình độ đại học chiếm 20%. Anh Lê Quốc Thái, đại diện Thành Đạt Hoa Viên, cho biết: “Nhân viên phục vụ cơ bản đủ đáp ứng yêu cầu cho hoạt động trước mắt. Nhưng vào những đợt cao điểm (lễ, Tết), số lượng khách gia tăng, chúng tôi phải tuyển thêm sinh viên phục vụ thời vụ”. Theo anh Thái, sắp tới, công ty sẽ tiếp tục mở rộng các loại hình dịch vụ... nhu cầu về nhân lực tăng lên và ít nhất phải có 50% lao động có trình độ đại học nhưng hiện nay rất khó tuyển lao động được đào chuyên nghiệp về du lịch và thực sự yêu nghề.

Theo Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch, đến tháng 8-2010, toàn ngành du lịch vùng ĐBSCL có trên 17.300 lao động, trong đó, lao động có trình độ từ đại học trở lên chỉ chiếm 6,3%. Đáng lo ngại hơn, tỷ lệ 6,3% này bao gồm cả các ngành khác chứ không phải là chuyên ngành du lịch. Vấn đề phát triển nhân lực cả lượng và chất đang là vấn đề cấp bách của toàn ngành du lịch vùng ĐBSCL nói chung, TP Cần Thơ nói riêng.

* Cơ sở đào tạo: còn nhiều khó khăn

Những năm qua, để đào tạo nhân lực cho ngành du lịch, một số cơ sở đào tạo ở TP Cần Thơ đã nỗ lực đầu tư trang thiết bị, cán bộ giảng dạy... nhưng vẫn gặp không ít khó khăn. Chẳng hạn như ở Trường Đại học Cần Thơ, năm học 2004-2005, Bộ môn Địa lý và Du lịch thuộc Khoa Sư phạm (nay là Bộ môn Lịch sử- Địa lý- Du lịch thuộc Khoa Khoa học và Xã hội nhân văn) đã mở khóa đầu tiên chuyên ngành Hướng dẫn viên Du lịch hệ chính qui. Đến nay đã có 3 khóa, với 250 sinh viên tốt nghiệp. Tiến sĩ Đào Ngọc Cảnh, Trưởng Bộ môn Lịch sử- Địa lý- Du lịch, cho biết: “Nhu cầu xã hội ngày càng tăng nhưng mỗi năm bộ môn chỉ tuyển từ 80-100 sinh viên cho chuyên ngành Hướng dẫn viên Du lịch, vì năng lực của đơn vị có hạn, trang thiết bị còn thiếu thốn nhiều”.

Theo tiến sĩ Đào Ngọc Cảnh, ngành du lịch ở TP Cần Thơ và ĐBSCL phát triển nhanh, các công ty du lịch mở nhiều chi nhánh, văn phòng đại diện, kéo theo đó nguồn nhân lực cho ngành du lịch tăng. Tuy nhiên, nguồn nhân lực cho ngành du lịch toàn vùng không ổn định, do tính chất hoạt động du lịch theo mùa vụ. Phần lớn đơn vị kinh doanh du lịch vừa và nhỏ nên chỉ cần nhân lực có trình độ cao đẳng, trung cấp là đủ. Tiến sĩ Cảnh phân tích: “Khó khăn nhất là Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vẫn chưa xây dựng mã ngành du lịch. Một số trường đại học, cao đẳng có đào tạo ngành nghề liên quan đến du lịch nhưng tên gọi mỗi nơi khác nhau. Điều này gây khó khăn cho sinh viên khi tìm việc làm, cũng như nhu cầu học tập nâng cao trình độ”.

Còn với Trường Trung cấp Du lịch Cần Thơ, sau 4 năm thành lập, trường vẫn còn “ở nhờ” và thuê mướn 3 nơi để hoạt động. Cụ thể: đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, Phan Văn Lưu và Ngô Hữu Hạnh. Trong đó, cơ sở thực hành thực tập (do Dự án EU trang bị 4 phòng thẩm định mẫu với thiết bị hiện đại) đặt nhờ ở cơ sở của Trường Trung cấp Giao thông Vận tải miền Nam ở đường Ngô Hữu Hạnh. Cô Tạ Mai Lan, giáo viên Tổ Bộ môn Nhà hàng, Trường Trung cấp Du lịch Cần Thơ, cho biết: “Do là cơ sở thuê mướn nên tôi không thể trang trí phòng học như ý muốn. Do vậy, học sinh học lý thuyết tại cơ sở ở đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, sau đó phải sang cơ sở ở đường Ngô Hữu Hạnh thực tập nên ít nhiều gặp khó khăn...”.

Theo ông Lê Bá Quan, Quyền Trưởng phòng Đào tạo Trường Trung cấp Du lịch Cần Thơ, trường hiện đang đào tạo trên 250 học sinh ở các ngành Hướng dẫn viên du lịch, Lễ tân khách sạn, Quản trị nhà hàng. Những năm qua, trường chỉ tuyển được từ 22%-50% tổng chỉ tiêu. Nguyên nhân là do cơ sở vật chất của trường còn khó khăn. Để nâng cao chất lượng đào tạo, trường rất cần Bộ Văn hóa- Thể thao và Du lịch sớm đầu tư xây dựng cơ sở vật chất. Nếu cơ sở vẫn như hiện nay, trường khó có thể mở rộng qui mô, ngành nghề đào tạo.

Theo lộ trình từ nay đến năm 2015, toàn ngành du lịch ĐBSCL sẽ có hơn 37 ngàn khách sạn, ước tính sẽ đón 5,2 triệu lượt khách du lịch. Như vậy, ĐBSCL cần hơn 54 ngàn lao động phục vụ trong lĩnh vực du lịch. Riêng TP Cần Thơ phấn đấu ít nhất có 80% lao động phục vụ lĩnh vực du lịch được đào tạo. Để công tác đào tạo nhân lực cho ngành du lịch đạt hiệu quả, cần có sự quan tâm đầu tư nhiều hơn của đơn vị chủ quản. Anh Lê Quốc Thái, đại diện Thành Đạt Hoa viên, đề xuất: “Các trường nên liên kết đào tạo với doanh nghiệp. Chúng tôi sẵn sàng đón học sinh, sinh viên đến thực tập. Qua đó, vừa giúp sinh viên có nơi thực tập, vừa giúp doanh nghiệp chọn nhân viên giỏi, phù hợp với vị trí công việc”. Rõ ràng, nếu các cơ sở đào tạo và doanh nghiệp tìm được tiếng nói chung, sẽ giảm bớt khó khăn về nhân lực ngành du lịch trong những năm tới.

Bài, ảnh: BÍCH KIÊN

Chia sẻ bài viết