Làng bích họa đầu tiên Việt Nam nằm tại xã Tam Thanh (TP Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam), vốn là dự án giao lưu mỹ thuật cộng đồng Hàn Quốc – Việt Nam do UBND TP. Tam Kỳ và Quỹ Giao lưu Quốc tế Hàn Quốc (The Korea Foundation – KF) đồng tổ chức và thực hiện vào năm 2016. Kể từ đó, Tam Thanh trở thành điểm đến thu hút nhiều du khách bởi những bức họa độc đáo, rực rỡ sắc màu, nhưng ít ai biết rằng làng chài ven biển này còn cho du khách nhiều trải nghiệm khác biệt.
Du khách chụp ảnh tại các bức bích họa. Ảnh: KIỀU MAI
Ngôi làng của những sắc màu nghệ thuật
Nằm cách TP Tam Kỳ 5km về hướng đông, Tam Thanh vốn là một làng chài nghèo, hoang sơ và ít người biết. Với thông điệp “Art for a better community - nghệ thuật vì một cộng đồng tốt đẹp hơn” của những tình nguyện viên Hàn và Việt Nam, những mảng tường gạch cũ kỹ trở thành những bức họa sống động, đưa Tam Thanh thành làng bích họa đầu tiên ở Việt Nam. Những bức tranh ở đây phản ánh cảnh sắc, đời sống thường ngày của làng chài. Đó là những rặng dừa nghiêng bóng bên dòng Trường Giang, những con thuyền cập bến buổi hoàng hôn trên biển, những đứa trẻ hồn nhiên thả diều, đá bóng, những phiên chợ quê xứ biển, chân dung cô gái dịu dàng trong tà áo dài, lão ngư với khuôn mặt dạn dày sóng gió, hay đứa bé thơ ngóng ra biển chờ cha... Làng chài thu hút du khách đến check-in cùng những bức tranh nghệ thuật.
Hội đồng Giải thưởng cảnh quan châu Á trao giải Cảnh quan châu Á năm 2017 cho “Làng nghệ thuật cộng đồng Tam Thanh”. Tam Thanh từ đó là nơi có nhiều dự án nghệ thuật cộng đồng. Nổi bật là con đường thuyền thúng nghệ thuật kéo dài 3,7km chạy dọc ven biển, không gian trưng bày văn hóa làng chài Tam Thanh, tháp quan sát có tên “Đôi mắt Tam Thanh”… sau này trở thành nguồn cảm hứng cho các làng bích họa ở các tỉnh, thành khác.
Tam Thanh không chỉ có bích họa
Tam Thanh có bờ biển rất dài, hoang sơ, cát trắng mịn, nước biển trong xanh, với nhiều hoạt động thú vị cho du khách: bơi thuyền thúng, tắm biển, trò chơi trên biển… Thú vị nhất là trải nghiệm đời sống của ngư dân vùng biển. Buổi sáng ở Tam Thanh yên bình, không khí trong lành, mát dịu. Du khách thường dậy sớm ra biển ngắm bình minh, cùng người dân bắt còng vào khoảng 5-6 giờ sáng khi còng ra phơi nắng hoặc 5-6 giờ chiều lúc còng rời hang kiếm ăn, cũng vừa đẹp để ngắm hoàng hôn trên biển. Trên những bãi cát thoai thoải, còng đào hang trú ngụ rất khéo, khiến du khách dễ bỏ qua những chiếc hang ẩn mình trong cát. Hang còng khá sâu, chừng 1m trở lên (mùa hè còng làm hang nông hơn), theo hướng vào bờ, có con kỳ công đào hang theo kiểu xoắn ốc (thường theo chiều kim đồng hồ) hoặc hình zíc zắc dễ đánh lừa người bắt.
Một hoạt động thú vị là theo chân người dân đi chợ làng. Chợ xứ biển bình dị, sản vật luôn tươi mới, giá lại khá rẻ. Các món ngon chế biến tại chợ và các loại bánh với giá chỉ từ 5.000-15.000 đồng. Ngoài ra khách còn có thể học làm mì quảng, canh xương rồng. Tại Tam Thanh có không ít chỗ sản xuất mì quảng, theo chân người dân, du khách đến một nhà làm mì truyền thống, trải nghiệm tráng mì, cắt sợi và học cách nấu mì quảng đúng điệu.
Sau khi trải nghiệm bữa cơm bình dị cùng người dân, du khách có thể dạo quanh xứ biển bằng xe đạp hoặc xe máy. Tam Thanh chỉ có một tuyến đường chính, là xương sống kết nối thôn với nhau. Xứ biển bình yên, không có nhiều xe tải, ô tô, đường ở đây uốn lượn với những con dốc nhỏ tựa như những đường nội ô của TP Đà Lạt, nhất là di chuyển trên tuyến đường cát dọc bờ biển. Dạo chơi quanh làng chài, du khách khám phá nhiều bức tranh nghệ thuật ẩn sau những ngôi nhà, đủ để chụp những bức ảnh lung linh. Khi nắng chiều nhẹ tắt, du khách có thể bơi thuyền thúng, hoặc cào ốc gạo. Về đêm, khách có thể theo người dân đi câu mực. Nếu ngay mùa cá trích sẽ càng thú vị khi du khách chiêm ngưỡng những mẻ lưới nặng trĩu, cùng người dân chia sẻ niềm vui được mùa.
Hiện Tam Thanh đã có Hợp tác xã du lịch cộng đồng xã Tam Thanh, giúp du khách trải nghiệm sâu hơn về đời sống của người dân làng chài thông qua các hoạt động đậm bản chất văn hóa bản địa. Hợp tác xã có 9 tổ hợp tác, phụ trách các mảng: lưu trú, làng nghề nước mắm truyền thống, thuyền thúng, ẩm thực, cho thuê xe máy, xe đạp, tổ phục vụ, tổ chức các dịch vụ vui chơi, đốt lửa trại… Du lịch Tam Thanh cũng vì thế dần hấp dẫn khách lưu trú nhiều hơn. Ông Lê Ngọc Ty - Phó Chủ tịch UBND xã Tam Thanh, cho biết: “Những bức bích họa đã tạo không ít thay đổi cho làng chài. Giai đoạn 2 của dự án cũng sẽ bắt đầu vào tháng 5 hoặc tháng 6 tới, các tình nguyện viên sẽ trở lại để tạo thêm sắc thái mới về nghệ thuật cho làng chài. Về lâu dài, địa phương cũng đang tạo điều kiện cho người dân tham gia làm du lịch cộng đồng trên cơ sở gìn giữ và phát huy những giá trị truyền thống, bản sắc văn hóa bản địa”. |
ÁI LAM