06/04/2009 - 08:30

Cơ hội đổi mới giáo dục đại học

Dự án Giáo dục đại học (DA GDĐH) 1- 2- 3 đã, đang và sẽ tài trợ cho Việt Nam trên 300 triệu USD. Nguồn tài trợ từ Ngân hàng Thế giới (WB) tạo nguồn lực để các trường ĐH phát triển cơ sở vật chất, đào tạo đội ngũ, nâng cao chất lượng giảng dạy. Bên cạnh đó, theo Thứ trưởng Thường trực Bộ Giáo dục và Đào tạo Bành Tiến Long, hy vọng sau khi DA hoàn thành, tính tự chủ của các trường ĐH sẽ được nâng cao hơn.

Tạo lực cho sự phát triển

Đề án Đổi mới GDĐH giai đoạn 2006-2020 đã được Chính phủ phê duyệt với tổng kinh phí khoảng 32.000 tỉ đồng- gần 20 tỉ USD. Như vậy, bình quân mỗi năm cần đầu tư trên 1 tỉ USD cho đổi mới GDĐH, tương đương với trên 1% GDP. Trong khi đó, theo bà Carol Ball, cán bộ điều hành cao cấp WB, nguồn tài chính đầu tư GDĐH còn rất hạn hẹp. Chỉ có 0,5% trong GDP được dành cho GDĐH là dưới mức trung bình của khu vực Đông Á. Nguồn tài trợ tư còn thấp. Đây là một trong những nguyên nhân khiến các trường ĐH chưa đáp ứng được nhu cầu đào tạo của xã hội, về chất lượng lẫn số lượng, độ đa dạng. Chính vì vậy, Thứ trưởng Thường trực Bộ Giáo dục và Đào tạo Bành Tiến Long khẳng định: “Tài trợ của WB hết sức quí báu để nâng tầm các trường ĐH”.

Sau khi DA GDĐH 1 với kinh phí hỗ trợ 80 triệu USD- kết thúc, DA GDĐH 2 với kinh phí 70,5 triệu USD được triển khai. Trong khuôn khổ của DA, có 22 trường ĐH tham gia vào Quỹ Giảng dạy và nghiên cứu (TRIG); trong đó, có 5 trường ĐH vùng xa, khó khăn được hỗ trợ theo cơ chế đặc biệt không phải qua đấu thầu cạnh tranh, gồm: ĐH Tây Bắc, ĐH Tây Nguyên, ĐH An Giang, ĐH Đồng Tháp, ĐH Trà Vinh. 22 trường được tài trợ khoảng 60 triệu USD để thực hiện các hoạt động nâng cao năng lực giảng dạy và nghiên cứu, tạo lập gắn kết giữa nghiên cứu, giảng dạy và thực tiễn.

 Từ nhiều nguồn vốn vay, hỗ trợ, các trường ĐH có điều kiện tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ đào tạo, nghiên cứu khoa học. Trong ảnh: Trung tâm Học liệu Trường ĐH Cần Thơ được trang bị hiện đại. Ảnh: BÍCH NGỌC

GSTS Nguyễn Hồng Anh, Phó Giám đốc ĐH Đà Nẵng, cho biết: “Trường ĐH Đà Nẵng được định hướng xây dựng thành ĐH nghiên cứu. Chìa khóa của sự phát triển là ĐH Bách Khoa và ĐH Kinh tế. Bên cạnh đó, trường cũng chú trọng nâng cao chất lượng đào tạo ngoại ngữ. Vì vậy, 3,5 triệu USD từ Quỹ TRIG được đầu tư cho 3 tiểu DA: Nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu của các chuyên ngành xây dựng; Tăng cường năng lực nghiên cứu khoa học và nâng cao chất lượng đào tạo các chuyên ngành Quản trị kinh doanh và Kế toán; Đổi mới nội dung và phương pháp giảng dạy tiếng Anh chuyên ngành”. Trong hoạt động đào tạo đội ngũ cán bộ, ban đầu Trường ĐH Đà Nẵng đề xuất kế hoạch đào tạo ở nước ngoài 2 tiến sĩ, 15 thạc sĩ, 33 người được đào tạo ngắn hạn. GSTS Nguyễn Hồng Anh nói: “Đối tượng được cử đi đào tạo là những cán bộ trẻ, có triển vọng phát triển. ĐH Đà Nẵng cũng phát huy đào tạo theo nhóm, tức là cử các nhóm cán bộ đi đào tạo tại trường có quan hệ hợp tác và mạnh về chuyên ngành cần đào tạo để hình thành các nhóm hạt nhân “nghiên cứu- giảng dạy”. Quá trình triển khai thực hiện DA, nhờ phát huy các mối quan hệ hợp tác, ĐH Đà Nẵng đã giảm được chi phí đào tạo. Từ đó, có thể tăng số lượng cán bộ được gởi đi đào tạo. Cụ thể, hiện nay, số lượng đào tạo đã được phê duyệt của ĐH Đà Nẵng là: 9 tiến sĩ ở nước ngoài, 21 thạc sĩ ở nước ngoài, 57 người được đào tạo ngắn hạn ở nước ngoài.

Đánh giá về tầm quan trọng của DA GDĐH 2, PGS.TS Vũ Văn Liết, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội, nhấn mạnh: “Học phí thấp nên nguồn thu của trường rất hạn chế. Trong khi đó, nhu cầu tăng cường đầu tư cơ sở vật chất để nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học rất lớn. Chính vì vậy, nguồn kinh phí từ Quỹ TRIG rất có ý nghĩa với trường”. Quỹ TRIG dành trên 21 triệu USD- khoảng 30% tổng tài trợ của DA GDĐH 2- để đầu tư cho 84 phòng thí nghiệm. Trong đó, Trường ĐH Cần Thơ là trường có nhiều phòng thí nghiệm được đầu tư nhất: 21 phòng thí nghiệm. Trong đó, có 7 phòng được đầu tư mới, 14 phòng bổ sung. Các lĩnh vực được đầu tư là: Thủy sản, Nông nghiệp, Môi trường, Công nghệ thông tin và truyền thông...

Nâng tầm dự án

DA GDĐH 2 đã được triển khai 1 năm. Theo đánh giá của Ban Quản lý DA, tiến độ triển khai chậm hơn so với dự kiến ban đầu. Bên cạnh đó, một số trường chưa cân đối tỷ lệ đào tạo, tỷ lệ tập huấn ngắn hạn, tham quan khảo sát, hội nghị hội thảo còn cao hơn so với đào tạo bài bản, căn cơ. Chẳng hạn ở Trường ĐH Quốc gia Hà Nội, tập huấn ngắn hạn- tham quan khảo sát- hội nghị hội thảo chiếm đến 40% kinh phí dự án. Ở Trường ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh, con số này là 30%. Trong khi tỷ lệ này ở mức trung bình chỉ từ 5%-10%. Bên cạnh đó, PGS TS Nguyễn Đức Thuận, Giám đốc DA GDĐH 2, còn nhận xét: “Một số trường chưa chú trọng đến đề tài nghiên cứu nên kết quả còn hạn chế. Nhiều đề tài đăng ký ban đầu còn mang tính dự kiến nên thường bất cập khi triển khai, phải điều chỉnh”...

Mặc dù vậy, có thể nói DA GDĐH 2 đang được triển khai khá tốt. Sự thành công của DA GDĐH 1 cộng với tiến triển thuận lợi của DA GDĐH 2 là nền tảng để tiến tới triển khai DA GDĐH 3 (Chương trình Chính sách phát triển GDĐH) ngay trong năm 2009 này. PGS TS Trần Thọ Đạt, Phó Ban chuẩn bị DA GDĐH 3, cho biết: “Chương trình sẽ được thực hiện từ tháng 9-2009 đến tháng 9-2011, theo phương thức cho vay mới của WB đối với GDĐH: cho vay chính sách phát triển. Điều này thể hiện sự tin cậy của WB đối với Việt Nam”. Tổng kinh phí 150 triệu USD sẽ được chuyển vào Ngân sách Nhà nước và được phân bổ, quản lý theo qui định hiện hành chứ không cần phải đàm phán với WB về từng thành phần, từng tiểu dự án như ở DA GDĐH 1 và DA GDĐH 2. Nguồn vốn này không thay thế cho ngân sách Nhà nước dành cho lĩnh vực GDĐH, mà là nguồn kinh phí bổ sung, nhằm hỗ trợ triển khai thực hiện các hoạt động ưu tiên trong GDĐH.

Ở cấp hệ thống, dự kiến DA sẽ triển khai thực hiện các biện pháp, chính sách cải cách chủ yếu; trang bị một số cơ sở vật chất dùng chung, như: dữ liệu điện tử, học liệu mở... Ở cấp trường, tài trợ sẽ được cấp trên cơ sở cạnh tranh trong các hoạt động: nâng cao chất lượng giảng dạy và nghiên cứu khoa học của đội ngũ; đào tạo giảng viên; đổi mới chương trình đào tạo và triển khai các chương trình tiên tiến. PGS TS Trần Thọ Đạt nhấn mạnh: “Tiền tài trợ của Chương trình Chính sách phát triển GDĐH sẽ được sử dụng để thực hiện các đề án tương tự như Chương trình tiên tiến hiện nay. Đề án được thực hiện theo cách thức Nhà nước đặt hàng với các trường để đổi mới và nâng cao chất lượng GDĐH mà Bộ Giáo dục và Đào tạo là cơ quan đầu mối chịu trách nhiệm quản lý và tổ chức thực hiện”.

*

* *

Có thể nói, các DA GDĐH đã và đang góp phần tạo nên nguồn lực cho công cuộc đổi mới GDĐH của Việt Nam. Và hơn nữa, các DA còn nâng cao kỹ năng tăng trưởng toàn diện cho các trường ĐH Việt Nam. Bên cạnh những kết quả có thể nhìn thấy được- số lượng tiến sĩ, thạc sĩ được đào tạo, các công trình nghiên cứu được thực hiện, các phòng thí nghiệm được đầu tư- là những kết quả tưởng như vô hình nhưng không kém phần to lớn: phát triển kỹ năng xây dựng chính sách quản lý GDĐH, tăng cường tính tự chủ và tự chịu trách nhiệm trong quản lý tài chính của GDĐH.

SỸ HUIÊN

Chia sẻ bài viết