17/01/2010 - 20:24

Cô bé mồ côi hiếu thảo, hiếu học

Cô Nguyễn Thị Kim Ngoạt, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Trường THCS Hưng Phú trao gạo và tập cho em Phạm Thị Bảo Trân.

Những ngày mưa, trong ngôi nhà dột nát, Trân ngồi nắm chặt tay bà nội để bà không sợ những cơn sấm sét. Bao nỗi nhớ từ đâu ùa về, ký ức tuổi thơ được sống trong vòng tay cha mẹ cứ cồn cào, da diết. Bây giờ dù xung quanh có nhiều bàn tay sẻ chia nhưng không sao khỏa lấp được nỗi cô đơn trong lòng cô bé mới lớn sớm phải chịu cảnh mồ côi, nghèo khổ, gia đình ly tán. Trân khóc suốt trong câu chuyện của mình, nhưng vẫn vững tin vào tương lai phía trước.

Hoàn cảnh của Phạm Thị Bảo Trân, học sinh lớp 9A4 Trường THCS Hưng Phú (phường Hưng Phú, quận Cái Răng) thật bi đát. Cha mẹ nghèo, từ nhỏ, anh em Trân đã sống trong cảnh thiếu thốn. Năm Trân lên 9 tuổi, mẹ em mất vì bệnh ung thư. Không lâu sau đó, cha đi bước nữa, để hai anh em Trân bơ vơ sống cùng bà nội già yếu ở tổ 62, khu vực 9, phường Hưng Phú. Mỗi ngày, cha Trân cho 20.000 đồng, bao gồm tiền ăn uống, chi tiêu cho cả 3 người. Nhìn bà nội kham khổ không đành, 3 năm nay, anh hai của Trân là Phạm Chí Công, đang học lớp 12B3 Trường PTTH Trần Đại Nghĩa, đi phụ bán căn tin kiếm thêm tiền. Ngoài giờ học, Trân đảm đương tất cả việc nhà, chăm sóc bà nội, đi mót củi, gánh nước để xài. Mấy tháng nay, bà nội bị lẫn, nằm liệt giường, nỗi lo lắng càng đè nặng lên đôi vai bé nhỏ của Trân. Trân kể: “Dường như không đêm nào em yên giấc vì phải thức nhiều lần chăm sóc nội. Ban ngày đi học em nhờ người bác kế bên coi chừng bà, ai cho gì ngon cũng để dành nội. Ông bà ngoại và ông nội đã mất, chúng em chỉ còn bà nội là người thân thương nhất, nên phải ráng lo cho bà”.

Trân trông cứng cỏi hơn nhiều so với tuổi 15 của mình, gương mặt sáng, thông minh nhưng ánh mắt rất buồn, đôi tay bé nhỏ của em đầy những vết chai vì lao động sớm. Số phận hẩm hiu, nghèo khổ, thiếu thốn tình cha mẹ có những lúc theo Trân vào cả giấc ngủ. Đêm, giật mình thảng thốt, một mình nằm trên chiếc giường xiêu vẹo, lạnh lẽo, Trân càng thêm tủi thân. Trân rấm rứt khóc và nói: “Buồn, nhưng em luôn dặn mình phải luôn cố gắng, không được bỏ cuộc giữa chừng. Em phải ráng học để sau này thi vào đại học, có công ăn việc làm ổn định phụng dưỡng bà nội”. Ngôi nhà trống huơ trống hoác, nền đất ẩm thấp, chỉ có 2 cái giường cũ, chén bát, soong nồi sứt mẻ, cửa không đóng được vì bị mối ăn gần hết, gió thổi mạnh là có thể sập bất cứ lúc nào. Chỗ học tập của hai anh em là một góc nhỏ kê tạm bợ trên chiếc bàn cong vẹo, nhưng sách vở được sắp xếp ngăn nắp, sạch sẽ. Bữa tối của hai anh em thường là những gói mì nấu vội, muối kho quẹt trộn cơm nguội. Trân và anh tiết kiệm tối đa, âm thầm chắt chiu từng trăm bạc lẻ, để dành sau này học đại học. Lúc trước, Trân có một chiếc xe đạp cũ nhưng bị kẻ xấu lấy mất, một nhà hảo tâm thương tình, tặng em chiếc xe khác. Trân nhường cho anh hai, còn mình lội bộ đi học. Trân đã xác định: “Nếu không muốn khổ như cha mẹ thì chỉ có học mới là con đường tốt nhất, nên phải cố gắng”. Để được đến trường, 5 năm qua, hai anh em nương tựa vào nhau cùng vượt qua nghịch cảnh, làm theo điều hay lẽ phải. Dù không có điều kiện thuận lợi như các bạn nhưng Trân vẫn cố gắng trau dồi kiến thức, thường xuyên đạt danh hiệu HS tiên tiến. Mấy tháng nay, anh của Trân kèm môn Hóa cho Trân và các bạn trong lớp, kết quả nhiều bạn có sự tiến bộ rõ rệt. Siêng năng, tính tình hiền lành, hiếu thảo, anh em Trân luôn được bà con lối xóm thương mến.

Mỗi khi có chuyện buồn, Trân hay nhớ tới lời anh dặn để vượt qua: “Không có ai thành công mà không trải qua nhiều thất bại, hiện giờ hoàn cảnh của mình chỉ là khó khăn tạm thời, em hãy phấn đấu lên. Thà nghèo khó về tiền bạc chứ đừng để tê liệt về mặt tinh thần”. Thầy cô và bạn trong lớp rất thương Trân, hay đến nhà thăm rồi vận động người quen giúp học bổng, tập sách, quần áo, còn bạn trong lớp cho tập bút, quà bánh... Hiện nay, mỗi tháng Trân được nhà trường tặng 5 kg gạo. Cô Nguyễn Thị Kim Ngoạt, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Trường THCS Hưng Phú, cho biết: “Trân là một trong những học sinh có hoàn cảnh khó khăn nhất của trường. Điều đáng quý là em rất ham học, hay giúp đỡ bạn bè, có tư cách đạo đức tốt. Trân là người trầm tính, không thích kể lể cảnh khổ của mình mà cố chịu đựng. Khi đi xác minh trường hợp của em để xét trao học bổng, tôi không ngờ mới ngần ấy tuổi đầu em đã chịu nhiều bất hạnh mà có nghị lực vươn lên như thế. Khi biết chuyện, thầy cô trong trường lại càng thương Trân hơn”.

Tham gia sinh hoạt trong Câu lạc bộ “Học sinh nghèo vượt khó” của trường, Trân học được rất nhiều kinh nghiệm sống cho mình. Trân thường nhìn vào những tấm gương vượt khó đăng trên các báo mà phấn đấu. Từ những buổi học thêm miễn phí của thầy cô đến quyển tập, tấm áo được trao tặng, Trân luôn khắc ghi trong tâm khảm. Trân phấn đấu sau này sẽ làm nghề giáo để tiếp bước thầy cô, vừa truyền thụ kiến thức, vừa giúp đỡ lại những người có hoàn cảnh như mình. Mong ước lớn nhất của Trân là bà nội sống đến ngày hai anh em thành đạt để có điều kiện phụng dưỡng nội tốt hơn. Em Dư Thanh Hiếu, Liên đội trưởng Trường THCS Hưng Phú, bạn cùng lớp với Trân, kể: “Không những học tốt, Trân còn là thành viên trong câu lạc bộ bóng chuyền của trường, tích cực tham gia các phong trào do Liên đội tổ chức như thực hiện kế hoạch nhỏ, thu gom giấy vụn, vỏ keo chao, nước tương đóng góp cho phong trào. Tấm gương hiếu thảo, vượt khó, hiếu học của Trân đã giúp Liên đội Trường THCS Hưng Phú đoạt giải nhì trong Cuộc thi kể chuyện về gương tiêu biểu của học sinh học tập và làm theo lời Bác vào tháng 12-2009, do Hội đồng đội kết hợp với Phòng Giáo dục - Đào tạo quận Cái Răng tổ chức”.

Bài, ảnh: KIỀU CHINH

Chia sẻ bài viết