24/07/2013 - 14:39

Chuyện người thương binh đất Tây Đô bị địch cưa chân 3 lần

Anh Phạm Việt Hùng, thương binh 2/4 (người bên trái) và soạn giả - nhà thơ Nguyễn Quang, thương binh 3/4.

Chuyện về anh Phạm Việt Hùng, thương binh 2/4 (hiện cư ngụ tại khu vực 4, phường Xuân Khánh, Quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) làm chúng tôi bùi ngùi nhớ lại một thời tuổi trẻ sục sôi lòng quyết tâm chiến đấu đánh đuổi kẻ thù xâm lược, giải phóng quê hương, thống nhất đất nước.

Tuổi trẻ gan dạ, trung kiên

Anh Phạm Việt Hùng sinh năm 1950, trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng tại huyện Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu. Cha anh từng là chiến sĩ giải phóng quân. Hồi tưởng về cuộc đời binh nghiệp thời khói lửa, anh kể: “Năm 15 tuổi, tạm biệt quê nhà tôi vào công tác tại Đội vệ binh Ban kinh tài - khu Tây Nam Bộ. Hai năm sau, được biên chế về Tiểu đoàn 307 anh hùng. Cuối năm 1967, đơn vị nhận lệnh hành quân về Cần Thơ tham gia Tổng tiến công mùa xuân 1968”. Đến Cần Thơ, anh ở Đại đội 1 do đồng chí Tám Bằng chỉ huy, cùng đồng đội tham gia những trận đánh ác liệt vào các mục tiêu quan trọng. Vừa tham gia xong các trận đánh lớn vào Đài Phát thanh Cần Thơ và Sân bay Lộ Tẻ, gây cho địch nhiều tổn thất, đơn vị của anh chuyển quân về vàm Rau Răm...

Khoảng 4 giờ sáng ngày 18-2-1968, anh Hùng cùng một bộ phận chiến sĩ của Đại đội 1 hoàn thành việc dùng hỏa lực đánh phủ đầu giặc ở đồn ông Đề (cách vàm Rau Răm chừng 5 km), vừa về đến nơi đóng quân, đơn vị của anh chạm trán với tiểu đoàn biệt kích Mỹ càn vào. Trận chiến không cân sức diễn ra vô cùng ác liệt. Hôm đó chúng cho gần 30 lượt trực thăng đổ quân yểm trợ, ta và địch giành giật nhau từng tất đất. Anh Hùng được phân công giữ trung liên RPD cùng 2 đồng chí Thắng và Bê với  2 khẩu AK. Tổ chiến đấu do anh phụ trách chiếm lĩnh công sự tại voi sông (cạnh căn cứ Vườn Mận hiện nay) nhằm đánh lạc hướng tiến công của địch, đảm bảo an toàn cho Ban chỉ huy tiểu đoàn và anh em thương binh nặng đang nằm tại trận địa. Khi đến voi sông, anh nổ súng trung liên, địch tập trung hỏa lực bắn về phía công sự như mưa, anh Thắng và anh Bê hy sinh ngay sau đó. Anh Hùng bị thương ở lưng do mảnh đạn M79, máu ra nhiều, bị nghẹt thở, cố gượng dậy tự dùng tay và răng xé áo để băng bó vết thương. Lúc này, trong tay anh còn 3 nồi đạn và 1 trái pháo dù. Trước mặt anh, chỉ cách 5-6 m, qua bờ bắp và cái mương nhỏ, giặc bò lổm ngỗm nhưng chưa phát hiện được mục tiêu. Anh lại lắp tiếp nồi đạn thứ 2 vào và lia thẳng vào đội hình của chúng, một số bị tiêu diệt ngay tại chỗ, còn một số tháo chạy. Cầm cự đến lúc trời sập tối, anh dùng trái pháo sáng tấn công và nhằm làm ám hiệu với đồng đội, khói bay mịt mù. Lúc này anh gần như kiệt sức và thụt xuống công sự, bên ngoài đạn giặc bắn như mưa. Nhờ tín hiệu pháo sáng, ngoài bờ sông, đồng đội ở Đại đội 2 phát hiện và bắn yểm trợ để thu hút đối phương. Trận này, địch bị tiêu diệt trên 100, trong đó có 70 tên Mỹ; riêng anh tiêu diệt 20 tên, được cấp trên phong tặng là dũng sĩ ưu tú diệt Mỹ.

Sau trận Rau Răm, khi xuất viện, anh Hùng được cấp trên điều về Đoàn 962 cũng ở tuyến lửa Vòng Cung, đảm nhận chức vụ Trung đội trưởng. Sau chiến dịch Mậu Thân 1968, giặc ra sức càn quét vùng ven Cần Thơ. Đoàn 962 được chia nhỏ thành đại đội, trung đội, tiểu đội, kết hợp với lực lượng vũ trang địa phương tiến hành chiến tranh du kích. Trung đội do anh chỉ huy được phân công ban đêm đánh đồn, ban ngày chiến đấu chống càn. Có lần tại Cầu Trắng (Phụng Hiệp), đơn vị được phân công đánh chặn đoàn xe M.113 của giặc, phá hủy 12 chiếc; riêng anh bắn cháy 2 chiếc.

Cũng tại tuyến lửa Vòng Cung, ngày 15-1-1969, trong trận chống càn ở lộ Bức-xã Giai Xuân, anh bị thương nặng ở chân, bị lạc đơn vị suốt cả tuần lễ chỉ uống nước lã và ăn bông lục bình, chuối chín bói trong vườn bà con vùng ven lúc này đã tản cư ra thành chạy giặc. Anh bò về hướng Trà Niềng, lúc này vết thương ở chân đã có dòi, mông bị lở loét. Và anh bị giặc bắt trong lúc đi càn, bị giam ở Khám Lớn, rồi Nha cảnh sát vùng 4 chiến thuật. Chúng dùng nhiều hình thức tra tấn anh rất dã man: cưa chân anh 3 lần, cuối cùng không khai thác được gì nên chúng phải thả anh vào tháng 12-1972.

Đại tá - nhà thơ Khưu Ngọc Bảy, hiện cư ngụ tại phường An Thới, quận Bình Thủy, TP Cần Thơ, từng tham gia Đoàn tàu không số vận chuyển vũ khí về Nam trong những năm chiến tranh ác liệt, nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn hải quân 962, nguyên Trưởng phòng Dân quân Quân khu 9; từng là Đại đội trưởng Đại đội 1, trợ lý tham mưu Đoàn 962 lúc tham gia chiến dịch Xuân 1968 tại tuyến lửa Vòng Cung, nhớ lại: “Tình hình lúc ấy vô cùng ác liệt, đồng chí Hùng là một trong những chiến sĩ trẻ tiêu biểu về tinh thần gan dạ, mưu trí, trung kiên, luôn xung phong nhận nhiệm vụ nơi tuyến đầu hết sức nặng nề, nguy hiểm. Lúc này hơn lúc nào hết, chỉ có thấm nhuần sâu sắc chủ nghĩa anh hùng cách mạng mới đủ sức hoàn thành nhiệm vụ trong thời khắc đầy cam go, thử thách. Lúc bị giặc bắt, hành động anh hùng lại được thể hiện khi anh bị chúng tra khảo, bị cưa chân đến 3 lần nhưng vẫn không khai báo với giặc...”.

Góp công sức xây dựng quê hương     

Sau ngày 30-4-1975, thời bao cấp, cũng như đồng đội ai cũng hết sức khó khăn về kinh tế, anh Hùng phải làm nhiều nghề để kiếm sống. Năm 1987, anh lập gia đình, tích góp được chút ít vốn liếng hùn hạp với bạn bè ban đầu kinh doanh đồ điện gia dụng. Không ngại khó khăn, anh tiến lên kinh doanh khách sạn nhỏ, rồi kinh doanh bất động sản xuôi buồm thuận gió... Anh chị có 3 người con, hiện đều thành đạt, người con gái út của anh đã tốt nghiệp đại học ở Singapore ngành Du lịch, hiện giúp gia đình trông coi Khách sạn 2 sao Việt Phúc tại khu vực 4 - phường Xuân Khánh - Quận Ninh Kiều. Anh dũng đánh giặc thời chiến tranh, làm kinh tế giỏi trong thời bình, sống chan hòa với đồng đội, với bà con trong khu phố, tham gia tốt công tác xã hội tại địa phương là những điều mà đồng đội và bà con lối xóm hay nhắc đến anh Hùng. Hằng năm, gia đình anh đóng góp vào các phong trào đền ơn đáp nghĩa, xóa đói giảm nghèo, giúp người già neo đơn không nơi nương tựa, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn... khoảng 50 triệu đồng.

Anh Nguyễn Xuân Lang, Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường Xuân Khánh, cũng từng công tác tại Trung đoàn 962 Quân khu 9, cho biết: “Cựu chiến binh Phạm Việt Hùng là một trong những tấm gương sáng về việc tiếp tục phát huy bản chất tốt đẹp người lính Cụ Hồ, với tinh thần tàn nhưng không phế, gan dạ trong chiến tranh, nhạy bén khi làm kinh tế trong thời bình, đi đầu trong các phong trào xã hội tại địa phương”.

Bài, ảnh: NGUYỄN VĂN BỚT

 

Chia sẻ bài viết