12/12/2008 - 08:43

Chuyện mới ở làng pháo cũ

Chỉ thị 406/TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc cấm sản xuất, mua bán, vận chuyển và tàng trữ pháo nổ có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-1995. Sau 13 năm, cùng với làng pháo Bình Đà, huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Tây (cũ), đơn vị kết nghĩa với TP Cần Thơ, làng pháo Thạnh An, huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ giờ đây có nhiều khởi sắc sau khi giã từ nghề làm pháo.

* Bỏ pháo để vươn lên

Ông Nguyễn Công Thủy, nguyên Chủ tịch UBND xã Thạnh An, nay là Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Vĩnh Thạnh, nhớ lại những năm còn làm pháo: Lúc đó toàn xã có khoảng 700 hộ ở 6/6 ấp sản xuất pháo, trong số này ấp F1 có tới 300/335 hộ làm pháo chuyên nghiệp.

Ông Vũ Đình Khuyến, 67 tuổi nhà tận trong kênh Đòn Dông, bắt đầu làm pháo từ thời trai trẻ vào thập niên 60 của thế kỷ 20. Hồi ấy, gia đình ông có 5 người, vào lúc đông ken phải huy động thêm chục nhân công làm mới xuể. Ai đặt loại pháo gì làm nấy, suốt năm đầu tắt mặt tối, làm không hở tay. “Lớn thuyền lớn sóng, xong cái tết thì cũng vừa hết tiền, lại phải tiếp tục bon chen!”, ông Khuyến bộc bạch.

Theo ông Khuyến và nhiều hộ sản xuất pháo trong ấp F1, Nhà nước cấm pháo là hoàn toàn đúng đắn vì ngoài việc tiết kiệm chi tiêu trong gia đình, còn đảm bảo an toàn tính mạng và bảo vệ môi trường cho xã hội, chứ trước đây, năm nào cũng có người bị thương vì làm nghề này. Chẳng hạn như ông Đỗ Văn Vịnh, cha anh Đỗ Minh Châu, bị tử nghiệp vì lỡ tay làm pháo cháy ngòi, bị bỏng nặng cả người, xe cấp cứu chuyển viện đến TP Hồ Chí Minh nhưng vẫn không cứu kịp.

Ngày càng có nhiều căn nhà tường như thế này mọc lên ở xã Thạnh An. 

Năm 1999, ấp văn hóa F1, xã Thạnh An được vinh dự nhận bằng khen Thủ tướng Chính phủ với thành tích nhiều năm liền xây dựng khu dân cư tiên tiến xuất sắc và năm 2004 đón nhận Huân chương Lao động hạng 3 do Chủ tịch nước trao tặng.

Ông Vũ Bình Đức, Bí thư Đảng bộ xã Thạnh An, phấn khởi cho biết: “Kinh tế nông nghiệp của Thạnh An phát triển theo hướng tập trung sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao, xây dựng cánh đồng một loại giống, đưa cơ giới hóa vào khâu thu hoạch, phơi sấy. Vụ hè thu 2008 có khoảng 95% diện tích được thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp, giảm chi phí thu hoạch 350.000 đồng/ha”.

Không chỉ chăm bẵm vào cây lúa, người dân Thạnh An đã không ngừng tạo nên sức bật mới bằng cách chuyển đổi cơ cấu sản xuất kinh doanh. Chỉ tính từ năm 2007 đến nay, bà con ở đây đã phát triển thêm 206 cơ sở sản xuất công nghiệp-tiểu thủ công và thương mại, dịch vụ, nâng tổng số lên 1.054 cơ sở, qua đó góp phần giải quyết việc làm cho trên 2.000 lao động nông nhàn. Linh mục chánh xứ Phan Chí Minh nhấn mạnh, dù gặp hoàn cảnh khó khăn, nhưng giáo dân nơi đây vẫn cố gắng cho con cái học hành đến nơi đến chốn. Đến nay, làng pháo đã có 7 bác sĩ, không dưới hàng chục thạc sĩ và tiến sĩ ăn học thành tài, trở về phục vụ quê hương.

Trong số những người con của đất Thạnh An, có nữ bác sĩ trẻ Vũ Minh Hiếu, người con ưu tú của Thạnh An đã tốt nghiệp đại học ngành y hạng ưu, hiện là giảng viên Trường Đại học Y Dược Cần Thơ. Một số người khác đang giữ trọng trách ở nhiều ngành, nhiều lĩnh vực khu vực đồng bằng sông Cửu Long, TP Hồ Chí Minh. Điển hình như: anh Trần Hữu Hợp, Tiến sĩ Dân tộc học, hiện là Phó Giám đốc Sở Nội vụ, Trưởng Ban Tôn giáo TP Cần Thơ; thầy Đoàn Hồng Nguyên, Tiến sĩ Ngữ văn, giảng viên Trường Cao đẳng Cần Thơ; TS Bùi Xuân Khôi, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu giống cây ăn quả miền Nam trực thuộc Viện Nghiên cứu Cây ăn quả miền Nam...

Thầy Nguyễn Văn Viện, Hiệu trưởng Trường THCS Thạnh An, cũng sinh trưởng tại làng pháo, cho biết: Trường được xây dựng năm 2001 từ Dự án Ngân hàng thế giới (ADB) tài trợ, có 5 phòng trệt và 5 phòng lầu, 1 phòng trang bị 10 máy vi tính cho học sinh học tin học. Nhớ lại sau mùa lũ lớn nhất năm 2000, đường sá xung quanh khuôn viên như biển nước, tới lui đều phải dùng xuồng sau đó đã được xây dựng tôn nền cao ráo nên việc dạy và học đã không còn vất vả như trước... Mặc dù là trường thuộc vùng quê hẻo lánh nhưng nhiều năm liền, Thạnh An luôn đạt danh hiệu trường tiên tiến cấp thành phố.

* Làng pháo hôm nay...

Con đường từ bến đò dẫn vào trung tâm làng pháo ngày nào nắng bụi, mưa sình, thường xuyên ngập sâu vào mùa lũ thì giờ đây là con đường bê tông kéo dài mút mắt, cầu khỉ cũng không còn.

Nhớ lại cách nay chục năm, muốn vào trong kinh, dân làng chỉ dùng độc nhất ghe xuồng. “Ai không có phương tiện vận chuyển riêng phải thuê đò dọc mất cả tiếng đồng hồ mới đến nơi, vất vả vô cùng. Ai lỡ mắc bệnh nặng là chịu chết, gia đình thân nhân chỉ biết giậm chân tại chỗ kêu trời!”, ông Vũ Văn Hạnh, chủ lò bánh mì nói như vậy.

Cái khó không bó cái khôn! Từ khi nghỉ làm pháo, một số ít người không có tư liệu sản xuất chuyển nghề, xin tạm vắng ở địa phương đi TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai lao động kiếm sống trong các nhà máy, xí nghiệp giày da, vật liệu xây dựng... Nhiều hộ ở lại được vay vốn 3-5 triệu đồng/hộ để chuyển nghề mua bán, chăn nuôi.

Bây giờ gia đình ông Khuyến, một trong những hộ từng đi đầu trong nghề làm pháo và cũng sớm mạnh dạn chuyển nghề đã cất nhà rộng rất đẹp, bên trong nhiều đồ trang trí nội thất đắt tiền không thua gì nơi thành thị. Ngoài sân, ông trồng nhiều hoa kiểng quanh năm khoe sắc. Sau nhà có vườn rau, ao cá, chuồng heo có hệ thống biogas theo mô hình tứ kết “ruộng-vườn-ao-chuồng” khép kín. Nhà anh Đỗ Minh Châu ngay bến đò Kinh F giờ đây là một cửa hàng đại lý vật tư nông nghiệp có uy tín của xã. Anh Châu đã ăn nên làm ra, trong tay có vốn liếng bạc tỉ.

Hiện làng pháo có 39 hộ xây nhà kiên cố, 1.365 hộ cất nhà bán kiên cố, không còn nhà tre lá tạm bợ. Nhiều gia đình cũng đang tranh thủ xây nhà tường ăn tết như các ông Nguyễn Văn Vượng, Nguyễn Đức Sinh, Đỗ Công Hoàng, Nguyễn Văn Chóp, bà Nguyễn Thị Thục...

Ông Đỗ Chinh Nhân, Phó Trưởng Phòng Văn hóa Thông tin huyện Vĩnh Thạnh, cho biết huyện đã lấy mô hình ấp F1 nhân rộng sang các ấp Thầy Ký, thị trấn Thạnh An; ấp Phụng Thạnh, xã Thạnh Tiến; ấp H2 xã Thạnh An; ấp Vĩnh Thành, xã Vĩnh Trinh; ấp Thạnh Xuân, xã Thạnh Phú; ấp Thạnh Phú 1, xã Trung Hưng.

Trước khi chúng tôi chia tay ra về, nhiều vị lãnh đạo xã Thạnh An báo tin vui rằng, ấp F1 đang được Hội đồng thi đua khen thưởng TP Cần Thơ đề nghị Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng 2.

Trong tương lai, khi con đường nhựa Thạnh An giáp xã Vĩnh Khánh, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang được hoàn thành sẽ tạo điều kiện giao thương liên tỉnh. Khi ấy, Thạnh An sẽ tiếp tục phát triển bền vững.

Bài, ảnh: NGUYỄN HÀ PHƯƠNG

Chia sẻ bài viết