03/01/2015 - 08:36

Chuyện giữ gìn di sản ở Trung Hưng

Xã Trung Hưng, huyện Cờ Đỏ hiện có gần 50 câu lạc bộ, đội, nhóm đờn ca tài tử (ĐCTT), phân bố đều ở 7/7 ấp. Đến Trung Hưng, hầu như đêm nào cũng có những chiếu đờn ca của những "tài tử ruộng đồng". Tại Liên hoan ĐCTT huyện Cờ Đỏ vừa qua, Trung Hưng đã đạt giải Xuất sắc.

Dù tham gia Liên hoan cấp huyện nhưng chương trình ĐCTT của xã Trung Hưng rất bài bản. Với chủ đề xuyên suốt "Mãi trong ký ức", các tài tử Trung Hưng mang đến 6 tiết mục gồm đủ các thể loại hòa đờn, độc tấu, hòa ca, đảm bảo đủ các hơi Bắc lễ, Nam xuân, vọng cổ… Tài tử Mộng Thắm thể hiện 4 lớp 48 câu Xuân tình chấn bài "Từ mùa thu ấy" tái hiện một quãng đường dài đánh giặc giữ nước của dân tộc bằng giọng ca mùi mẫn. Đôi tài tử Minh Trị - Mai Phương lại kể chuyện xây dựng nông thôn mới trên quê hương Trung Hưng bằng bài vọng cổ "Mãi trong ký ức" do lão nông tài tử Văn Hai sáng tác: "Ai về Phú - Thạnh - Quới - Hưng, nhìn ra kinh xáng rực màu cờ hoa. Những cánh đồng lớn và vườn cây ăn trái, chiếu sáng màu vàng khi hoàng hôn xuống về đêm…". Ai cũng công nhận giải Xuất sắc cho Ban ĐCTT Trung Hưng là hoàn toàn thuyết phục.

Buổi sinh hoạt của CLB ĐCTT Thạnh Quới 1, xã Trung Hưng.

Sau liên hoan, các nghệ nhân trong Ban ĐCTT Trung Hưng tề tựu về nhà văn hóa xã chia sẻ niềm vui. Sau đó, các thành viên ngồi lại rút kinh nghiệm, những chỗ nào ca chưa đạt, vô đờn chưa "êm", hay xử lý chữ đờn chưa "bén"… đều được góp ý, chỉnh sửa một cách thân tình.

***

Ông Đỗ Thanh Hưng, Phó Chủ tịch UBND xã Trung Hưng, cho biết, Trung Hưng có phong trào ĐCTT từ những năm đầu sau ngày đất nước thống nhất. Khoảng năm 1979, xã Trung Hưng còn xây dựng Đoàn cải lương, mỗi ấp trong xã đều có đội văn nghệ, giao lưu, biểu diễn rất rầm rộ. Tuy nhiên sau đó, do đa phần thành viên là nông dân, vì mưu sinh nên việc tập luyện, duy trì hoạt động dần thưa thớt. Gần 5 năm nay, cuộc sống bà con ổn định, phong trào ĐCTT phát triển mạnh trở lại.

Hiện ngoài CLB ĐCTT xã Trung Hưng và 7 CLB ĐCTT các ấp, các gia đình, dòng họ, láng giềng lân cận đang hình thành hơn 40 nhóm để đờn ca, thỏa niềm đam mê. Hầu như người dân Trung Hưng ai cũng ít nhiều biết ca vọng cổ, bài bản tài tử. Những CLB ĐCTT có tiếng ở địa phương hiện nay là Thạnh Quới 1, Thạnh Phú 1, Thạnh Phú 2… hoạt động đều đặn và có nhiều thành viên sành về nhạc tài tử. Điển hình như CLB ĐCTT ấp Thạnh Hưng 2, hiện có 13 thành viên, người lớn tuổi nhất đã "thất thập cổ lai hy", duy trì hoạt động vào mỗi tối thứ 5 và thứ 7 hằng tuần. Ông Võ Thành Nhân, Phó Chủ nhiệm CLB, nói: "CLB luôn chú ý thử nghiệm những làn hơi, bài bản mới của ĐCTT, tránh tình trạng chỉ hát vọng cổ". Ở Trung Hưng, có những "cây đa cây đề" ĐCTT, góp công rất lớn cho phong trào địa phương: nghệ nhân Văn Hai ở Thạnh Quới 1 không chỉ biết đờn, ca mà còn sáng tác; nghệ nhân Minh Trị ở ấp Thạnh Hưng 1, giọng ca mùi với những bản hơi Oán… Đặc biệt, đất Trung Hưng cũng là nơi sinh ra nhiều tài năng trẻ của sân khấu cải lương hiện nay như: Bùi Trung Đẳng - Chuông vàng vọng cổ 2010, nghệ sĩ Tô Tấn Loan - kép chánh của Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang…

Một yếu tố thúc đẩy phong trào ĐCTT ở Trung Hưng là mấy mươi năm qua, chuyện đờn ca đã đi vào nếp sinh hoạt của người dân, không hình thức "cho đủ thiết chế" mà thực sự trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu. Từ đó, những "đại gia đình ĐCTT" như: gia đình ông Bảy Hớn (ấp Thạnh Phú 1), gia đình ông Tô Tấn Điền, gia đình chị Hồng Thắm (ấp Thạnh Phú 2)… ra đời. Ở đó, người lớn tuổi hướng dẫn kỹ thuật đờn ca và truyền cả niềm đam mê cổ nhạc cho giới trẻ. Họ gặp nhau ở tiếng đờn lời ca, thắt chặt thêm tình thân, tình nghĩa xóm làng. Ông Ông Văn Nghiệp, thành viên CLB ĐCTT ấp Thạnh Phú 1, tâm sự: "Nông dân chúng tôi sau những giờ mệt nhọc đồng áng thì đờn ca là thú giải khuây phù hợp. Đờn ca riết thành "nghiện". Không chỉ nghiện đờn ca mà còn nghiện tri kỷ, thâm giao. Bữa nào nghỉ đờn ca với anh em, lòng buồn lắm!".

Ngoài ra, sự quan tâm hỗ trợ của chính quyền địa phương và ngành văn hóa đã giúp "giữ lửa" phong trào. Trung tâm Văn hóa - Thể dục thể thao huyện Cờ Đỏ thường xuyên cử nghệ nhân xuống sinh hoạt cùng anh em để hướng dẫn, chỉnh sửa cách đờn ca cho đúng điệu. Địa phương thì hỗ trợ tiền trà nước mỗi lần sinh hoạt. Các CLB, nhóm ĐCTT đều xã hội hóa nhạc cụ, dàn âm thanh nên sinh hoạt rất tốt.

***

Chuyện giữ gìn và phát huy ĐCTT - di sản của nhân loại ở Trung Hưng cho thấy, một khi địa phương quan tâm tạo nền tảng vững chắc, ĐCTT thực sự đi vào nếp sinh hoạt của người dân thì phong trào mới phát triển bền vững, hiệu quả. Qua đó, ĐCTT sẽ trở thành thú vui tao nhã, góp phần nâng cao đời sống tinh thần của bà con, nhất là ở vùng nông thôn.

Bài, ảnh: ĐĂNG HUỲNH

Chia sẻ bài viết