19/08/2020 - 08:30

Chuyên gia “Giáo dục sáng tạo” 

Chín năm đứng trên bục giảng, thầy Trang Minh Thiên, giáo viên dạy bộ môn Vật lý - Công nghệ Trừờng THPT Nguyễn Việt Dũng (quận Cái Răng, TP Cần Thơ) có 4 lần dự Hội thi Sáng tạo kỹ thuật thành phố và đều đoạt giải. Thầy là một trong 120 người của nước ta được Microsoft chọn là Chuyên gia “Giáo dục sáng tạo”. Từ năm học 2013-2014 đến nay, các nhóm học sinh do thầy hướng dẫn đều đạt giải thưởng cao trong Cuộc thi Khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học cấp thành phố.

Không khí giờ dạy của thầy Trang Minh Thiên luôn sôi nổi, hào hứng.

Là một trong 11 trí thức, nhà khoa học vinh dự nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND TP Cần Thơ năm 2019, thầy Trang Minh Thiên không chỉ gây ấn tượng bởi thành tích xuất sắc trong nghiên cứu khoa học, mà còn được nhiều thầy cô, học trò quý mến bởi sự tận tụy với nghề. Có dịp tham dự tiết học của thầy Thiên sẽ khó quên bởi cách dạy sáng tạo, gợi mở và kích thích sự tìm tòi học hỏi của học sinh. Giờ học môn Vật lý, bài “Máy phát điện xoay chiều” tại lớp 12A1 do thầy Thiên phụ trách, nhiều câu hỏi “Tại sao?” của học trò khiến không khí của lớp luôn sôi nổi. Học trò hỏi, thảo luận, thầy thị phạm, đúc kết, dẫn dắt vào bài học. Vương Gia Phát, học sinh lớp 12A1, cho biết: “Giờ dạy của thầy rất hào hứng. Ðược trải nghiệm làm bộ thiết bị, em hiểu được về hiện tượng vật lý, dòng điện xoay chiều, cảm biến…”.  

Cách dạy trên được thầy Trang Minh Thiên hay ví von là “lớp học đảo ngược”. Giáo viên đưa vấn đề cơ bản cho học sinh tự nghiên cứu tại nhà. Ðến lớp, các em trải nghiệm với bộ dụng cụ thí nghiệm - thực hành hỗ trợ giảng dạy môn Vật lý - Công nghệ do thầy sáng tạo (sản phẩm đạt giải Nhì trong Hội thi Sáng tạo kỹ thuật thành phố lần thứ 10). Thầy Thiên nói: “Tôi ứng dụng giáo dục STEM (Khoa học - Công nghệ - Kỹ thuật - Toán) vào bài giảng, giúp học sinh trải nghiệm thực tế, kích thích tư duy, học - hiểu, nhớ bài sâu hơn”. Theo thầy Thiên, việc giảng dạy, quản lý các lớp càng giản đơn, hiệu quả hơn khi sử dụng phần mềm quản lý lớp học “ClassDojo” - kết nối giáo viên với học sinh và phụ huynh. Qua phần mềm ClassDojo, giáo viên đánh giá việc học một cách khách quan, chính xác. “Các em làm bài tập có thể quay lại quá trình, rồi tải clip lên mạng để tôi nhận xét, góp ý, đánh giá”, thầy Thiên chia sẻ. 

Trao đổi về hiệu quả việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào giảng dạy và học tập, thầy Thiên cho biết: Những năm gần đây, ngành giáo dục Việt Nam xem việc ứng dụng CNTT vào dạy học là nhiệm vụ quan trọng, là xu thế tất yếu trong thời đại giáo dục 4.0. Giáo dục 4.0 được hiểu là giáo dục thông minh (Smart Education) - là nền giáo dục có sự hỗ trợ rất nhiều của công nghệ, cung cấp cho người học chương trình học tập “mọi lúc, mọi nơi”, phù hợp với nhiều đối tượng đào tạo khác nhau.

Từ thực tế giảng dạy, thầy Trang Minh Thiên nhận thấy ưu điểm nổi trội của việc ứng dụng CNTT trong dạy học là giúp giáo viên nâng cao sự sáng tạo, linh hoạt hơn trong quá trình giảng dạy. Những ngân hàng dữ liệu kiến thức khổng lồ và đa dạng được kết nối với nhau tạo điều kiện thuận lợi cho việc soạn giảng. Ngoài ra, giáo viên không bị bó buộc trong kiến thức chuyên môn mà còn có thể tìm hiểu về những chuyên ngành khác và học hỏi các kỹ năng sử dụng hình ảnh, âm thanh trong việc thiết kế bài giảng trong môi trường đa phương tiện, phát huy tối đa các giác quan của học sinh. Nội dung bài học cũng trở nên hấp dẫn, sinh động và trực quan hơn dưới hình thức video, thí nghiệm mô phỏng, mẫu hình 3D, công nghệ thực tế ảo AR/AI… Bài học càng trực quan thì càng giúp học sinh lĩnh hội kiến thức dễ dàng, sâu sắc.

Ðể tăng thêm sự hấp dẫn cho một tiết học trên lớp, tránh lối học đọc - chép thụ động, thầy Thiên nỗ lực thay đổi phương pháp dạy học, thường xuyên hoạt động để kích thích sự hào hứng của các em. Nhờ các công cụ đa phương tiện của máy tính như văn bản, đồ họa, hình ảnh, âm thanh, thầy xây dựng bài giảng sinh động, thu hút sự tập trung của người học, dễ dàng áp dụng các phương pháp sư phạm như: dạy học tình huống, phương pháp dạy học nêu vấn đề, thực hiện đánh giá và lượng giá học tập toàn diện, khách quan ngay trong quá trình học, nhờ đó tăng sự tích cực chủ động tham gia học tập của người học. Thầy Thiên chia sẻ: Với các công cụ như ClassDojo, Microsoft Teams, Microsoft Forms… tôi đã tạo ra một không gian lớp học riêng, cá nhân hóa từng học sinh. Trên mỗi không gian lớp học, tôi có thể trao đổi thông tin, giao nhiệm vụ, chấm và sửa bài cho học sinh nhanh, gọn, thuận tiện cho các em. Giáo viên không cần phải kiểm tra vở ghi hoặc in ấn tốn kém, học sinh có thể làm bài trực tiếp trên file hoặc chụp hình sản phẩm để nộp. Nhờ CNTT, không cần gặp gỡ trực tiếp, tôi và học sinh vẫn có thể tương tác, trao đổi và hỗ trợ nhau khi cần thiết. Với các video bài học trên kênh Youtube cá nhân, học sinh của tôi có thể học bài lại bất cứ lúc nào thuận tiện. Với Microsoft Teams, chúng tôi có thể thực hiện các cuộc gọi video để giải đáp thắc mắc, thảo luận dự án, nhận xét sản phẩm học tập,...

Trong lúc dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, có thể thấy rõ tầm quan trọng của CNTT đối với giáo dục. Thầy Thiên cho rằng CNTT mang đến những xu hướng học tập mới mẻ hơn, linh hoạt hơn và sáng tạo hơn đối với cả người dạy lẫn người học. Do đó, khai thác những lợi ích mà CNTT mang lại trong quá trình dạy học là một trong những yếu tố góp phần nâng cao chất lượng dạy và học trong giai đoạn hiện nay. Thầy nhấn mạnh: “Muốn phát huy tất cả năng lực sáng tạo của học sinh, bản thân người thầy phải thay đổi tư duy giáo dục, phải tự nâng cao chuyên môn, rèn đạo đức, mới có thể dẫn dắt các em chinh phục tri thức”.

Bài, ảnh: B.KIÊN

Chia sẻ bài viết