01/04/2023 - 11:05

Bà Phan Thị Nguyệt, Chủ tịch UBND quận Bình Thủy:

Chuyển đổi số với 3 trụ cột là chính quyền số, kinh tế số và xã hội số 

DUY KHÔI (thực hiện)

Thời gian qua, công tác chuyển đổi số (CÐS) gắn với cải cách hành chính được quận Bình Thủy rất quan tâm, là một trong những nhiệm vụ đột phá của quận. Trên cơ sở kế hoạch CÐS thành phố, UBND quận Bình Thủy đã cụ thể hóa bằng kế hoạch CÐS đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; đồng thời, chỉ đạo UBND 8 phường trên địa bàn xây dựng, triển khai kế hoạch CÐS phù hợp với tình hình địa phương.

Trao đổi về công tác CÐS trên địa bàn, bà Phan Thị Nguyệt, Chủ tịch UBND quận Bình Thủy, thông tin thêm:

- Thời gian qua, quận Bình Thủy xác định CÐS ở 3 trụ cột là chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Về chính quyền số, năm 2022, tỷ lệ văn bản trao đổi giữa các cơ quan hành chính nhà nước dưới dạng điện tử đạt 98,81% ở cấp quận và 98,51% ở cấp phường. Tỷ lệ bình quân toàn quận giải quyết hồ sơ trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 đạt 72,79%, tăng 51,21% so với cuối năm 2021. Ðối với việc thực hiện số hóa hồ sơ kết quả giải quyết thủ tục hành chính phục vụ chia sẻ dữ liệu, quận và phường đã thực hiện gần 4.000 hồ sơ, ở 40 loại kết quả.

Ở lĩnh vực xã hội số, về y tế thông minh, Trung tâm Y tế quận và tất cả 8 Trạm Y tế phường đã ứng dụng các phần mềm trong công tác quản lý khám chữa bệnh theo quy định của Bộ Y tế. Trung tâm Y tế quận cũng triển khai thanh toán điện tử không dùng tiền mặt, xây dựng hồ sơ sức khỏe điện tử cho người dân. Ðồng thời, triển khai khám chữa bệnh trên cơ sở tích hợp của căn cước công dân gắn chip theo Ðề án 06/CP về phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ việc CÐS quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030, của Chính phủ.

Về giáo dục thông minh, năm học 2022-2023, tất cả 30 điểm trường trên địa bàn quận đã triển khai thực hiện thu học phí không dùng tiền mặt. Ngoài ra, quận đã triển khai kế hoạch giáo dục thông minh và học tập suốt đời, trọng tâm là học ngoại ngữ giai đoạn 2021-2030. Quận Bình Thủy là địa phương được Sở Giáo dục và Ðào tạo thành phố chọn thí điểm triển khai 2 trường THCS An Thới và Bình Thủy thực hiện mô hình lớp học thông minh; chọn thí điểm 6/6 trường THCS trên địa bàn quận triển khai sổ liên lạc điện tử; 19/19 trường Tiểu học và THCS triển khai các nền tảng số phục vụ quản lý, dạy và học trực tuyến; 11/11 trường mầm non triển khai nền tảng số phục vụ quản lý trong dạy học.

Về phát triển kinh tế số, 100% doanh nghiệp trên địa bàn đã thực hiện hóa đơn điện tử. Tính đến thời điểm này, có trên 15% doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn đáp ứng tốt về CÐS; 100% cửa hàng tiện lợi đã triển khai thanh toán chấp nhận thanh toán không dùng tiền mặt từ khi bắt đầu hoạt động kinh doanh. Trên cơ sở hướng dẫn của Sở Công Thương, UBND quận đã chỉ đạo và chọn xây dựng Chợ An Thới trên địa bàn phường Bùi Hữu Nghĩa thực hiện mô hình “Chợ 4.0”, thanh toán không dùng tiền mặt.

* Thưa bà, quận Bình Thủy đã có những thuận lợi, khó khăn gì trong quá trình thực hiện CÐS trên địa bàn?

- Bình Thủy có thuận lợi là một trong những quận trung tâm của thành phố, hạ tầng công nghệ thông tin cơ bản đảm bảo để thực hiện công tác CÐS. Ðịa phương được sự hỗ trợ, hợp tác từ các doanh nghiệp viễn thông trong triển khai các ứng dụng thông minh tài trợ thử nghiệm để bước đầu đánh giá hiệu quả của CÐS. Năm 2022, quận được Viễn thông Cần Thơ tài trợ miễn phí trong thiết lập wifi công cộng tại 46 Nhà văn hóa ở khu vực, tạo thuận lợi để Tổ công nghệ số cộng đồng tuyên truyền hướng dẫn người dân tiếp cận về dịch vụ công, ứng dụng thanh toán không dùng tiền mặt...

Chợ An Thới - “chợ 4.0”, thanh toán không dùng tiền mặt. Ảnh: DUY KHÔI

Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận rằng, CÐS là nhiệm vụ mới đối với các ngành và địa phương nên còn lúng túng, đa phần việc CÐS tập trung ở những lĩnh vực hành chính nhà nước, y tế và giáo dục. Nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn về công nghệ thông tin ở quận còn hạn chế và chưa đảm bảo bố trí được công chức chuyên trách về công nghệ thông tin. Ngoài ra, dù tỷ lệ người dân sử dụng điện thoại thông minh trên tổng số dân địa bàn quận chiếm 76,74%, nhưng còn nhiều người ngại tham gia giao dịch trên nền tảng công nghệ, ảnh hưởng đến việc thực hiện CÐS.

* Ðâu là những giải pháp để quận Bình Thủy thực hiện tốt hơn nữa việc CÐS trong thời gian tới, thưa bà?

- Lãnh đạo quận xác định tiếp tục, tập trung chỉ đạo thực hiện có hiệu quả công tác CÐS với 3 trụ cột chính là chính quyền số, kinh tế số và xã hội số đúng theo lộ trình, kế hoạch của UBND TP Cần Thơ. Năm 2023, quận xây dựng kế hoạch CÐS gắn với việc giao một số chỉ tiêu liên quan đến dịch vụ công trực tuyến cho các phòng chuyên môn góp phần thúc đẩy CÐS hiệu quả. Ðồng thời, quận sẽ phối hợp triển khai thử nghiệm sử dụng các dịch vụ CÐS do các đơn vị viễn thông cung cấp với chương trình thử nghiệm tài trợ không thu phí có thời hạn để đánh giá thực trạng và đi đến lựa chọn sử dụng, đảm bảo theo nhu cầu CÐS của địa phương. Quận sẽ đưa vào vận hành và khai trương Trung tâm Ðiều hành thông minh.

Quận Bình Thủy xác định tiếp tục phối hợp với các ngành, đơn vị có liên quan tuyên truyền và hướng dẫn người dân thực hiện số hóa các thông tin, thực hiện CÐS. Trong đó, phát huy nguồn lực và vai trò Tổ công nghệ số cộng đồng. Quan tâm bồi dưỡng nghiệp vụ công tác CÐS, cải cách hành chính cho cán bộ, công chức, viên chức nhằm đáp ứng nâng cao trình độ chuyên môn phục vụ tốt trong công tác xây dựng chính quyền điện tử, CÐS.

* Xin cảm ơn bà!l

Chia sẻ bài viết