19/11/2022 - 10:35

Chuyển đổi số, tạo động lực phát triển cho Cần Thơ 

Bài, ảnh: ANH KHOA

Triển khai thực hiện Chương trình Chuyển đổi số (CÐS) Quốc gia đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 749/QÐ-TTg ngày 3-6-2020), đến nay TP Cần Thơ đã CÐS đạt nhiều kết quả đáng được ghi nhận. Các cấp, các ngành thành phố đang tiếp tục tập trung các giải pháp đẩy mạnh CÐS, góp phần tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của thành phố mạnh mẽ.

TP Cần Thơ thường xuyên tổ chức hội thảo nâng cao nhận thức về CĐS, cũng như bàn các giải pháp thúc đẩy CĐS của thành phố.

Thành quả đạt được

Ông Nguyễn Hữu Thanh Bình, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP Cần Thơ, cho rằng: Thời gian qua, Thành ủy, UBND thành phố rất quan tâm công tác CÐS, thúc đẩy phát triển đô thị thông minh, xem đây là động lực phát triển kinh tế - xã hội. Thành ủy đã ban hành Nghị quyết 10-NQ/TU về xây dựng TP Cần Thơ phát triển thành đô thị thông minh, giai  đoạn 2016-2025; Nghị quyết 02-NQ/TU về CÐS TP Cần Thơ đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030. UBND thành phố ban hành các đề án, kế hoạch thúc đẩy xây dựng đô thị thông minh, CÐS trên địa bàn thành phố.

Về kế hoạch CÐS của TP Cần Thơ đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 được xác định đảm bảo trên 3 trụ cột chính: chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Thành phố cũng lựa chọn 9 lĩnh vực ưu tiên thực hiện CÐS, gồm: y tế, giáo dục, nông nghiệp, tài nguyên - môi trường, tài chính - ngân hàng, giao thông vận tải, năng lượng, công nghiệp, du lịch. Cần Thơ phấn đấu thuộc nhóm 10 tỉnh, thành phố thực hiện CÐS tốt; tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới, đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý của bộ máy chính quyền, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, phương thức sống, làm việc của người dân, phát triển môi trường số an toàn, nhân văn, rộng khắp.

Theo Sở Thông tin và Truyền thông TP Cần Thơ, về xây dựng thể chế, cơ chế, chính sách thúc đẩy CÐS, UBND TP Cần Thơ đã ban hành 24 kế hoạch, chương trình liên quan đến CÐS; các sở, ngành và các địa phương đã thành lập ban chỉ đạo CÐS, ban hành kế hoạch triển khai thực hiện CÐS; 607 tổ công nghệ số cộng đồng với 2.417 thành viên đã được thành lập tại các địa phương cơ sở để triển khai thực hiện CÐS. Nhận thức CÐS đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người dân, doanh nghiệp từng bước được nâng lên; có 3.500 lượt lãnh đạo, cán bộ, công chức các cấp đã tham gia lớp tập huấn về CÐS.

Kết quả phát triển chính quyền số, trung tâm dữ liệu, mạng truyền số liệu chuyên dùng được đã đầu tư nâng cấp; triển khai Trung tâm giám sát an toàn, an ninh mạng (SOC) theo dõi, giám sát, đảm bảo các hệ thống thông tin quan trọng; xây dựng nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu (LGSP), kho dữ liệu dùng chung thành phố làm nền tảng quan trọng cho triển khai chính quyền số. Ngoài ra, hệ thống quản lý văn bản và điều hành phục vụ việc gửi nhận văn bản điện tử liên thông 4 cấp; hệ thống cổng dịch vụ công trực tuyến và một cửa điện tử phục vụ giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp… Triển khai các nhiệm vụ theo Ðề án 06 của Chính phủ: số hóa dữ liệu liên quan đến dân cư, hộ tịch, an sinh xã hội, y tế, doanh nghiệp, đất đai, giấy tờ kết quả giải quyết thủ tục hành chính; thí điểm Trung tâm điều hành đô thị thông minh IOC và một số dịch vụ đô thị thông minh, giúp lãnh đạo thành phố giám sát, điều hành một số lĩnh vực thiết yếu của thành phố.

Kết quả phát triển kinh tế số, đến nay thành phố có khoảng 670 doanh nghiệp hoạt động, doanh thu nội địa trung bình hằng năm khoảng 4.785 tỉ đồng; khu tổ hợp công viên phần mềm Ðại học FPT với quy mô 17ha đi vào hoạt động từ năm 2017, Khu Công nghệ thông tin tập trung TP Cần Thơ với diện tích 21ha đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Thành phố đã ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia CÐS, đến nay 100% doanh nghiệp đã triển khai sử dụng hóa đơn điện tử; nộp thuế, kê khai thuế qua mạng; hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, tài năng trẻ… Bên cạnh đó, hoạt động thương mại điện tử trên địa bàn thành phố cũng được quan tâm thúc đẩy, đã có 41 sản phẩm OCOP của các chủ thể trên địa bàn thành phố tham gia các sàn thương mại điện tử, 17.529 hộ sản xuất nông nghiệp hỗ trợ lên sàn thương mại điện tử. Thành phố triển khai mô hình chợ 4.0 thanh toán không tiền mặt tại 12 chợ truyền thống, tạo điều kiện để người tiêu dùng tiếp cận với các phương thức thanh toán hiện đại...

Đẩy mạnh các giải pháp CĐS

Ông Phạm Văn Ðồng, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP Cần Thơ, cho biết: Sở được giao nhiệm vụ phát triển chính quyền số và giao thông thông minh. Sở đã có Kế hoạch 2002/KH-SGTVT ngày 13-7-2022 về CÐS ngành đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Các kết quả bước đầu đạt được như tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến đạt 71,31%; tỷ lệ hồ sơ thủ tục hành chính xử lý trực tuyến 5,13%; tỷ lệ thủ tục hành chính có yêu cầu nghĩa vụ tài chính được triển khai thanh toán trực tuyến 50%; bảo đảm các điều kiện kỹ thuật để triển khai các ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành, xử lý công việc hành chính của Sở trên mạng Internet. Dự án giao thông thông minh (ITS) đang được triển khai thực hiện, khi hoàn thành sẽ mang lại những lợi ích thiết thực cho việc quản lý giao thông, quản lý và phát triển giao thông công cộng, thúc đẩy logistics theo hướng thông minh, hiện đại.

Theo ông Nguyễn Hữu Thanh Bình, bên cạnh các kết quả đã đạt được, việc CÐS của TP Cần Thơ còn những hạn chế. Ðó là các chương trình, kế hoạch CÐS của thành phố mới ban hành đầu năm nay nên triển khai thực hiện còn gặp khó khăn, nhất là nguồn lực. Chỉ số xếp hạng CÐS của thành phố đứng thứ 15/63 tỉnh, thành; chưa đạt mục tiêu trong top 10 các tỉnh, thành dẫn đầu về CÐS… Một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm CÐS của thành phố là phát triển hạ tầng số; các giải pháp để thúc đẩy phát triển chính quyền số, phát triển kinh tế số và xã hội số; đồng thời tập trung triển khai CÐS một số lĩnh vực ngành ưu tiên.

Thành phố đang đẩy mạnh phát triển chính quyền số; trong đó tập trung triển khai hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc “không giấy tờ”, làm việc từ xa; khai thác, sử dụng có hiệu quả hệ thống quản lý văn bản điều hành; thực hiện số hóa hồ sơ, lưu trữ hồ sơ điện tử… Ðồng thời, xây dựng thêm kênh tương tác trực tuyến để người dân tham gia, giám sát hoạt động chính quyền; triển khai Trung tâm điều hành thông minh thành phố, quận, huyện và một số sở và triển khai một số dịch vụ đô thị thông minh thiết yếu phục vụ người dân và doanh nghiệp… Về phát triển kinh tế số, đã triển khai đưa vào hoạt động Khu công nghệ thông tin tập trung thành phố; triển khai kế hoạch phát triển doanh nghiệp công nghệ số để thu hút, phát triển doanh nghiệp công nghệ số. Triển khai chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia CÐS, tham gia sử dụng các nền tảng số; phát triển thương mại điện tử. Xây dựng Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo TP Cần Thơ với mục tiêu hoàn chỉnh hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Thúc đẩy phát triển kinh tế số một số ngành, lĩnh vực; trong đó tập trung một số lĩnh vực như nông nghiệp, công nghiệp chế biến, du lịch, thương mại, và logistics… Về phát triển xã hội số, nâng cấp, hoàn thiện ứng dụng trên nền tảng di động “Cần Thơ Smart City” như một nền tảng di động tích hợp, cung cấp đa dịch vụ, tiện ích phục vụ người dân và doanh nghiệp; triển khai các giải pháp an sinh xã hội hỗ trợ người dân; triển khai các mô hình xã hội số như mô hình khu phố số (hay khu phố thông minh), mô hình nông thôn mới thông minh… qua đó, tạo các không gian đẩy mạnh CÐS trên địa bàn thành phố.

Chia sẻ bài viết