26/03/2024 - 23:17

Chuyển đổi số - nền tảng thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính 

Chuyển đổi số (CÐS) trong thực hiện thủ tục hành chính (TTHC) có vai trò rất quan trọng và mang lại nhiều lợi ích cho các tổ chức, cá nhân. Thông qua CÐS, quy trình tiếp nhận và xử lý hồ sơ của người dân công khai, minh bạch hơn. Ðồng thời, giảm thiểu thời gian thực hiện hồ sơ, giảm chi phí cho cả cơ quan nhà nước và công dân so với việc thực hiện thủ tục thủ công…

Người dân được nhân viên Bưu điện TP Cần Thơ hỗ trợ đăng ký tài khoản DVCTT, tại Trung tâm Phục vụ hành chính công TP Cần Thơ.

Theo báo cáo của UBND TP Cần Thơ, tính đến tháng 3-2024, thành phố đã kiểm thử, tích hợp 1.321 dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) trên Cổng DVC quốc gia. Trong đó, có 279 DVCTT một phần và 1.042 DVCTT toàn trình. Hồ sơ giải quyết TTHC được đồng bộ thường xuyên từ Hệ thống thông tin giải quyết TTHC thành phố với Cổng DVC quốc gia, phục vụ tốt công tác quản lý, theo dõi tình hình tiếp nhận, xử lý hồ sơ. Ðồng thời đẩy mạnh việc thanh toán trực tuyến phí/lệ phí, thuế trên Cổng DVC quốc gia. Trong quý I-2024, đã có 99.073 hồ sơ từ Hệ thống thông tin giải quyết TTHC thành phố được đồng bộ lên Cổng DVC quốc gia; 36.457 giao dịch thanh toán trực tuyến thành công, với giá trị thanh toán hơn 18,3 tỉ đồng. Trong đó, tỷ lệ TTHC có yêu cầu nghĩa vụ tài chính được cung cấp trên Cổng DVC quốc gia đạt 46,96%; tỷ lệ TTHC có phát sinh giao dịch thanh toán trực tuyến đạt 56,89%; tỷ lệ hồ sơ thanh toán trực tuyến đạt 53,17%, vượt chỉ tiêu được giao (tối thiểu 45% theo Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ).

Anh Nguyễn Văn Chung, chủ hộ kinh doanh ở phường Cái Khế, quận Ninh Kiều, nói: “Tôi làm dịch vụ cho thuê trọ, nên thường xuyên thực hiện thủ tục đăng ký lưu trú cho khách. Nếu như trước đây, phải trực tiếp đến Công an phường để đăng ký, thì nay tôi đăng ký trực tuyến qua Cổng DVC quốc gia. Các loại thuế, phí cũng được thanh toán trực tuyến, vì vậy tôi không phải mất thời gian đi lại nhiều lần và có thể tự kiểm tra tiến độ giải quyết hồ sơ của ngành chức năng”. Theo bà Lê Xuân Hoa, Giám đốc Trung tâm Phục vụ hành chính công TP Cần Thơ, Trung tâm đã thành lập Tổ hỗ trợ thực hiện TTHC gồm lực lượng đoàn viên, thanh niên, nhân viên Bưu điện thành phố và một số doanh nghiệp viễn thông. Các tình nguyện viên hỗ trợ, hướng dẫn người dân đăng ký tài khoản DVC, nộp hồ sơ trực tuyến, thanh toán trực tuyến, tra cứu hồ sơ. Chị Dương Tố Như, nhân viên VNPT Cần Thơ, thành viên của Tổ, chia sẻ: “Người dân vẫn còn thói quen trực tiếp đến công sở để thực hiện TTHC, trong khi có thể thực hiện qua DVCTT để tiết kiệm chi phí, thời gian. Do đó, chúng tôi tập trung hướng dẫn đăng ký tài khoản, các bước thực hiện hồ sơ, tập trung nhóm đối tượng người trẻ, doanh nghiệp nhằm nâng cao tỷ lệ thực hiện DVCTT”.

Nhiều đơn vị, địa phương có sáng kiến thúc đẩy CÐS trong cải cách hành chính. Ngay từ đầu năm, UBND quận Ô Môn chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tổ chức triển khai thực hiện những mô hình, sáng kiến mới phù hợp với tình hình thực tế tại cơ quan, đơn vị, tạo tiền đề bứt phá trong thực hiện các nhiệm vụ. Tiêu biểu như Phòng Tư pháp quận có giải pháp tăng cường thực hiện quy trình liên thông điện tử đối với 2 nhóm TTHC thiết yếu (gồm nhóm TTHC: đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 6 tuổi và đăng ký khai tử, xóa đăng ký thường trú, trợ cấp mai táng, hỗ trợ chi phí mai táng). UBND phường Thới Hòa có 2 sáng kiến: cuộc thi tìm hiểu về công tác cải cách hành chính và thực hành nộp hồ sơ DVCTT; xây dựng phần mềm ứng dụng theo dõi, đánh giá kết quả hoàn thành nhiệm vụ đối với công chức phường. Hay như UBND phường Thới An với sáng kiến “Ngày không hẹn, nộp hồ sơ trực tuyến và trả kết quả trước hạn 100%”.

Tuy nhiên, công tác cải cách TTHC trên địa bàn thành phố vẫn còn một số vướng mắc, hạn chế. Ðơn cử như việc cấp phiếu lý lịch tư pháp trong thời gian qua phát sinh nhiều và ngày càng tăng, một số hồ sơ trả trễ hẹn so với quy định, do hồ sơ phức tạp và cần có sự phối hợp giữa nhiều cơ quan, đơn vị. Tỷ lệ khai thác, sử dụng lại thông tin, dữ liệu đã số hóa còn thấp. Một số cơ quan, đơn vị còn tình trạng cập nhật thông tin giải quyết hồ sơ TTHC chưa kịp thời. Một số chỉ tiêu chưa đạt so với tỷ lệ được giao tại Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ như: tỷ lệ số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC, tỷ lệ hồ sơ cấp kết quả điện tử và tỷ lệ khai thác, sử dụng lại thông tin, dữ liệu số hóa…

Thời gian tới, các cơ quan, đơn vị, địa phương tiếp tục đẩy mạnh số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC, trong đó gắn việc số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết THHC với quá trình thực thi nhiệm vụ. Ðồng thời, tái cấu trúc quy trình, giải quyết TTHC trên môi trường điện tử, cung cấp DVCTT và tiếp tục rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa TTHC, giúp việc thực hiện TTHC của người dân, doanh nghiệp thuận lợi hơn. Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và người dân về CÐS; tập trung triển khai Ðề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ CÐS quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Ðề án 06). Theo đó, tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp, biện pháp, xây dựng 41 mô hình điểm về CÐS để triển khai thực hiện kịp thời, có hiệu quả các nhiệm vụ của Ðề án 06.

Bài, ảnh: QUỐC THÁI

Chia sẻ bài viết