25/10/2021 - 13:00

Chung tay chăm lo người dân về quê 

Hơn nửa tháng qua, nhiều người đi làm ăn, sinh sống từ các nơi trở về Cà Mau trong điều kiện dịch bệnh khó khăn. Cơ quan chức năng cùng người dân địa phương đã dang rộng vòng tay bảo bọc họ, cùng vượt qua khó khăn.

Tìm về “nơi chôn nhau, cắt rốn”

Từ đầu tháng 10 đến nay, tỉnh Cà Mau đã đón khoảng 30.000 người dân ở các tỉnh trở về, chủ yếu là những người đi làm công nhân trong các khu công nghiệp ở TP Hồ Chí Minh, các tỉnh Bình Dương, Ðồng Nai, Long An. “Hồi hương trong tình cảnh dịch bệnh thế này, bản thân chúng tôi không muốn nhưng không còn cách nào khác là phải tìm về quê” - chị Hồ Huỳnh Như bỏ lửng câu nói khi ôm người chồng ngất xỉu bên con lươn trên đường Trần Hưng Ðạo (phường 5, TP Cà Mau), một trong những cửa ngõ vào tỉnh Cà Mau.

Cơ quan chức năng cùng người dân Cà Mau đã chung tay hỗ trợ người trở về quê.

Chồng chị Như chở theo vợ, con chạy xe xuyên đêm từ Bình Dương về Cà Mau. Quá mệt mỏi anh chỉ kịp tấp xe vào con lươn ngăn cách đường và nằm bất động. Lực lượng làm nhiệm vụ nhanh chóng hỗ trợ sơ cứu. Sau một hồi nghỉ ngơi, chồng chị Như tỉnh lại, được đưa vào khu vực cách ly tạm thời tại Trung tâm Thương mại Cửu Long Plaza cách đó chưa đầy 100m.

Hỏi thăm mới biết, vợ chồng chị Như quê ở miền biển huyện Phú Tân, tỉnh Cà Mau. Gia đình không đất canh tác, ở quê không việc làm ổn định nên tìm lên Bình Dương làm công nhân. Dịch bệnh bùng phát, nhà máy đóng cửa, vợ chồng chị thất nghiệp. Sau hơn 2 tháng “bế quan” tại nhà trọ nơi đất khách, tiền ăn cạn dần nên vợ chồng chị Như tháp tùng theo đám đông xa xứ hồi hương. Chị Như kể: “Ðường về gần 400km vất vả, qua nhiều chốt và bị ùn ứ liên tục nên rất mệt mỏi. Chồng tôi không còn chút sức lực nào”.

Dòng người về Cà Mau rất nhiều tình cảnh tương tự vợ chồng chị Như, số đông là công nhân lao động ở các tỉnh Bình Dương, Ðồng Nai, TP Hồ Chí Minh. Sau hàng tháng trời “gồng mình” chịu đựng vì dịch, họ kiệt quệ nhiều thứ nên tìm đường về quê, mong được đùm bọc, chở che qua lúc túng quẫn, ngặt nghèo. Một cuộc di dân bất đắc dĩ cần được cảm thông! Không ít trường hợp khi về đến Cà Mau, tiền trong túi không còn mua đủ ổ bánh mì!

Dang rộng vòng tay

Những người trở về được cơ quan chức năng cùng người dân địa phương dang rộng vòng tay bảo bọc. Ðể có đủ chỗ cho bà con, chính quyền Cà Mau phải trưng dụng thêm hàng trăm trường học để làm nơi cách ly, nâng tổng công suất tiếp nhận cách ly tập trung của tỉnh từ 2.100 người lên khoảng 30.000 người. Hiện nay, mỗi đơn vị cấp xã trên địa bàn tỉnh Cà Mau đang quản lý khoảng 300-400 người dân trở về. Chính quyền cơ sở đã thành lập gần 20.000 tổ COVID-19 cộng đồng để hỗ trợ bà con. Ða số họ là người dân, chưa từng biết chống dịch là gì nhưng khi đồng bào cần, thì họ sẵn sàng đóng góp, dấn thân. Chị em phụ nữ thì cùng nhau nấu cơm; các cô chú lớn tuổi, có uy tín thì cùng cơ quan chức năng đi từng nhà vận động tiền, nhu yếu phẩm phục vụ người trở về. Ngay cả những em học sinh tuổi còn nhỏ cũng hiểu được khó khăn của những người về quê.

Em Nguyễn Bảo Ngọc, học sinh lớp 8C, Trường THCS Trần Quốc Toản, xã Thạnh Phú, huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau, khi thấy mẹ làm nước uống mang đến hỗ trợ cho khu cách ly, em đã lấy hết số tiền tiết kiệm hơn 180.000 đồng gửi mẹ mang vào giúp. Chị Nguyễn Ngọc Ðiệp (mẹ Bảo Ngọc) không khỏi xúc động và tự hào khi tiếp nhận bì thư có dòng chữ: “Con gửi các cô chú và các em cách ly. Chúc các cô chú và các em cách ly thật tốt”. Còn em Nguyễn Ðăng Khoa ở xã Tân Phú, huyện Thới Bình, khi thấy nhiều người dân trở về quê có hoàn cảnh khó khăn, đã đập heo đất để lấy tiền hỗ trợ. Khoa đưa toàn bộ gần 3 triệu đồng, chủ yếu từ tiền lì xì Tết năm rồi, cho mẹ mua sữa, bánh gửi vào các khu cách ly tập trung. Thật đáng quý khi biết rằng, cậu học sinh lớp 4 năm nào cũng được nhận giấy khen vì dành tiền tích lũy (dự định mua xe đạp điện) để hỗ trợ những em nhỏ khó khăn hơn mình. “Con coi trên điện thoại thấy có người thiếu đồ ăn. Con cũng thấy những em nhỏ hơn con thiếu sữa. Con muốn giúp đỡ những em nhỏ khó khăn hơn mình nên đập heo, đưa tiền cho mẹ” - Ðăng Khoa chia sẻ.

Ông Nguyễn Văn Dũng, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Cà Mau, cho biết: Tỉnh Cà Mau thống nhất hỗ trợ tiền ăn cho người về tỉnh đang cách ly y tế tập trung (14 ngày) với mức chi 40.000 đồng/người/ngày. Trong số người trở về, có nhiều người nhiễm COVID-19. Ðể chủ động điều trị cho bà con, các bệnh viện trong tỉnh được lệnh gom nhiều khoa, phòng lại để có thêm giường trống điều trị bệnh nhân COVID-19. Nhờ cách làm linh hoạt nêu trên mà từ 790 giường điều trị ban đầu, đến nay Cà Mau nâng số giường điều trị lên khoảng 1.700 giường.

Bài, ảnh: HIẾU NGHĨA -NI HẰNG

Chia sẻ bài viết