21/09/2017 - 07:14

Chung sức nâng tầm hàng Việt 

Theo các chuyên gia, hàng Việt mặc dù đang chiếm ưu thế trên thị trường và ngày càng được người tiêu dùng lựa chọn, nhưng để giữ vững thị phần trên thị trường trước áp lực cạnh tranh của các sản phẩm nhập ngoại, hàng Việt cần phải nâng cao sức cạnh tranh, đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến thương mại để hàng Việt xuất khẩu và tiếp cận gần hơn với khách hàng.

Nỗ lực quảng bá hàng Việt

Từ năm 1997, Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP Hồ Chí Minh  (Saigon Co.op) đã là đơn vị bán lẻ tiên phong đầu tiên của cả nước phối hợp với các cơ quan truyền thông triển khai chương trình “Người tiêu dùng và hàng Việt Nam chất lượng cao”.

Năm 2009, khi Bộ Chính trị phát động Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, hưởng ứng cuộc vận động này, Saigon Co.op đã có nhiều chương trình trình hành động và gần đây là chương trình “Tự hào hàng Việt”.

Sau hành trình 20 năm chinh phục người tiêu dùng, đây là chương trình quy mô nhất dành riêng cho hàng Việt của Saigon Co.op. Cùng với hình thức quảng bá, tại hệ thống bán lẻ Co.opmart, chương trình còn thực hiện khuyến mãi giảm giá trong ba tuần liên tục (từ ngày 26-8 đến 17-9-2017).

Điểm nhấn của chương trình là các hoạt động gia tăng lợi ích cho khách hàng khi mua hàng Việt như: giảm giá hàng ngàn sản phẩm đến 50%, tặng quà giá trị, tích điểm thưởng gấp nhiều lần so với ngày thường, giảm giá hàng Việt “siêu ưu đãi”.

Để hàng Việt tiếp cận gần hơn với người tiêu dùng, Saigon Co.op còn thực hiện những “Chuyến xe hàng Việt – Cùng Co.opmart lan tỏa tình yêu hàng Việt” với lộ trình xuyên Việt. Trong suốt lộ trình, chuyến xe tặng hơn 20.000 phần quà là các sản phẩm sản xuất tại Việt Nam.

Ông Đỗ Quốc Huy, Giám đốc Marketing, Saigon Co.op, cho biết: “Trên suốt hành trình, chuyến xe đều nhận được sự ủng hộ của người tiêu dùng. Không chỉ đối tượng thanh niên tham gia, tại các điểm dừng chân còn có cả các khách hàng trung niên, các anh chị em công nhân và cả trẻ nhỏ đến nhận những món quà hàng Việt. Đặc biệt, một số điểm còn có sự tham gia của khách nước ngoài”.

“Chuyến xe hàng Việt - Cùng Co.opmart lan tỏa tình yêu hàng Việt” trong chương trình “Tự hào hàng Việt” của Co.opmart nhận được hưởng ứng của người tiêu dùng. Ảnh: KHÁNH NAM

Không chỉ có các nhà phân phối như Saigon Co.op, Vingroup, hằng năm Big C cũng thực hiện một chương trình quảng bá cho hàng Việt “Tự hào sản phẩm Việt”, đây cũng được xem là một trong những chương trình lớn nhất trong năm của hệ thống siêu thị Big C.

Ông Hồ Quốc Nguyên, Giám đốc truyền thông hệ thống siêu thị Big C, cho biết: “Chương trình giới thiệu đến người tiêu dùng các sản phẩm hàng Việt Nam đến từ nhiều vùng miền trên cả nước nhằm giúp người tiêu dùng nhận thức rõ hơn về sản phẩm Việt Nam có chất lượng tốt, giá cả phù hợp với người tiêu dùng. Với những hỗ trợ thiết thực, hàng Việt luôn nhận được sự ủng hộ tích cực của người tiêu dùng”.

Trong hành trình giới thiệu các đặc sản Việt, hệ thống siêu thị LOTTE Mart dẫn dắt khách hàng khám phá những nét đặc trưng tiêu biểu với các thương hiệu của người Việt với mức giá ưu đãi cho các mặt hàng nông sản, thức uống, nước mắm, sữa, mì gói, dầu ăn… có chất lượng tốt. Cùng với đó là chương trình khuyến mãi giảm giá, tặng quà cho khách hàng khi mua các sản phẩm Việt...

Nâng tầm cho hàng Việt

Tập đoàn Vingroup thực hiện chương trình “Đồng hành, hỗ trợ và thúc đẩy sản xuất nội địa” với mục tiêu cùng cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam thúc đẩy sản xuất trong nước, tạo nguồn thực phẩm sạch và hàng tiêu dùng bảo đảm chất lượng cho cộng đồng.

Theo đó, Vingroup sẽ huy động tối đa các nguồn lực để thực hiện tổng thể 3 gói giải pháp: hỗ trợ đẩy mạnh tiêu thụ hàng Việt Nam qua hệ thống bán lẻ hiện đại; thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng hàng nội địa; trực tiếp tham gia sản xuất trong một số ngành hàng tiêu dùng.

Cụ thể, Vingroup sẽ xây dựng chính sách chiết khấu thương mại với ưu đãi mạnh mẽ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam tiêu thụ hàng qua hệ thống bán lẻ của tập đoàn. Riêng các mặt hàng thực phẩm tươi sống, Vingroup cam kết phân phối các sản phẩm sạch, an toàn với mức giá bằng đúng giá bán của nhà cung cấp trong vòng 1 năm.

Bên cạnh đó, tùy thuộc vào tình hình thực tế và tiềm năng của từng doanh nghiệp, Vingroup sẽ có thêm những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp về hiện diện và khuyến mãi… Tuy nhiên, điều kiện để tham gia chương trình là tất cả hàng hóa phải là sản phẩm sạch, an toàn, phải được công nhận bởi các hệ thống kiểm định chất lượng và chứng minh được nguồn gốc, xuất xứ.

Khách hàng mua sắm tại LOTTE Mart Cần Thơ. Ảnh: KHÁNH NAM

Không chỉ đem lại lợi nhuận chính đáng cho các nhà cung cấp trong nước thông qua việc hợp tác đưa hàng Việt vào phân phối tại hệ thống siêu thị, LOTTE Mart Việt Nam còn hợp tác phát triển nhãn hàng riêng Choice L, sản phẩm giúp khắc phục những hạn chế của chuỗi sản xuất nội địa, nâng hàng hóa Việt lên tầm cao mới, đủ sức cạnh tranh với các thương hiệu ngoại.

Với sự đầu tư bài bản và quy mô, Choice L được định vị là dòng sản phẩm chất lượng cao dành cho gia đình, không những đáp ứng nhu cầu nội địa mà còn tiến tới mở rộng xuất khẩu. Cụ thể, tổng giá trị LOTTE Mart Hàn Quốc đã nhập khẩu hàng Việt Nam trong năm 2016 là 1.300 tỉ đồng với những mặt hàng thủy sản, quần áo thời trang, đồ dùng cho sinh hoạt hằng ngày (sữa tắm, nước tẩy rửa, dụng cụ nhà bếp,…).

Chia sẻ về kinh nghiệm xuất khẩu hàng Việt, ông Yoon Byung Soo, Giám đốc chiến lược sản phẩm LOTTE Mart Việt Nam, cho rằng: “Do chi phí sản xuất rẻ nên vấn đề cạnh tranh giá là ưu điểm của hàng Việt. Tuy nhiên, chất lượng sản phẩm Việt Nam vẫn chưa đồng nhất; cùng đó khâu thiết kế mẫu mã, bao bì, đóng gói còn chưa tốt nên để xuất khẩu thì còn gặp nhiều khó khăn”.

Năm 2017, LOTTE Mart Việt Nam đưa ra mục tiêu về giá trị xuất khẩu khoảng 2.000 tỉ đồng, tập trung vào các sản phẩm thực phẩm tươi sống bao gồm cả những sản phẩm nông sản, trái cây và xuất khẩu các sản phẩm chuyên dùng cho sinh hoạt hằng ngày thuộc nhãn hàng riêng Choice L.

Hệ thống siêu thị Big C đã triển khai chương trình “Đồng hành cùng thương hiệu Việt” từ tháng 10-2016. Với mục tiêu hỗ trợ toàn diện các khóa đào tạo về thị trường bán lẻ, chia sẻ thông tin thị trường và thị hiếu khách hàng; đào tạo về đóng gói, xây dựng thương hiệu Việt,…; hỗ trợ tài chính thông qua tiếp cận các gói ưu đãi tài chính các ngân hàng đối tác của chương trình, hỗ trợ điều kiện thanh toán thuận lợi,…; hỗ trợ về phân phối và hậu cần trên toàn hệ thống phân phối thành viên của Central Group Việt Nam, được ưu tiên trưng bày trong siêu thị, hỗ trợ về cung ứng hậu cần,… và truyền thông tiếp thị.

Sau gần một năm tham gia chương trình, đến nay nhiều thương hiệu Việt đã tự tin chinh phục người tiêu dùng Việt Nam. Chẳng hạn như thương hiệu của các cơ sở sản xuất Tôm chua (Huế), nem chua Thanh Xuân (Đồng Tháp); công ty trà Hùng Thái (Thái Nguyên), nước mắm Thanh Quốc (Phú Quốc), trà Cung Đình (Huế), mắm cá linh Bà Giáo Khỏe (An Giang), nước mắm Cái Rồng (Quảng Ninh), Hợp tác xã miến Việt Cường (Thái Nguyên), mì chũ Xuân Trường (Bắc Giang),…

Trong xu hướng hội nhập kinh tế quốc tế, hàng hóa của các doanh nghiệp Việt ngày càng chịu sức ép cạnh tranh gay gắt với các sản phẩm ngoại nhập cũng như sản phẩm mang thương hiệu nước ngoài sản xuất tại Việt Nam. Thực tế, có không ít doanh nghiệp Việt sản phẩm đã bị “văng” ra khỏi kệ hàng tại các siêu thị, cửa hàng phân phối. 

Theo các chuyên gia, để trụ vững trước sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt, các doanh nghiệp Việt cần phải có sự thay đổi ngay từ tư duy kinh doanh, cần có sự liên kết để bán sản phẩm với giá hợp lý, không xé lẻ để rồi “phá giá” sản phẩm để cạnh tranh. Đặc biệt, các doanh nghiệp cần giữ uy tín và cung cấp nguồn hàng với chất lượng ổn định. Mẫu mã sản phẩm, công tác truyền thông, quảng bá thương hiệu cũng là việc quan trọng để tiếp cận và thu hút người tiêu dùng.

KHÁNH NAM

Chia sẻ bài viết