09/11/2008 - 19:51

Trước ngày 1-1-2009, ngành thương mại TP Cần Thơ

Chuẩn bị gì trước áp lực không cân sức ?

Theo lộ trình cam kết gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO) của Việt Nam, từ 1-1-2009 là thời điểm mở cửa cho doanh nghiệp (DN) 100% vốn đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực phân phối và bán lẻ hoạt động. Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, đây là điều kiện thuận lợi để các đại gia trong ngành bán lẻ trên thế giới thâm nhập thị trường nội địa. Ngành bán lẻ ở TP Cần Thơ đang chuẩn bị gì trước những áp lực cạnh tranh mới?

* CUỘC “ĐỔ BỘ” CỦA CÁC ĐẠI GIA

Năm ngoái, công bố của Hãng tư vấn Mỹ A.T. Kearney, Việt Nam là nước có thị trường bán lẻ hấp dẫn đứng thứ 4 trên thế giới (sau Ấn Độ, Nga và Trung Quốc). Tuy nhiên, cũng theo công bố của tổ chức này hồi tháng 6 – 2008, Việt Nam đã soán ngôi đầu của Ấn Độ trở thành điểm đến hấp dẫn nhất với các nhà đầu tư.

Ông Lê Văn Hừng, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP Cần Thơ, nhận định: “Các tập đoàn phân phối đa quốc gia, với sức mạnh tài chính, kinh nghiệm phân phối hàng hóa hiện đại sẽ tràn vào thị trường trong nước, trong đó có TP Cần Thơ. Sự có mặt của các tập đoàn này sẽ đẩy hoạt động kinh doanh bán lẻ trên cả nước đi vào bước ngoặt của cuộc cạnh tranh mới”. Theo nhiều dự báo, sự cạnh tranh không cân sức trong ngành bán lẻ giữa các DN trong nước và nước ngoài sẽ xảy ra tại TP Cần Thơ. Ông La Minh Hồng, Giám đốc Công ty cổ phần Thương nghiệp Tổng hợp Cần Thơ (C.T.C), nhìn nhận: Hệ thống cung cấp hàng hóa nước ngoài chủng loại phong phú, đa dạng, giá cả cạnh tranh. Một mặt, giúp người tiêu dùng có thêm nhiều cơ hội để lựa chọn, mặt khác các tập đoàn bán lẻ nước ngoài có thể nhập khẩu nhiều loại hàng hóa để bán ra với giá cực rẻ. Các sản phẩm điện máy còn mới nguyên nhưng đã lạc hậu về kỹ thuật, các loại quần áo may sẵn hàng hiệu hẳn hoi nhưng đã rơi vào diện đại hạ giá, các sản phẩm còn tồn kho được thanh lý của các công ty phá sản và các sản phẩm từ nước ngoài có giá thành thấp hơn cùng chủng loại với các sản phẩm sản xuất trong nước... Trong khi đó, không riêng gì TP Cần Thơ, phần lớn xu hướng của người tiêu dùng mỗi khi có gì mới, lạ thì rất thích đến tham gia mua sắm, đặc biệt là hàng nước ngoài.

Tiến sĩ Mai Văn Nam, Trưởng Khoa Kinh tế – Trường Đại học Cần Thơ, cho rằng: “Chúng ta đang bỏ ngỏ thị trường bán lẻ dành cho người có thu nhập trung bình và thu nhập thấp. Lĩnh vực này nhiều nước đặc biệt chú ý. Trong những năm đầu hoạt động các DN, tập đoàn bán lẻ nước ngoài có thể chấp nhận lỗ vốn để thâm nhập thị trường. Đây là những thách thức, cạnh tranh rất lớn cho các DN ở TP Cần Thơ cũng như cả nước trong thời gian tới”.

* KHỞI ĐỘNG CHO CUỘC CẠNH TRANH MỚI

TP Cần Thơ hiện có 104 chợ và các cửa hàng bán lẻ truyền thống. Ngoài ra, trên địa bàn thành phố đã có sự góp mặt của nhiều siêu thị như Co.opMart, CitiMart, Vinatex, Maximark, các siêu thị điện máy Best Caring, Chợ Lớn, siêu thị sách, các trung tâm bán lẻ điện thoại di động... Với việc cung ứng hàng hóa phong phú, đa dạng, các hệ thống phân phối hàng hóa này từng bước đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân trong thành phố và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Đặc biệt, cách đây 3 năm, Metro Hưng Lợi thuộc Metro – Cash & Carry, DN 100% vốn nước ngoài đi vào hoạt động, góp phần làm đa dạng hệ thống phân phối hàng hóa trên địa bàn thành phố. Theo Sở Công Thương TP Cần Thơ, từ đầu năm đến nay, đã có nhiều đơn vị nước ngoài đến tìm hiểu thị trường, chính sách có liên quan đến việc xây dựng hệ thống bán lẻ tại thành phố.

Với hệ thống siêu thị Co.opMart, Sài Gòn Co.op là 1 trong 4 nhà bán lẻ của Việt Nam lọt vào top 500 nhà bán lẻ hàng đầu châu Á – Thái Bình Dương 2008, đồng thời đoạt giải vàng Nhà bán lẻ hàng đầu Việt Nam. Trong ảnh: Khách hàng đang lựa chọn mặt hàng rau quả tại Co.opMart Cần Thơ. 

Trước tình hình này, các DN TP Cần Thơ đã có động thái gì? Ông La Minh Hồng, Giám đốc C.T.C, cho biết: “C.T.C xem xét đơn vị nào không hiệu quả thì mạnh dạn bỏ hoặc chuyển đổi sang ngành nghề khác. Xem xét cắt giảm các khoản chi phí không hợp lý, tăng cường công tác quản lý. Đồng thời, C.T.C cân đối nguồn nhân lực trên cơ sở thu hút lực lượng lao động trẻ có trình độ, có nghiệp vụ. Song song đó, công ty nâng cao khả năng cạnh tranh cung ứng hàng hóa, liên kết với Co.opMart Cần Thơ và xây dựng các dự án kinh doanh mới, xúc tiến đầu tư cho các chợ ở Hậu Giang, Bạc Liêu... mở rộng hệ thống bán lẻ, mở rộng hoạt động của các chợ truyền thống”.

Trung tâm Đầu tư Khai thác chợ, thuộc C.T.C, quản lý chợ cổ Cần Thơ, chợ Tân An và chợ Hưng Lợi với khoảng 800 hộ tiểu thương. Nhận thức được thách thức của việc gia nhập WTO, mở cửa thị trường bán lẻ, trên 30 hộ tiểu thương nơi đây đã thành lập Câu lạc bộ (CLB) tiểu thương Cần Thơ. Chị Mai Thị Thanh, Phó Chủ nhiệm CLB, cho biết: Qua hơn 2 năm thành lập, thông qua các hoạt động của CLB như thi trưng bày gian hàng đẹp, sản phẩm đặc trưng, tham gia các lớp học bán hàng... các hộ tiểu thương nơi đây đã chuyển biến nhận thức trong việc niêm yết và bán hàng hóa đúng giá niêm yết. Từ đó, tạo được nhiều lòng tin đối với khác hàng khi đến các điểm chợ truyền thống.

Về hoạt động của các DN, đơn vị tham gia bán lẻ trên trên địa bàn thành phố, ông Lê Văn Hừng, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP Cần Thơ, nhận định: “Nhiều năm nay, các đơn vị bán lẻ ở thành phố đã chú ý hơn trong cách bày trí gian hàng, cửa hàng khang trang, nâng cao khả năng phục vụ. Ngoài ra, các chương trình khuyến mãi cũng được các DN thường xuyên tổ chức để nâng cao khả năng cạnh tranh bán hàng hóa của DN trên thị trường... Tôi cho rằng, đây là bước tập dượt cần thiết trong bối cảnh hội nhập kinh tế hiện nay”.

* TIẾP TỤC CỦNG CỐ, PHÁT HUY NỘI LỰC

TP Cần Thơ là một trong 4 thành phố trọng điểm kinh tế của cả nước (cùng với Hà Nội, Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh) và được xem là cửa ngõ thương mại vùng ĐBSCL. Với lợi thế này, thành phố đã và sẽ thu hút được nhiều nhà bán lẻ đến mở siêu thị, khu thương mại, cửa hàng tiện lợi...

Tuy nhiên, theo nhận định của nhiều nhà đầu tư, các ngành hữu quan, vai trò là trung tâm thương mại vùng của TP Cần Thơ đang giảm dần. Việc chú trọng xây dựng một chiến lược phát triển bền vững và sự đồng bộ nhằm củng cố và phát triển vai trò này chưa được thực hiện tích cực. Cụ thể nhất là Trung tâm Thương mại Cái Khế nằm tại quận Ninh Kiều, hiện nay là một chợ bán lẻ của địa phương chứ không đúng như qui mô tên gọi. Mặt khác hiện nay, trong bán kính chưa đầy 3km, chủ yếu tập trung tại quận Ninh Kiều, có quá nhiều siêu thị đang hoạt động. Chưa kể một số dự án trung tâm thương mại và các siêu thị khác đang được xúc tiến xây dựng. Ông La Minh Hồng, Giám đốc C.T.C, kiến nghị: “Lãnh đạo thành phố, Sở Công Thương và các ngành hữu quan cần xác định quy hoạch, phân bổ để siêu thị, trung tâm thương mại có thể đến được với các quận, huyện trên địa bàn thành phố. Thành phố cần có chính sách hỗ trợ cho các DN địa phương đầu tư, nâng cấp, mở rộng, khai thác các chợ truyền thống; có các giải pháp hỗ trợ DN nâng cao năng lực cạnh tranh với các nhà đầu tư nước ngoài như đào tạo nguồn nhân lực, xúc tiến thương mại một cách có hiệu quả...”.

Được nhận định sẽ ít rủi ro hơn DN khi mở cửa thị trường bán lẻ, nhưng ông Lê Văn Hừng, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP Cần Thơ, cho rằng: “Chắc chắn hoạt động của các chợ truyền thống ít nhiều sẽ co cụm lại. Chính vì thế, để có thể tồn tại, tiểu thương, các cửa hàng mua bán nhỏ lẻ cần cải thiện về chất lượng dịch vụ, chất lượng hàng hóa, tiện nghi mua sắm và sự tận tụy của nhân viên...”. Đối với DN, cần phải có chiến lược kinh doanh rõ ràng, tạo được hệ thống “chân rết” bền vững. Điều này chỉ có thể thực hiện được bằng các liên kết chặt chẽ giữa các DN, giữa DN với hệ thống bán lẻ, các nhà sản xuất... DN cũng cần tích tụ nguồn vốn lớn để đầu tư cửa hàng khang trang, tập tành vào hướng kinh doanh đa dạng hóa sản phẩm chất lượng cao, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Về công tác quản lý nhà nước, ông Lê Văn Hừng cho biết: “Ngành công thương sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc triển khai các quy hoạch đã được phê duyệt; tăng cường khả năng liên kết với các tỉnh ĐBSCL, TP Hồ Chí Minh. Trong năm 2009, ngành công thương thành phố sẽ tiếp tục bổ sung dự án xây dựng kênh phân phối đầu mối hàng hóa, tạo điều kiện thuận lợi cho việc sản xuất, cung ứng hàng hóa từ nhà sản xuất đến người tiêu dùng, tránh được tình trạng thiếu hàng hóa cục bộ gây nhiều bất lợi”.

Bài, ảnh: HÀ TRIỀU

Chia sẻ bài viết