26/02/2015 - 21:14

NGÀNH THỦY SẢN TP CẦN THƠ

Chuẩn bị đường dài trong tiến trình hội nhập

Thời gian qua, ngành thủy sản TP Cần Thơ đã có bước chuyển căn bản, phát huy lợi thế, nâng cao thu nhập cho người nuôi. Chuẩn bị đường dài trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, TP Cần Thơ đã và đang đầu tư, phát triển ngành thủy sản theo hướng nâng cao chất lượng, khả năng cạnh tranh ở "sân nhà" và phục vụ nhu cầu chế biến xuất khẩu.

Bước chuyển

Cá tra là đối tượng thủy sản chủ lực của thành phố trong nuôi trồng và xuất khẩu. Năm 2014, diện tích nuôi cá tra của thành phố đạt trên 840ha và đạt sản lượng trên 150.440 tấn. Hiện nay, vùng nuôi cá tra nguyên liệu, các tổ hợp tác, các hợp tác xã nuôi cá tra trên địa bàn thành phố đều áp dụng các tiêu chuẩn nuôi tiên tiến, như: ASC, GlobalGAP, BAP, BMP, VietGAP... đáp ứng yêu cầu an toàn thực phẩm, đáp ứng được yêu cầu truy xuất được nguồn gốc trên sản phẩm thủy sản xuất khẩu.

Ông Nguyễn Ngọc Hải, Giám đốc HTX Thủy sản Thới An, quận Ô Môn, cho biết: Nghề nuôi cá tra xuất khẩu những năm qua hết khủng hoảng về giá, rồi khủng hoảng về sản lượng. Một trong những nguyên nhân chính là thị trường xuất khẩu cá tra liên tục biến động do các rào cản về thương mại, rào cản kỹ thuật của các quốc gia nhập khẩu nên giá cá bấp bênh. Chính vì vậy, sau gần 5 năm "vật lộn" với thị trường, năm 2008, HTX chuyển sang hình thức hợp tác với công ty. Công ty khoán cung cấp thức ăn và khoán chi phí khác bao gồm tiền nuôi cá giống, thuốc trị bệnh, công nuôi… HTX tổ chức nuôi, giao sản phẩm cho công ty và hưởng giá trị trên cơ sở sản lượng và phần chi phí do tiết kiệm được trong quá trình nuôi cá. Với cách làm mới này, HTX và hộ xã viên nuôi ao nhà, không phải đầu tư vốn nhiều, không rủi ro, chỉ tổ chức nuôi cá đạt theo yêu cầu hợp đồng với chi phí thấp nhất có thể. Thực tế hơn 5 năm qua, HTX luôn có lãi ổn định từ 1.500– 2.000 đồng/kg cá. Đây cũng là giải pháp chọn của HTX nông nghiệp – thủy sản Thắng Lợi. Ông Huỳnh Thanh Bình, Giám đốc HTX này chia sẻ: Người nuôi nhỏ lẻ cùng nhau liên kết và hợp tác làm ăn với doanh nghiệp là giải pháp đảm bảo người nuôi cá tra có lời. Không chỉ vậy, làm ăn hợp tác, người nuôi tuân thủ nghiêm ngặt quy trình kỹ thuật doanh nghiệp đưa ra. Đây là bước thực hành cần thiết trong việc nâng cao khả năng đáp ứng yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm, đảm bảo truy xuất nguồn gốc… ngày càng khắt khe của thị trường nhập khẩu.

Thực hiện cho cá tra sinh sản nhân tạo tại Trung tâm Giống Cây trồng, Vật nuôi, Thủy sản Cần Thơ. (Ảnh do Trung tâm Giống Cây trồng, Vật nuôi, Thủy sản Cần Thơ cung cấp).

TP Cần Thơ đã và đang phát triển nhiều mô hình thủy sản khác như: nuôi lươn, nuôi ếch,… theo tiêu chuẩn VietGAP, gắn với nhu cầu thị trường. Ông Nguyễn Minh Thạnh, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, cho biết: Nhiều mô hình nuôi thủy sản thời gian qua đã thật sự hiệu quả, tăng thu nhập trên đơn vị diện tích và phần nào đáp ứng được nguyện vọng làm giàu chính đáng của nông dân. Đây được xem là bước chuyển căn cơ để ngành thủy sản của thành phố nâng cao năng lực, phát huy lợi thế "sân nhà" và thị trường thế giới trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế.

Lộ trình dài…

Ông Nguyễn Minh Thạnh, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, cho biết: Năm 2015 và những năm tiếp theo, ngành thủy sản thành phố phát triển theo hướng hiện đại, hiệu quả, chất lượng cao và bền vững. Đồng thời, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, có sức cạnh tranh cao, có kim ngạch xuất khẩu lớn, có khả năng tự đầu tư phát triển, góp phần đáng kể trong xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Để phát triển theo đúng mục tiêu, định hướng này, thành phố đề ra nhiều giải pháp. Theo đó, thành phố tiếp tục tổ chức lại sản xuất cá tra theo hướng hình thành các tổ chức liên kết sản xuất (gồm người nuôi, doanh nghiệp chế biến, ngân hàng, các dịch vụ thủy sản) để đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các khâu nuôi, thu mua, chế biến và xuất khẩu. Thành phố tiếp tục triển khai thực hiện rà soát và điều chỉnh Quy hoạch thủy sản TP Cần Thơ 2015-2020 định hướng phát triển thủy sản bền vững và quản lý theo quy hoạch… Bên cạnh đó, thành phố tiếp tục thực hiện các giải pháp để thực hiện tái cơ cấu ngành thủy sản theo hướng nâng cao giá trị gia tăng; tăng cường công tác quản lý chất lượng thức ăn, hóa chất, chế phẩm sinh học dùng trong nuôi thủy sản, góp phần giảm giá thành sản xuất, bảo vệ môi trường.

Nguồn giống thủy sản chất lượng cần thiết không chỉ cho TP Cần Thơ mà cả vùng ĐBSCL. Ông Lê Văn Tính, Giám đốc Trung tâm Giống Cây trồng, Vật nuôi, Thủy sản Cần Thơ, cho biết: Năm 2012, Trung tâm tiếp nhận đàn cá tra bố mẹ hậu bị được cải thiện rất tốt về di truyền thông qua công tác chọn giống từ Viện nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản II với số lượng 1.000 con. Hiện nay, đã tiến hành khai thác cá bột (năm 2014, sản lượng đạt khoảng 25 triệu con cá bột) để sản xuất con giống tại đơn vị và cung cấp cá bột cho các cơ sở sản xuất giống tại TP Cần Thơ, Vĩnh Long… Qua kiểm tra, cho thấy: tỷ lệ ương sống của giống cá này trung bình đạt 17%, cao hơn cá tra giống tự nhiên khoảng 7-10%; giá bán trung bình cao hơn cá tra tự nhiên khoảng 40%... Đây là kết quả đáng phấn khởi để Trung tâm phát triển đàn cá tra bố mẹ, sản xuất giống cá tra chất lượng, đáp ứng định hướng nuôi cá tra theo các tiêu chuẩn chất lượng, như: VietGAP, GlobalGAP, SQF 1000CM… của người nuôi trong và ngoài thành phố. Ngoài ra, Trung tâm còn tập trung sản xuất một số giống cá chủ lực, có lợi thế, phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng, như: giống cá rô phi dòng GIFT, giống tôm càng xanh, giống cá chép… Hiện nay, TP Cần Thơ đang đẩy mạnh triển khai xây dựng Trung tâm giống thủy sản cấp I Cần Thơ mang tầm khu vực do Trung ương đầu tư. Tuy nhiên, Trung tâm giống này đã chậm so với kế hoạch ban đầu. "Đề nghị UBND thành phố chỉ đạo huyện Vĩnh Thạnh nhanh chóng đề xuất cách giải quyết vấn đề giải phóng mặt bằng để đẩy nhanh tiến độ, đưa Trung tâm giống thủy sản cấp I Cần Thơ vào hoạt động trong năm 2015" - ông Nguyễn Minh Thạnh, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, kiến nghị.

Trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu ngày càng gay gắt, làm gì để ngành thủy sản Cần Thơ phát triển bền vững? Bà Lê Ngọc Diện, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Nghề nuôi và Chế biến thủy sản TP Cần Thơ, cho rằng: Ngành thủy sản phải chuẩn bị một lộ trình dài cho tiến trình hội nhập. Ngoài các yếu tố như cơ sở hạ tầng, con giống chất lượng, quy hoạch… được đầu tư một cách bài bản, từ người sản xuất đến người kinh doanh ngành phải tìm hiểu văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước; tìm hiểu thị trường, quy định thị trường để hoạch định hướng phát triển phù hợp. Người nuôi phải áp dụng triệt để các giải pháp khoa học kỹ thuật, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm… nhằm giảm giá thành, nâng cao chất lượng thủy sản, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ nội địa và cho chế biến xuất khẩu. Bên cạnh đó, cần có liên kết dọc, liên kết ngang, liên kết theo chuỗi ngành hàng… Có như vậy ngành thủy sản Cần Thơ và cả vùng ĐBSCL mới vững tin ra sân chơi lớn – sân chơi của sự cạnh tranh toàn cầu ngày càng quyết liệt.

Bài, ảnh: HÀ TRIỀU

Chia sẻ bài viết