01/11/2009 - 21:11

Chú Thức khuyến học

Chú Nguyễn Văn Thức đang lập danh sách HS nghèo trong phường để xin tài trợ.

Tháng 10-2009, chú Nguyễn Văn Thức, Phó Chủ tịch thường trực Hội Khuyến học phường Hưng Phú, quận Cái Răng, TP Cần Thơ, được vinh dự đi Hà Nội tham gia Đại hội thi đua khuyến học toàn quốc lần thứ 2 do Hội Khuyến học Việt Nam tổ chức. Mấy năm qua, bất chấp tuổi tác, sức khỏe, chú Thức không quản ngại khó khăn, luôn đồng hành với học sinh (HS) nghèo trong phường, góp sức gầy dựng cho các em tương lai tốt đẹp hơn.

Không để học sinh nghèo bỏ học

Hội Khuyến học phường Hưng Phú thành lập năm 2003, chỉ với vài chục hội viên, chủ yếu vận động giúp HS nghèo tập, viết... Cuối năm 2003, chú Thức được mời về làm Phó Chủ tịch thường trực Hội, bắt tay vào xây dựng, củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động Hội bằng cách họp dân để phổ biến ý nghĩa của công tác khuyến học, khuyến tài, mời người có tâm huyết vào Hội. Ở mỗi khu vực, chú thành lập một Chi hội Khuyến học, vận động trẻ ra lớp đúng độ tuổi, chống mù chữ, phổ cập giáo dục cấp THCS, THPT, mở các lớp học nghề... Chú cùng giáo viên ở các điểm trường tìm ra mặt mạnh, yếu trong lĩnh vực giáo dục của phường, tìm ra giải pháp chống lưu ban, duy trì sỉ số lớp, đánh giá những yếu kém HS đang vướng mắc để giúp các em vượt qua, giúp phụ huynh thấy được vai trò, trách nhiệm trong việc học của con em mình.

Từ những hoạt động thiết thực trên, người dân trong phường khi gặp khó khăn liên quan đến việc học của con đã biết tìm đến Hội để bàn cách tháo gỡ, khắc phục. Đến nay, Hội Khuyến học phường Hưng Phú là một trong những tổ chức đứng đầu quận Cái Răng, hoạt động đều tay với 17 chi hội. Từ vài chục hội viên ban đầu, đến nay Hội đã có 2.312 hội viên, trong đó đảng viên tham gia chiếm gần 95% số đảng viên của phường. Tính đến nay, phường Hưng Phú đã tổ chức được 28 lớp xóa mù chữ ở nhiều độ tuổi. Làm được điều này, ngoài sự đóng góp nhiệt tình của các mạnh thường quân, phải kể đến tấm lòng của chú Thức, người ngay từ đầu đã không quản khó khăn, tiếp nhận, lèo lái sự nghiệp trồng người.

“Không để HS vì nghèo mà phải bỏ học” là tiêu chí hoạt động của Hội. Để thực hiện điều đó, các thành viên của Hội, nhất là chú Thức, phải nỗ lực vận dụng nhiều giải pháp. Phường Hưng Phú đang trong giai đoạn quy hoạch nên cuộc sống bà con gặp không ít khó khăn, HS bỏ học nhiều. Theo thống kê của chú Thức, hiện phường có 559 HS nghèo cần trợ giúp trên tổng số 2.500 HS. Hằng ngày, nếu không đi thực tế thì chú đến gõ cửa các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân xin tài trợ, điều tra số HS nghèo để đề nghị địa phương và nhà trường miễn giảm học phí. Biết bao công việc không tên nối đuôi nhau, việc này chưa kết thúc thì việc khác lại đến. Con cháu lúc đầu thấy chú Thức cực quá cũng ngăn cản, nhưng sau vài lần thuyết phục, hiểu được tâm nguyện của chú, mọi người từ phản đối chuyển thành đồng tình, còn tự nguyện đóng góp vào quỹ khuyến học.

Các chuyến đi thực tế của chú Thức trở thành kỷ niệm không thể nào quên. Rất nhiều HS nhà không có tài sản gì đáng giá, từ nhỏ đến lớn các em chỉ biết chăn vịt, đi làm thuê, hỏi đến hoàn cảnh là thút thít khóc, làm chú cũng ứa nước mắt. Chú Thức tâm sự: “Chúng tôi làm việc này với mong muốn chăm lo cho các em có được kiến thức, tương lai tươi sáng hơn, dù không có thù lao, nhưng càng làm càng thấy gắn bó với công việc. Chứng kiến cảnh các cháu nhỏ khát khao đi học nhưng không có điều kiện đến trường, đau lòng lắm. Phải làm sao hạn chế được tình trạng này là ước mơ lớn nhất của chúng tôi. Thêm một cháu cố gắng vượt qua nghịch cảnh, được cắp sách đến trường là chúng tôi như được tiếp thêm sức mạnh”. Nhiều HS học giỏi, có nguy cơ bỏ học vì nghèo, nhờ sự hỗ trợ kịp thời của Hội đã yên tâm tiếp tục việc học. Như em Nguyễn Thị Thanh Tuyền, HS lớp 8 Trường THCS Hưng Phú, người ốm yếu, bệnh liên miên, mẹ lại không có nghề nghiệp ổn định, có nguy cơ bỏ học. Từ sự giúp đỡ của trường và Hội Khuyến học phường, giúp Tuyền vượt qua khó khăn, học đạt kết quả tốt. Hay trường hợp em Nguyễn Thị Mỹ Linh, lớp 7 cùng Trường THCS Hưng Phú, mẹ chết, cha bỏ đi từ nhỏ, Linh sống với ông bà ngoại già yếu. Bà ngoại vừa qua đời, Linh tá túc cùng dì, gia đình khó khăn, Linh định thôi học, may nhờ mọi người động viên, thầy cô, bạn bè giúp đỡ, Hội Khuyến học phường hỗ trợ, Linh mới có điều kiện tiếp tục đến trường. Nhắc đến điều này, Linh mừng đến rơi nước mắt, nói: “Em luôn ghi nhớ ơn giúp đỡ của thầy cô, bạn bè, các cô chú ở Hội khuyến học, nhờ sự quan tâm này, em mới không dang dở việc học. Em sẽ cố gắng học giỏi, trở thành người hữu dụng để không phụ lòng tin cậy của mọi người”.

Chỉ trong 4 năm, chú Thức đã gầy dựng được một Hội Khuyến học vững mạnh, được mọi người đồng tình ủng hộ qua các phong trào “Dạy tốt, học tốt” trong nhà trường, xây dựng “Gia đình hiếu học”, “Dòng họ khuyến học”. Theo đó, số tiền chú vận động mỗi năm mỗi tăng, từ đầu năm đến nay chú vận động được gần 60 triệu đồng. Việc trao tặng học bổng giúp đỡ cho HS nghèo, khó khăn được chú thực hiện kịp thời, công khai, minh bạch. Từ năm 2007 đến nay, Hội hỗ trợ thường xuyên gạo, dụng cụ học tập cho 24 HS đặc biệt khó khăn. Với cách làm này, 3 năm qua, Hội ngăn được 72 HS bỏ học, vận động trở lại lớp 24 em nghỉ học. Cũng từ năm 2007, Hội chặn đứng được nguy cơ bỏ học của HS trong phường. Ngoài vật chất, chú Thức còn là nguồn động viên tinh thần kịp thời đối với những số phận không may. Chú thành lập Câu lạc bộ (CLB) “Học sinh nghèo vượt khó học tốt”, quy tụ các em học khá (sau này có thêm HS hạnh kiểm kém và nhóm nguy cơ bỏ học cao) vào sinh hoạt theo từng chủ đề được soạn thảo bằng giáo án điện tử sinh động.

Với những hoạt động mang lại hiệu quả thiết thực, Hội Khuyến học của phường được tặng Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp khuyến học, 2 năm liền được Hội Khuyến học TP Cần Thơ tặng cờ Thi đua xuất sắc và nhiều giấy khen khác... Bản thân chú Thức được tặng Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp khuyến học và Bằng khen của Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam năm 2009. Ông Lê Văn Sơn, Phó Chủ tịch UBND kiêm Chủ tịch Hội Khuyến học phường Hưng Phú, cho biết: “Phường Hưng Phú có được thành tích khuyến học như ngày hôm nay, công lớn nhất thuộc về chú Tám Thức. Chú là người rất nhiệt tình, hết lòng thương trẻ em nghèo, làm việc không có thù lao nhưng lúc nào chú cũng hoàn thành ở mức tốt nhất. Điều đáng quý là dù hoàn cảnh gia đình còn khó khăn nhưng chú sẵn sàng đóng góp về mặt tinh thần, vật chất, giúp nhiều HS có điều kiện vượt khó đến trường”.

Trụ cột gia đình

Gia đình chú Thức sinh sống bằng nghề bán tạp hóa. Căn nhà nhỏ của chú ngó ra bờ sông Hậu lộng gió, lúc nào cũng sạch sẽ, gọn gàng. Nhìn cách chú Thức nói chuyện, chứng kiến những việc chú làm cho địa phương, chúng tôi nghĩ chú có một gia đình rất đầm ấm, vẹn toàn, không còn gì phải bận tâm. Nhưng không phải vậy, ở tuổi trên 60, chú lại là điểm tựa cho 2 người bệnh nặng và đang phụng dưỡng cha già yếu.

Vợ chú Thức bị tai biến 9 năm nay, mọi sinh hoạt phải có người giúp đỡ. Con gái lớn của chú bị bệnh down, 31 tuổi nhưng chỉ như đứa trẻ lên 8, suốt ngày quanh quẩn trong nhà, ăn uống, tắm giặt đều một tay chú lo hết. Những lúc con bị động kinh, chú Thức một mình đưa con đi khắp nơi chữa trị. Bằng sự kiên trì và tình thương bao la của người cha, chú tập cho con làm những việc lặt vặt hằng ngày. Con gái út của chú Thức hiện đang làm việc tại một công ty phần mềm ở TP Hồ Chí Minh. Thương cha già, con gái chú không chịu lập gia đình, hằng tháng gởi tiền về phụ giúp. Vợ con bệnh, cực khổ nhân đôi nhưng chú Thức vẫn lạc quan, lấy việc chăm sóc vợ con làm nguồn vui cho mình. Chú còn rước cha nay đã 86 tuổi, về phụng dưỡng. Dù thu nhập chỉ đủ ăn, nhưng thấy người em sống nghèo khổ, chú Thức đã nhận nuôi giúp đứa con, khi bé vừa lọt lòng mẹ. Nay cháu đã 12 tuổi, ngày ngày chú đưa rước đi học. Bản thân chú Thức cũng không được khỏe, 10 năm nay chú bị cao huyết áp, phải thường xuyên uống thuốc. Chú Thức kể: “Tôi thường đi chợ mua thức ăn cho nhiều ngày, sáng dậy sớm lo cho cha, vợ con, nấu cơm để sẵn rồi ra phường, xong việc ghé về thăm nhà rồi đi tiếp. Cực nhưng tôi ráng làm để các cháu nhỏ được học hành đàng hoàng. Thời gian rảnh, tôi lên mạng tìm hiểu thông tin pháp luật, phổ biến lại bà con”.

Quê chú Thức ở Tiền Giang, chú là anh cả trong gia đình 11 anh em. Nhà ở vùng sâu, đường sá cách trở, kinh tế khó khăn nhưng thời đó mẹ chú vẫn tìm mọi cách lo cho các con ăn học. Với mấy công ruộng và nghề buôn bán hàng rong của mẹ thì không thấm vào đâu so với mọi thứ chi tiêu của gia đình, nên anh em chú ai cũng vừa học vừa làm. Sau khi thi tú tài 1, cha mẹ làm ăn thất bát, khó khăn bủa vây, chú Thức phải nghỉ học đi làm nuôi em. Vì quá lao lực nên mẹ chú qua đời khi đứa em út mới lên 6 tuổi, 3 người em khác cũng lần lượt bệnh mất, một người đi bộ đội hy sinh. 28 tuổi, chú Thức cùng cha cáng đáng gia đình, lo cho các em ăn học thành tài để thỏa nguyện ước vọng của mẹ. Thấm thoát mà mấy mươi năm đã trôi qua, đôi tay cần lao của chú vừa làm anh, vừa thay mẹ vỗ về nâng bước các em vào đời. Giờ các em của chú ai cũng có sự nghiệp, thành đạt.

Sau giải phóng, chú Thức tham gia vào Hội đồng nhân dân xã kiêm Chủ tịch Hội Phụ huynh học sinh (PHHS) xã Bình Tân, huyện Gò Công Tây (Tiền Giang), chú vận động tiền và ngày công để sửa sang lại những ngôi trường xuống cấp trầm trọng. Ban ngày lo việc địa phương, đêm chú lo mảnh vườn, thửa ruộng, ao cá... Trong thời gian làm công tác xã hội và đi làm thuê, một người quen thương tính nết chú hiền lành, đã mai mối cho chú cô gái đẹp người đẹp nết ở Cần Thơ. Lần lượt 2 đứa con ra đời, gánh mưu sinh càng trĩu nặng. Năm 1986, chú Thức nghỉ công tác ở xã, cùng vợ đi làm nuôi con.

Năm 1990, chú Thức về Cần Thơ, mua miếng đất ở phường Hưng Phú định cư tới giờ. Năm 2000, chú tham gia Hội PHHS Trường THCS Hưng Phú, năm 2003 công tác ở Chi hội Khuyến học trường và phụ trách Phó Chủ tịch Hội Khuyến học phường. Với suy nghĩ trách nhiệm gắn liền tình thương, cùng tâm nguyện “Không để HS thiếu ăn-mặc-sách vở”, chú luôn tranh thủ mọi lúc, mọi nơi tiếp cận các mạnh thường quân, xin tài trợ cho các em. Nhiều năm qua, nhà chú còn là điểm trọ miễn phí cho HS đến Cần Thơ thi cử, cháu nào chưa ổn định chuyện ăn ở, thiếu học phí đều được chú chăm lo, giúp đỡ chỉ với mong mỏi các em phải học thật tốt, khi có điều kiện thì giúp lại người khác như chú đã từng làm.

* * *

Những ngày này, chú Thức đang tất bật chuẩn bị mở “Trung tâm học tập cộng đồng” tại phường Hưng Phú. Chú cũng vừa tổ chức Đại hội Gia đình hiếu học lần 2 ở phường với hơn 100 gia đình tham dự, trao đổi kinh nghiệm giúp con cái thành công hơn trên con đường học vấn. Chú Thức khẳng định: “Tôi tình nguyện tham gia công tác khuyến học cho tới khi nào không còn sức đảm đương nữa”. Trong sự nghiệp chấn hưng và phát triển giáo dục, hướng tới xây dựng cả nước trở thành một xã hội học tập, chú Thức là một trong những người đang viết nên một trang sách đẹp về đức tính tận tụy, hy sinh, tình nguyện phục vụ cộng đồng.

Bài, ảnh: KIỀU CHINH

Chia sẻ bài viết