27/06/2008 - 08:17

Chủ động thực hiện quyết liệt các giải pháp kiềm chế lạm phát những tháng cuối năm 2008

* THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ YÊU CẦU: Thường xuyên báo cáo tình hình triển khai dự án nhà máy lọc dầu Cần Thơ

(Cổng TTĐT Chính phủ - CT)- Thủ tướng Chính phủ vừa có ý kiến chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước và các Bộ: Tài chính, Công Thương, Kế hoạch và Đầu tư chủ động thực hiện quyết liệt các biện pháp kiềm chế lạm phát và bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô những tháng cuối năm 2008. Cụ thể như sau: Đáp ứng đủ nhu cầu vốn cho doanh nghiệp, đảm bảo hoạt động hệ thống ngân hàng an toàn

Ngân hàng Nhà nước tập trung vào một số nhiệm vụ: Kịp thời cho vay tái cấp vốn, tái chiết khấu đối với các tổ chức tín dụng để tăng khả năng thanh khoản cho hệ thống ngân hàng, nhằm đáp ứng nhu cầu vốn cho các doanh nghiệp, góp phần thực hiện được mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2008 và tạo điều kiện cho việc phát triển ổn định của nền kinh tế những năm tiếp theo.

Tiếp tục có những giải pháp hỗ trợ cụ thể, phù hợp, trước hết đối với các tổ chức tín dụng nhỏ, chưa đáp ứng đủ các quy định vay tái cấp vốn, tái chiết khấu bình thường, nhằm bảo đảm duy trì và phát triển hoạt động hệ thống ngân hàng một cách an toàn và bền vững. Đồng thời kiểm soát chặt chẽ việc tăng lãi suất huy động vốn của các tổ chức tín dụng này.

Chủ động điều hành tỷ giá hối đoái với biên độ và bước đi hợp lý, bảo đảm tạo được điều kiện cho thị trường ngoại tệ vận hành ổn định, ngăn ngừa hoạt động đầu cơ ngoại tệ; thường xuyên theo dõi và có những biện pháp quản lý phù hợp các giao dịch ngoại hối, các luồng vốn vào, ra; kịp thời hỗ trợ và chỉ đạo các ngân hàng thương mại đáp ứng đủ nhu cầu ngoại tệ cho các doanh nghiệp nhập khẩu những vật tư, hàng hóa thiết yếu phục vụ sản xuất và tiêu dùng.

Trong tháng 6-2008 công bố danh mục, giá trị của dự án đầu tư công phải cắt giảm

Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp và công bố trong tháng 6-2008 Danh mục, giá trị của dự án đầu tư công trong kế hoạch năm 2008 phải cắt giảm, gồm các dự án đầu tư từ nguồn vốn ngân sách phân bổ, nguồn Trái phiếu Chính phủ và các nguồn do các tập đoàn kinh tế, tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước tự huy động và tự quyết định đầu tư; đồng thời tổng hợp tình hình đầu tư, khả năng hấp thụ vốn và giải ngân, tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ những giải pháp cần thiết bảo đảm phát triển doanh nghiệp, sản xuất kinh doanh ổn định; duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế trong những tháng cuối năm.

Xây dựng lộ trình quản lý giá một số mặt hàng thiết yếu để chủ động điều hành bình ổn thị trường giá cả

Bộ Tài chính xây dựng lộ trình giảm dần bội chi ngân sách nhà nước hàng năm; tiếp tục phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Công Thương, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Ủy ban Dân tộc kiểm soát chặt chẽ tình hình đầu tư của các doanh nghiệp nhà nước; phân tích đánh giá khả năng luồng vốn vào, ra; xây dựng lộ trình quản lý giá một số mặt hàng thiết yếu để chủ động trong điều hành bình ổn thị trường; hỗ trợ các hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác...

Bộ Tài chính nghiên cứu, đề xuất trình Thủ tướng Chính phủ các giải pháp cấp bách nhằm ổn định và phát triển thị trường chứng khoán, đi đôi với đẩy mạnh tiến trình cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước để tăng cường hàng hóa cho thị trường.

Đẩy mạnh xuất khẩu, hạn chế nhập khẩu

Bộ Công Thương chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước rà soát, xác định cụ thể danh mục và mặt hàng cần phải hạn chế nhập khẩu; thực hiện các biện pháp đẩy mạnh xuất khẩu, gắn với áp dụng chính sách thuế để hạn chế nhập khẩu, nhằm bảo đảm mức nhập siêu năm nay vào khoảng 30% kim ngạch nhập khẩu.

Chủ động cung cấp thông tin để giải thích, định hướng dư luận

Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước, các Bộ: Tài chính, Công Thương, Ngoại giao trong tháng 7-2008 xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ quy chế phối hợp, kế hoạch cung cấp thông tin, trong đó các Bộ, ngành chủ động cung cấp thông tin cho báo chí, công khai minh bạch các giải pháp điều hành để giải thích, định hướng dư luận. Các cơ quan báo chí đưa thông tin trung thực, đầy đủ, đúng chỉ đạo của Chính phủ và của các Bộ, ngành; không đưa những thông tin ảnh hưởng xấu đến tâm lý nhân dân.

* Văn phòng Chính phủ vừa có Công văn số 4011/VPCP-KTN về việc đầu tư dự án Nhà máy lọc dầu Cần Thơ; tiếp theo Công văn số 2657/UBND-KT ngày 19-5-2008 về việc hỗ trợ nhà đầu tư triển khai thực hiện dự án Nhà máy lọc dầu 2 triệu tấn/năm tại quận Ô Môn.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo này, Chủ tịch UBND thành phố Trần Thanh Mẫn vừa có ý kiến chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp Cần Thơ và các sở, ngành chức năng có liên quan thực hiện báo cáo hàng tháng về tình hình triển khai thực hiện Dự án Nhà máy Lọc dầu Cần Thơ gửi về UBND thành phố để báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Việc báo cáo này nhằm bảo đảm thông tin phục vụ sự chỉ đạo điều hành của Thủ tướng Chính phủ, vì dự án có ý nghĩa to lớn trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của TP Cần Thơ và các tỉnh thành khu vực ĐBSCL trong tương lai…

UBND TP Cần Thơ đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho dự án xây dựng Nhà máy lọc dầu Cần Thơ công suất 2 triệu tấn/năm. Dự án có vốn đầu tư 8.608 tỉ đồng (538 triệu USD) do Công ty TNHH Nhà máy lọc dầu Cần Thơ làm chủ đầu tư (gồm hai doanh nghiệp góp vốn là Công ty cổ phần đầu tư thương mại Viễn Đông và Công ty Semtech Limited B.V.I của Hoa Kỳ).

Mục tiêu của dự án là sản xuất xăng LPG, dầu diesel, naphtha nhẹ có công suất 2 triệu tấn dầu thô/năm. Địa điểm thực hiện dự án tại Khu công nghiệp Ô Môn (phường Phước Thới, quận Ô Môn) với diện tích đất sử dụng 250ha.

VĂN HIẾN - T.K

Chia sẻ bài viết