10/08/2014 - 21:01

Chủ động tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển

UBND TP Cần Thơ vừa tổ chức họp trực tuyến thường kỳ với các địa phương trên địa bàn về tình hình kinh tế- xã hội tháng 7 và triển khai các công tác trọng tâm tháng 8-2014. Tại cuộc họp này, lãnh đạo thành phố cùng các sở ngành và địa phương đã tập trung phân tích những mặt được và hạn chế thời gian qua, từ đó đề xuất nhiều giải pháp và xác định phương hướng nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy nhanh phát triển kinh tế-xã hội của thành phố …

* Vẫn còn nhiều "vật cản"

Những tháng qua, thành phố đã liên tục tập trung chỉ đạo triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, tập trung nguồn vốn tín dụng cho các lĩnh vực ưu tiên nên tình hình kinh tế - xã hội của thành phố duy trì phát triển ổn định... Song, tình hình phát triển kinh tế - xã hội của thành phố vẫn còn khó khăn, hạn chế khi hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và người dân còn chịu nhiều ảnh hưởng bởi khó khăn chung của tình hình kinh tế thế giới. Đặc biệt, sức tiêu thụ sản phẩm tại nhiều thị trường xuất khẩu chưa cao và giá cả nguyên liệu đầu vào và đầu ra sản phẩm bất ổn. Hơn nữa, việc sản xuất và xuất khẩu nhiều mặt hàng chủ lực tại thành phố như: thủy sản, gạo...còn gặp khó do nhiều nước nhập khẩu hàng gia tăng các rào cản thương mại và rào cản kỹ thuật. Bên cạnh đó, tình hình thiên tai, dịch bệnh trên nhiều loại cây trồng, vật nuôi có xu hướng diễn biến phức tạp, giá bán sản phẩm chưa ổn định làm cho người sản xuất chưa yên tâm đẩy mạnh sản xuất.

Thời gian qua, các cấp chính quyền tại TP Cần Thơ rất quan tâm đến việc khuyến khích liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp trong sản xuất, tiêu thụ lúa gạo. Trong ảnh: Công ty TNHH Trung An thu mua của nông dân tại "Cánh đồng lớn" ở ấp Thới Phước, xã Thới Xuân, huyện Cờ Đỏ.

Theo báo cáo tổng hợp của Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Cần Thơ, trong tháng 7, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 7,5 so với tháng trước, giá trị sản xuất công nghiệp ước thực hiện 6.375 tỉ đồng, tăng 8,3%. Lũy kế trong 7 tháng, IIP tăng 7,5% so với cùng kỳ năm trước, giá trị sản xuất công nghiệp ước thực hiện 40.892 tỉ đồng, tăng 7,6% so với cùng kỳ, nhưng so với kế hoạch của năm 2014 hiện mới đạt 41,9 %. Trong khi đó, xuất khẩu trong tháng 7 có tăng so với tháng trước, nhưng giá trị xuất khẩu trong 7 tháng đầu năm 2014 vẫn giảm mạnh so với cùng kỳ và còn đạt thấp so với kế hoạch năm. Cụ thể, giá trị kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ thu ngoại tệ trong tháng 7 ước thực hiện 105,2 triệu USD, tăng 1,8% so với tháng trước. Lũy kế trong 7 tháng đầu năm 2014, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và doanh thu dịch vụ thu ngoại tệ ước thực hiện 677,6 triệu USD, đạt 41,1% kế hoạch năm, giảm 16,8% so với cùng kỳ; trong đó, xuất khẩu hàng hóa 588,7 triệu USD, đạt 38% kế hoạch, giảm 14%; nguyên nhân chủ yếu do mặt hàng gạo xuất khẩu giảm 29,1% về sản lượng và giảm 29,1% giá trị, thủ công mỹ nghệ giảm 24%, thủy sản giảm 1,3%; riêng mặt hàng rau quả tăng 29,5%, dệt may tăng 24,2%.

Thời gian qua, tiến độ thực hiện một số công trình, dự án xây dựng cơ bản, nhất là các công trình phát triển hạ tầng, giao thông và triển khai hạ tầng nhiều khu công nghiệp còn chậm so với yêu cầu. Hơn nữa, tình trạng thiếu "đất sạch" sẵn sàng cho nhà đầu tư thuê và giá thuê đất ở các khu công nghiệp khá cao... đã ảnh hưởng đến việc thu hút đầu tư vào thành phố. Tính đến nay, các khu công nghiệp trên địa bàn có 212 dự án còn hiệu lực, thuê 564,9 ha đất công nghiệp với tổng vốn đầu tư đăng ký là 1.894 triệu USD, vốn đầu tư đã thực hiện 848,2 triệu USD, chiếm 44,8% tổng vốn đầu tư đăng ký.

Đối với lĩnh vực văn hóa - xã hội, chăm lo sức khỏe nhân dân vẫn còn gặp khó do các cơ sở hạ tầng văn hóa, y tế, giáo dục tại nhiều địa phương chưa hoàn thiện, việc xử lý rác thải, nước thải còn nhiều khó khăn vước mắc. Tai nạn giao thông tuy đã được kềm chế, nhưng vẫn còn xảy ra, gây thương vong cho nhiều người, không được lơ là với công tác này.

* Chủ động ứng phó khó khăn

Để thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội tại thành phố trong tình hình trên, đòi hỏi cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để khắc phục ngay các hạn chế. Tại cuộc họp mới đây, thành phố xác định tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch số 11/KH-UBND ngày 10-2-2014 của UBND thành phố triển khai Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ; Kế hoạch số 04/KH-UBND ngày 22-1-2014 của UBND thành phố về triển khai thực hiện Chủ đề năm 2014 "Cải cách hành chính, huy động mọi nguồn lực, hướng về cơ sở"; các Nghị quyết đã được thông qua tại kỳ họp thứ 9, 12 của Hội đồng nhân dân thành phố khóa VIII, nhiệm kỳ 2011-2016. Chú ý hỗ trợ doanh nghiệp và người dân kịp thời tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó, tăng cường các giải pháp đẩy mạnh tiến độ và đảm bảo chất lượng các công trình xây dựng cơ bản, tăng thu ngân sách nhà nước, chuẩn bị tốt cho năm học mới. Quan tâm bảo vệ tốt sản xuất nông nghiệp, chủ động phòng tránh các loại dịch bệnh trên người, cây trồng vật nuôi và phòng chống lụt bão. Tiếp tục kiềm chế tai nạn giao thông, chủ động thực hiện phòng ngừa, không để xảy ra các vụ cháy, nổ trên địa bàn...

Theo ông Nguyễn Văn Hồng, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Cần Thơ, tới đây Luật Đấu thầu sửa đổi, Luật Đầu tư công có hiệu lực với nhiều quy định mới, do vậy khi thực hiện các công trình xây dựng cơ bản các sở ngành và địa phương cần phải hết sức chú ý để có kế hoạch chủ động, tránh bị động trong triển khai các công trình. Bên cạnh đó, để làm tốt công tác cải cách thủ tục hành chính và thu hút đầu tư tại thành phố, rất cần phải rà soát lại hoạt động của bộ phận một cửa tại các sở ngành, địa phương và mỗi cán bộ cần phải nâng cao tinh thần, thái độ phục vụ nhằm tạo hình ảnh tốt đẹp chung cho thành phố. Ông Phạm Văn Quỳnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ, cho rằng: "Những tháng qua tuy chưa vào cao điểm mùa bão lụt nhưng đã xảy ra các đợt lốc xoáy gây nhiều thiệt hại, do vậy công tác phòng chóng bão lụt, thiên tai cần phải hết sức được quan tâm trong tháng 8 và các tháng còn lại của năm 2014. Cần phải củng cố hoạt động của ban chỉ đạo phòng chống lụt bão các cấp gắn với thực hiện tốt phương châm "4 tại chỗ, 3 sẵn sàng" và thực hiện tốt các chế độ báo cáo để xử lý kịp thời các tình huống".

Tăng cường hỗ trợ, kết nối giữa nông dân, doanh nghiệp và giữa các doanh nghiệp với nhau nhằm gắn kết giữa cung và cầu là một trong những giải pháp quan trọng đã và đang được thành phố quan tâm nhằm giúp doanh nghiệp và người dân phát triển sản xuất kinh doanh, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Để nâng cao hơn hiệu quả công tác này, đồng chí Lê Hùng Dũng, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ chỉ đạo Sở Công thương cần phối hợp với các sở ngành, địa phương và siêu thị rà soát lại tình hình sản xuất, tiêu thụ các loại rau màu, vật nuôi trên địa bàn thành phố để có giải pháp thúc đẩy đưa hàng vào siêu thị và các kênh bán hàng hiện đại trong thời gian tới. Mặt khác, cần tăng cường kiểm tra chất lượng nón bảo hiểm và các loại hàng hóa bán trên thị trường, có giải pháp xử lý nghiêm tình trạng buôn bán lấn chiếm lòng lề đường, trong đó cần nghiên cứu việc cấm cán bộ, đảng viên mua bán hàng ở lòng, lề đường…

Chủ tịch UBND TP Cần Thơ nhìn nhận còn nhiều khó khăn, hạn chế tồn tại cần phải được quan tâm khắc phục. Đáng chú ý là tới đây các sở, ngành thành phố và địa phương trên địa bàn phải nêu cao tinh thần trách nhiệm trong cải cách thủ tục hành chính và đổi mới tư duy nhằm tạo môi trường đầu tư thông thoáng, thuận lợi cho doanh nghiệp đến thành phố đầu tư làm ăn.

Bài, ảnh: Khánh Trung

Chia sẻ bài viết