18/05/2020 - 05:47

Chủ động phòng tránh thiên tai khi mùa mưa, bão sắp đến 

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, nhiệt độ trung bình từ tháng 4 đến tháng 9-2020 tại khu vực Nam bộ (bao gồm khu vực ĐBSCL) phổ biến ở mức cao hơn trung bình nhiều năm khoảng 0,5-1,00C. Nắng nóng sẽ còn tiếp tục xuất hiện tại khu vực Nam bộ, khu vực ĐBSCL trong tháng 5 này. Người dân trông chờ những cơn mưa từng ngày. Tuy nhiên, trong thời điểm chuyển mùa, những cơn mưa đầu mùa thường kèm theo lốc xoáy, đe dọa sinh mạng, tài sản, hoa màu... của người dân trong vùng.

Thiệt hại do lốc xoáy

Đơn vị chuyên môn cắt tỉa cây xanh trên địa bàn quận Ninh Kiều, nhằm hạn chế đổ ngã khi mùa mưa, bão sắp đến.

Khoảng 15 giờ ngày 26-4-2020, mưa lớn kèm theo giông, lốc xuất hiện trên địa bàn các huyện Chợ Mới, Châu Thành, Thoại Sơn, Châu Phú (tỉnh An Giang) khiến một căn nhà của người dân ở huyện Chợ Mới bị sập hoàn toàn, 60 căn nhà bị tốc mái, xiêu vẹo; ngã 2 trụ điện trung thế ở xã Bình Thủy (huyện Châu Phú); 14,7ha lúa của các hộ dân trên địa bàn huyện Thoại Sơn bị đổ ngã phải sạ lại. Theo Ban Chỉ đạo Ứng phó biến đổi khí hậu - Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) tỉnh An Giang, cơn giông, lốc không gây thiệt hại về người, nhưng làm ảnh hưởng nặng nề nhà cửa, hoa màu của người dân. Lãnh đạo tỉnh An Giang đã đến thăm hỏi, động viên các hộ dân bị ảnh hưởng; đồng thời huy động lực lượng tại chỗ cùng nhân dân địa phương hỗ trợ các hộ bị thiệt hại di dời tài sản, sửa chữa nhà cửa, ổn định cuộc sống.

Trước đó, ngày 24-4-2020, trên địa bàn xã Vân Khánh Tây (huyện An Minh, Kiên Giang) cũng xuất hiện cơn mưa lớn kèm theo lốc xoáy, làm  thiệt hại 37 căn nhà dân, trong đó có 6 căn bị sập hoàn toàn, 31 căn bị tốc mái. Huyện An Minh đã điều động lực lượng cứu hộ phối hợp cùng người dân tại địa phương hỗ trợ bà con bị ảnh hưởng thiên tai khắc phục hậu quả. Vụ thiên tai không gây thiệt hại về người, nhưng khiến nhiều gia đình lâm vào cảnh “màn trời chiếu đất”. Chính quyền địa phương và huyện An Minh kịp thời thống kê thiệt hại và phối hợp với các cơ quan chức năng tỉnh đến thăm hỏi, hỗ trợ vật chất, giúp người dân xây dựng, sửa chữa lại nhà cửa, ổn định cuộc sống.

Theo Ban Chỉ huy PCTT-TKCN TP Cần Thơ, hiện tượng lốc xoáy là một luồng gió xoáy hình phễu, xảy ra đột ngột, diễn ra trong thời gian ngắn, di chuyển nhanh trên mặt đất hoặc trên biển và có sức gió mạnh tương đương sức gió của bão. Nó có thể cuốn theo các vật thể: cát, bụi, nhà cửa, cây cối... Sét là hiện tượng phóng điện trong đám mây với nhau hoặc giữa đám mây với mặt đất, thường xuất hiện cùng mưa, giông lốc, khó dự đoán chính xác và có thể làm chết người, vật nuôi; hư hại nhà cửa, công trình; có thế dẫn tới hỏa hoạn, cháy rừng... Từ năm 2015 đến nay, trên địa bàn TP Cần Thơ đã có 1 người chết, 1 người bị thương, 232 căn nhà sập, 845 căn nhà tốc mái, xiêu vẹo do giông lốc và 4 người chết, 1 người bị thương do sét đánh…

Mới đây, trong cuộc họp thường kỳ tháng 4-2020 của UBND TP Cần Thơ, đồng chí Lê Quang Mạnh, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, chỉ đạo: Chuẩn bị cho mùa mưa bão 2020, ngay thời điểm này, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN các cấp, các sở ngành cần xây dựng kế hoạch, phương án phòng, tránh thiên tai, mưa bão, tìm kiếm cứu nạn và ứng phó sự cố xảy ra theo phương châm “chủ động phòng tránh, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và có hiệu quả trong đó lấy phòng, tránh là chính. Chủ động xây dựng và triển khai thực hiện các phương án phòng, tránh cụ thể, phù hợp với đặc điểm từng ngành, từng địa phương và đảm bảo thực hiện có hiệu quả. Đặc biệt, tăng cường kiểm tra, tuyên truyền người dân sửa chữa, chằng chống nhà cửa, khắc phục các điểm có nguy cơ sạt lở cao trong mùa mưa, bão…”.

Chủ động phòng tránh

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, khu vực ĐBSCL bắt đầu bước vào thời kỳ chuyển mùa, chuẩn bị bước vào mùa mưa, đây là thời điểm thường xảy ra những cơn giông và lốc xoáy, sấm sét de dọa sinh mạng, sản xuất, kinh doanh của người dân trong vùng. Để chủ động phòng, chống, ứng phó kịp thời có hiệu quả nhằm khắc phục, ngăn chặn, hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại do mưa lớn kèm theo giông lốc, sét đánh trên địa bàn TP Cần Thơ, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN TP Cần Thơ yêu cầu thành viên Ban Chỉ huy, UBND và Ban Chỉ huy PCTT-TKCN các quận, huyện triển khai thực hiện ngay các biện pháp phòng tránh.

Trong đó, cần tuyên truyền, hướng dẫn người dân xây dựng công trình, nhà cửa kiên cố, thường xuyên gia cố, chằng chống nhà cửa để tăng độ vững chắc nhằm đề phòng khi có giông, lốc xảy ra; thường xuyên chặt tỉa cây xanh gần nhà ở, lưới điện... nhằm tránh gãy đổ. Các cơ quan chức năng kiểm tra mức độ an toàn, vững chắc của các biển quảng cáo, pa-nô, áp-phích, các khu vực tạm bợ và các dàn giáo công trình đang thi công để tránh đổ, ngã gây nguy hiểm. Khi có mưa kèm theo giông, lốc cần sơ tán người già và trẻ em ra khỏi những khu vực nhà tạm bợ đến những nơi an toàn, vững chắc hơn. Khi bất ngờ gặp lốc xoáy, người dân không chạy cùng hướng với đường đi của lốc xoáy, nhanh chóng tìm nơi đất trũng thấp, nằm sát xuống, trú vào cống, nhảy xuống hố hay tìm chỗ trú ẩn an toàn nhất; đặc biệt, người dân không đứng gần, trú tránh dưới cây to, nhà thô sơ, cột điện... để tránh bị va đập, đè bẹp hoặc bị điện giật khi mưa, giông xuất hiện.

Đối với phòng, chống sét đánh, người dân cần theo dõi thông tin dự báo thời tiết, bố trí thiết bị chống sét khi xây dựng nhà ở, các công trình. Khi ở ngoài trời, mưa giông, sấm sét xuất hiện, bà con nhanh chóng tìm nơi trú ẩn an toàn, không trú mưa dưới các gốc cây, gò cao và nơi có nước, không đứng thành nhóm người gần nhau và tìm nơi thấp hơn để tránh; tránh xa các vật dụng bằng kim loại, trạm biến áp, cột, đường dây điện, tuyệt đối không sử dụng điện thoại... Khi ở trong nhà cần ngắt nguồn điện các thiết bị; không đứng gần cửa sổ, cửa ra vào, các dây điện hay cáp điện thoại; hạn chế sử dụng điện thoại trong khi có giông, sét; tránh các chỗ ẩm ướt: phòng tắm, bể nước…

Bài, ảnh: HÀ VĂN

Chia sẻ bài viết