24/11/2011 - 21:20

Chủ động mùa tôm 2012

Năm 2012 sẽ có sự chuyển dịch một phần từ tôm sú sang tôm thẻ chân trắng.

Tỉnh Sóc Trăng vừa tổ chức cuộc họp tổng kết vụ nuôi tôm nước lợ năm 2011 của tỉnh. Tại cuộc họp này, những nguyên nhân dẫn đến thiệt hại lớn diện tích tôm nuôi ở tỉnh Sóc Trăng và cả ĐBSCL trong năm qua đã được các nhà khoa học, các ngành hữu quan “mổ xẻ”. Và qua cuộc họp này đã đưa ra những khuyến cáo để vụ nuôi tôm năm 2012 ở ĐBSCL đạt thắng lợi.

Theo thống kê của Tổng Cục Thủy sản, đến cuối tháng 10-2011, diện tích tôm bị thiệt hại đã lên đến gần 85.000ha, bằng 302% so với cùng kỳ năm 2010. Trong đó, tôm sú gần 81.000 ha, còn lại là tôm thẻ chân trắng. Sóc Trăng là tỉnh có diện tích thiệt hại lớn nhất, với trên 28.000ha. Tôm chết thường có biểu hiện bỏ ăn, teo gan tụy trong giai đoạn từ 15-40 ngày tuổi. Theo kết quả nghiên cứu của các Viện, Trường trong nước và báo cáo của chuyên gia Tổ chức Thú y thế giới (OIE), Tổ chức Nông lương thế giới (FAO) và của Trường Đại học Arizona (Mỹ) đồng thời kết hợp kết quả điều tra dịch tễ học của Cục Thú y (Bộ NN&PTNT), bước đầu ghi nhận: nguyên nhân tôm chết hàng loạt do hội chứng ngộ độc. Các kết quả điều tra cho thấy, phần lớn hộ bị thiệt hại thường dùng sản phẩm diệt tạp có thành phần nông dược là Cypermethrine, Dipterex, thậm chí một số hộ sử dụng trực tiếp thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) như: Padan, Dexit, Visher. Tiến sĩ (TS) Lê Văn Hảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thủy sản II, nhận định: “Kết quả xét nghiệm cho thấy nguồn nước và đất ao nuôi có tôm bị bệnh đều có hàm lượng Cypermethrine khá cao”. Theo TS Nguyễn Hữu Huân, Phó Cục trưởng Cục BVTV, Cypermethrine là chất rất độc, chỉ cần ở nồng độ 0,05ppm (phần tỉ) cũng đủ để tôm chết 50%. Trong khi đó, nông dân nuôi tôm sử dụng nồng độ đến 2 phần triệu. Nguy hiểm hơn là khi sử dụng chất này lâu ngày, chúng sẽ tích lũy nồng độ cao do bị giữ chặt bởi những hạt keo sắt trong đất, nước và chỉ bị phân hủy dưới ánh sáng và có độ pH từ 7-9.

Đây là nguyên nhân được các nhà khoa học đồng tình cao và thống nhất đưa ra giải pháp khắc phục cho vụ nuôi tới. TS Lê Văn Hảo đề xuất giải pháp “3 không, 3 có”, gồm: “ “3 không” là: Không sử dụng thuốc diệt tảo, ốc, rong, cá tạp bằng những hóa chất có nguồn gốc thuốc trừ sâu; Không xả nước thải, bùn lắng ra môi trường khi chưa được xử lý; Không nuôi thả con giống khi chưa được kiểm nghiệm chất lượng. “3 có” là: Phải có ao lắng trong nuôi tôm thâm canh và khu vực ao lắng xử lý nguồn nước cấp; Có qui chuẩn thực hành nuôi thủy sản tốt; Người nuôi tôm có tham gia vào các câu lạc bộ, HTX, tổ sản xuất và không làm ăn riêng lẻ”. Thạc sĩ Võ Văn Bé, Phó giám đốc Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh Sóc Trăng, đề xuất thêm: “Để hạn chế độc tố, kim loại nặng tồn lưu trong đất do quá trình sử dụng thuốc, hóa chất trong những vụ trước, việc phơi nền đất sau cày xới nền đáy ao rồi bón vôi, cho nước ra vô nhiều lần nhằm hoạt hóa nền đáy là rất cần thiết. Không nên lấy nước trực tiếp vào ao nuôi để xử lý. Chỉ nên lấy vào ao lắng xử lý xong mới cấp qua ao nuôi để tránh tình trạng kim loại nặng, hóa chất độc hại tích tụ dưới đáy ao nuôi”.

Đại diện người nuôi tôm, ông Nguyễn Văn Nhiệm-Chủ tịch Hiệp hội tôm Mỹ Thanh, tỉnh Sóc Trăng, cho rằng: Tôm chết vừa qua một phần có nguyên nhân từ thuốc thú y thủy sản kém chất lượng. Các sản phẩm thuốc thú y thủy sản hiện tràn lan trên thị trường. Chỉ riêng loại diệt giáp xác thôi đã có tới hàng ngàn loại, khiến người nuôi không biết cái nào là hiệu quả - chất lượng. Ngành hữu quan, đặc biệt là Bộ NN&PTNT cần khống chế số lượng, chủng loại và công bố rộng rãi những thuốc thú y thủy sản đảm bảo chất lượng cho người nuôi. Ông Nguyễn Chí Công, Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng, đề xuất: Trong khi quy mô diện tích, mật độ thả nuôi năm sau đều cao hơn năm trước, nhưng thủy lợi cho vùng nuôi chưa tăng tương ứng. Trong thuốc thú y một số loại có chứa thành phần nông dược, nên nông dân dùng thẳng thuốc BVTV vì rẻ tiền. Do đó, vấn đề quản lý thuốc thú y, hóa chất cần phải được thắt chặt hơn.

Tuy nhiên, vấn đề này, theo ông Nguyễn Văn Nhiệm, sử dụng thuốc có thành phần nông dược chắc chắn tôm sẽ chết nhưng không có nông dược chưa chắc tôm đã sống. Bởi hiện tượng tôm chết hàng loạt vừa qua còn có nhiều vấn đề cần giải quyết như: con giống, quy trình công nghệ nuôi, thức ăn, mùa vụ... TS Lê Văn Hảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thủy sản II, cho biết: “Lịch thời vụ ở ĐBSCL đưa ra chủ yếu cho con tôm sú là chính và chủ yếu theo kinh nghiệm phòng chống bệnh đốm trắng. Nhưng đối với tôm thẻ chân trắng thì khác. Do tôm thẻ chân trắng không bị ảnh hưởng của mùa vụ nhưng vẫn bị đốm trắng. Tôi đề xuất có thể mùa vụ tôm thẻ chân trắng sớm hơn tôm sú. Nuôi một vụ là tốt nhất đối với sú, tôm thẻ chân trắng cũng chỉ nên nuôi 2 vụ”. Theo Tổng Cục thủy sản, công tác quản lý đầu vào vừa qua chưa tốt. Do đó, tới đây, cần tăng cường kiểm tra, giám sát các yếu tố đầu vào, thu hồi các sản phẩm diệt ốc, cá, giáp xác có thành phần Cypermethrine. Tổng Cục đang xúc tiến Đề án quan trắc môi trường, hướng dẫn thực hiện nuôi tôm theo VietGAP, rà soát để đưa ra ngoài danh mục các sản phẩm cấm, chứa thuốc BVTV... Kiến nghị Bộ NN&PTNT xây dựng lại quy trình nuôi tôm, quy chế quản lý con giống, chế phẩm sinh học và chất xử lý cải tạo môi trường; xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia trong nuôi trồng...

Trong định hướng phát triển nghề nuôi tôm nước lợ của Tổng Cục thủy sản là không tăng diện tích, nhưng sản lượng vẫn tăng bằng giải pháp tăng năng suất. Do đó, sẽ có sự chuyển dịch một phần đối tượng tôm sú sang tôm thẻ chân trắng ở những vùng nuôi có điều kiện thâm canh, đảm bảo nguồn nước. Với sự chuẩn bị chu đáo từ rất sớm như hiện nay, hy vọng ĐBSCL nói riêng và các tỉnh phía Nam nói chung sẽ có được vụ tôm bội thu vào năm 2012.

Bài, ảnh: XUÂN TRƯỜNG

Chia sẻ bài viết