13/05/2020 - 08:29

Chủ động bảo vệ cây trồng trước ảnh hưởng của biến đổi khí hậu 

Ban Quản lý Dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững Cần Thơ (VnSAT Cần Thơ) vừa chủ trì phối hợp tổ chức Tọa đàm “Quản lý sản xuất trồng trọt trong tình hình biến đổi khí hậu”. Các chuyên gia cung cấp cho nông dân nhiều thông tin bổ ích, giải pháp hiệu quả chủ động chăm sóc, bảo vệ cây trồng trước điều kiện sản xuất bất lợi, của biến đổi khí hậu (BĐKH).

Các diễn giả tham dự Tọa đàm Quản lý sản xuất trồng trọt trong tình hình BĐKH.

►BĐKH- tác động tiêu cực

Ông Trương Văn Kiệt, ngụ ấp Trường Thọ, xã Trường Xuân, huyện Thới Lai, cho biết: “BĐKH tác động tới hoạt động sản xuất và sinh hoạt của người dân, với các biểu hiện: nắng nóng kéo dài, mưa gió thất thường… Gây khó cho các hoạt động sản xuất nông nghiệp, làm chi phí sản xuất tăng cao, cây trồng dễ bị sâu bệnh tấn công và sụt giảm về năng suất nếu không được chăm sóc tốt”. Ông Bùi Quang Hải ngụ ấp 5, xã Thới Hưng, huyện Cờ Đỏ, cho biết: “Hạn hán, nắng nóng kéo dài với nền nhiệt cao, ảnh hưởng lớn đến sự sinh trưởng và năng suất của nhiều loại cây trồng. Hiện tượng mưa trái mùa, mưa lớn kéo dài kèm theo gió giật mạnh và giông lốc… cũng dễ làm cho nhiều loại cây trồng bị thiệt hại hoặc giảm năng suất, chất lượng do bị đổ ngã và ngập úng”.

Cần Thơ dù nằm cách xa cửa biển gần 100km nhưng nước mặn với nồng độ khá cao, lên đến 3,5‰ cũng đã xuất hiện ngày 10-2-2020 tại rạch Cái Cui (điểm giáp ranh với tỉnh Hậu Giang thuộc phường Tân Phú, quận Cái Răng), trong khi độ mặn đo được vào cao điểm mùa khô mang tính lịch sử năm 2015-2016 chỉ ở mức hơn 2‰.  Độ mặn nhanh chóng giảm trở lại sau đó và Cần Thơ cũng đã chủ động vận hành các cống và công trình thủy lợi để ngăn mặn xâm nhập vào nội đồng nên không để xảy ra ảnh hưởng cho sản xuất. Song, qua sự kiện này cho thấy, ngoài chịu tác động của BĐKH, Cần Thơ cũng có nguy cơ bị ảnh hưởng của xâm nhập mặn và nước biển dâng...

►Chủ động ứng phó

Theo Thạc sĩ Phạm Văn Quỳnh, nguyên Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) TP Cần Thơ, Chuyên gia tư vấn Dự án VnSAT Cần Thơ, tác động của BĐKH đã gây nhiều khó khăn cho sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, với sự nỗ lực của toàn ngành và sự hỗ trợ từ các chương trình, dự án hợp tác quốc tế, ngành Nông nghiệp đã đưa những tiến bộ kỹ thuật và biện pháp canh tác tiên tiến và hiện đại nhất giúp nông dân sản xuất hiệu quả. Những tiến bộ kỹ thuật này đi từ chương trình ứng dụng IPM, phát triển sản xuất thông minh, sản xuất bền vững đến các chương trình “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”… Qua đó, giúp nông dân có trình độ kiến thức và kỹ năng tạo cây lúa khỏe, cứng cáp, có bộ rễ tốt, có thể chịu đựng được những biến đổi của thời tiết thất thường. Hình thành những cánh đồng lúa có năng suất cao và chất lượng tốt.

Nhiều chương trình, dự án quốc tế về hỗ trợ phát triển nông nghiệp liên tục được mở ra, tạo điều kiện cho nông dân học tập, ứng dụng đồng bộ các tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất, tạo những cánh đồng có khả năng thích ứng tốt với các điều kiện thời tiết và những bất trắc của dịch hại. Đáng chú ý, Dự án VnSAT do Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ triển khai  với hệ thống đồng bộ và nhiều hoạt động đã giúp nông dân liên kết tốt với nhau và với doanh nghiệp để nâng cao chuỗi giá trị ngành hàng và phát triển bền vững trước tác động của BĐKH. Chương trình huấn luyện cho bà con nắm thật vững kỹ thuật để áp dụng, hỗ trợ liên kết, hình thành các tổ hợp tác, hợp tác xã (HTX) để tổ chức các sản xuất theo hướng hàng hóa lớn, thuận lợi liên kết doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm; hỗ trợ hợp tác xã nâng cao năng lực để xây dựng HTX kiểu mới, sản xuất kinh doanh hiệu quả... Cần Thơ có 4 quận, huyện tham gia Dự án gồm: Thốt Nốt, Cờ Đỏ, Vĩnh Thạnh và Thới Lai.

Thạc sĩ Lê Quốc Cường, nguyên Giám đốc Trung tâm Bảo vệ thực vật phía Nam thuộc Bộ NN&PTNT, cho rằng: “BĐKH còn tác động đến sự phát triển của các loại dịch hại, làm thành phần dịch hại thay đổi, cũng như có sự xuất hiện và du nhập thêm các đối tượng dịch hại mới. Để sản xuất cây trồng hiệu quả, đòi hỏi phải làm tốt công tác dự báo và dự tính về mùa vụ, cơ cấu cây trồng và tình hình thời tiết, dịch hại để chủ động ứng phó. Bên cạnh đó, nông dân cần quan tâm thay đổi tập quán canh tác lạc hậu, đẩy mạnh cơ giới hóa, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nhất là các giải pháp kỹ thuật “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”… để giảm chi phí sản xuất, đem lại sản phẩm an toàn, đạt chuẩn xuất khẩu”.

Theo ông Phạm Trường Yên, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn do BĐKH và diện tích đất nông nghiệp bị giảm nhưng những năm gần đây Cần Thơ vẫn giữ vững sản lượng lúa ở mức 1,3-1,4 triệu tấn/năm, đảm bảo an ninh lương thực và góp phần thúc đẩy xuất khẩu. Để chủ động ứng phó BĐKH, ngành Nông nghiệp tiếp tục  nâng cao năng lực cộng đồng, chủ động xây dựng  các kế hoạch, phương án ứng phó và lồng ghép vào các chương trình, hoạt động của ngành để triển khai đến người dân. Thường xuyên cập nhật thông tin dự báo và điều chỉnh kế hoạch sản xuất phù hợp, nhất là cập nhật, cung cấp kịp thời các thông tin về thời tiết, về nguồn nước và tình hình dịch bệnh trên cây trồng vật nuôi để người dân chủ động ứng phó...

Bài, ảnh: KHÁNH TRUNG

Chia sẻ bài viết