29/10/2009 - 22:38

Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XII

Cho ý kiến vào dự thảo Luật dân quân tự vệ và chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội nằm 2010

Sáng 29-10, Quốc hội (QH) làm việc tại hội trường thảo luận về dự thảo Luật Dân quân tự vệ. Các đại biểu tập trung cho ý kiến vào nội dung quy định về vị trí, chức năng, nhiệm vụ của lực lượng Dân quân tự vệ; độ tuổi thực hiện nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ và cán bộ Ban Chỉ huy quân sự trong thời bình; hoạt động của lực lượng dân quân tự vệ nòng cốt, việc thành lập lực lượng Dân quân tự vệ biển...

Đa số đại biểu nhất trí với nội dung đã được sửa đổi, bổ sung của dự thảo Luật và cho rằng dự thảo được chuẩn bị chu đáo, công phu, nên có đủ cơ sở thông qua tại kỳ họp này. Việc ban hành Luật Dân quân tự vệ nhằm xây dựng lực lượng Dân quân tự vệ vững mạnh, rộng khắp tạo ra nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu quốc phòng, an ninh trong mọi hoàn cảnh, góp phần giữ vững ổn định chính trị ở cơ sở trong thời bình và chuẩn bị nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Cho ý kiến vào việc tổ chức lực lượng Tự vệ trong doanh nghiệp, đại biểu Bế Xuân Trường (Bắc Kạn) và nhiều đại biểu khác bày tỏ nhất trí cao với quan điểm của Ủy ban Thường vụ QH, sửa đổi quy định này theo hướng căn cứ yêu cầu nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, kế hoạch xây dựng lực lượng Dân quân tự vệ của địa phương đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, sự phù hợp về quy mô lao động, tổ chức sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp với tổ chức, hoạt động của Dân quân tự vệ, cấp có thẩm quyền quyết định việc thành lập đơn vị tự vệ trong doanh nghiệp. Một số đại biểu đề nghị cân nhắc khoản 2 của dự thảo Luật, quy định về doanh nghiệp chưa tổ chức lực lượng tự vệ, thì “chủ doanh nghiệp hoặc người đại diện hợp pháp của chủ doanh nghiệp có trách nhiệm bảo đảm cho người lao động của doanh nghiệp thực hiện nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ ở địa phương họ cư trú”, bởi khi người lao động tham gia nghĩa vụ dân quân tự vệ sẽ ảnh hưởng tới kế hoạch sản xuất của doanh nghiệp, trong khi doanh nghiệp vẫn phải trả nguyên lương cho người lao động... Một số đại biểu đề nghị nên sửa nội dung này theo hướng người lao động tham gia lực lượng dân quân tự vệ tại nơi sản xuất kinh doanh sẽ thuận lợi hơn.

Đại biểu Nguyễn Đăng Trừng (TP Hồ Chí Minh) bày tỏ quan tâm đặc biệt đối với lực lượng Dân quân tự vệ biển. Đại biểu cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, cần xây dựng lực lượng vũ trang biển vững mạnh, trong đó có lực lượng Dân quân tự vệ biển. Theo đại biểu, các quy định trong dự thảo Luật cần làm nổi bật vị trí của lực lượng Dân quân tự vệ biển.

Đại biểu Trừng cho rằng, ngoài việc quy định “cấp xã ven biển, xã đảo tổ chức từ tiểu đội, trung đội Dân quân tự vệ biển; cơ quan, tổ chức có phương tiện hoạt động trên biển được tổ chức từ tiểu đội, trung đội, hải đội đến hải đoàn tự vệ biển”, cần bổ sung nội dung cơ quan, tổ chức có đội tàu đánh bắt xa bờ phải tổ chức đơn vị tự vệ đảm bảo đánh bắt có hiệu quả và tham gia bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển của đất nước...

Chiều 29-10, các đại biểu Quốc hội làm việc tại Tổ thảo luận về dự kiến Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2010.

Nhiều ý kiến của đại biểu Quốc hội tán thành với ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội xem xét cho đưa vào chương trình giám sát tối cao của Quốc hội 2 nội dung: việc thực hiện chính sách, pháp luật về thành lập trường, đầu tư và bảo đảm chất lượng đào tạo đối với các hệ thống giáo dục cao đẳng, đại học, sau đại học (tại kỳ họp thứ 7); việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính trong một số lĩnh vực liên quan trực tiếp đến công dân và doanh nghiệp theo chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2001-2010 (tại kỳ họp thứ 8). Đại biểu Trần Văn (Cà Mau) nhấn mạnh những vấn đề mà Ủy ban Thường vụ Quốc hội lựa chọn đề nghị Quốc hội xem xét giám sát trong năm 2010 đều là những vấn đề rất quan trọng, thu hút sự quan tâm của cử tri cả nước. Đặc biệt đối với chuyên đề thứ 2, hiện tại các bộ, ngành địa phương đang tích cực thực hiện Đề án 30 về cải cách thủ tục hành chính và mới đây nhất Việt Nam đã công bố cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính trên Internet.

Đại biểu Nguyễn Thị Tuyến (Hà Nội) kiến nghị ngoài hai nội dung trên, nên giao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội tiến hành giám sát thêm một số nội dung. Cụ thể giao Hội đồng Dân tộc giám sát về nội dung thực hiện Chương trình 134, 135 đặc biệt chú trọng giám sát về hiệu quả, chất lượng thực hiện chương trình; giao Ủy ban Kinh tế tái giám sát về vấn đề sử dụng đất đai, giám sát về việc thực hiện gói kích cầu thứ nhất (chú trọng vào tính minh bạch trong quá trình thực hiện). Ngoài ra cần giám sát về các dự án sử dụng nguồn vốn của trái phiếu Chính phủ; tiến độ triển khai dự án Láng- Hòa Lạc... Đại biểu Nguyễn Đình Quyền (Hà Nội) cho rằng giám sát việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan Nhà nước và chính quyền địa phương còn rất yếu. Đại biểu nêu lên hiện tượng có những văn bản hướng dẫn không đảm bảo đúng tinh thần của Luật khi ban hành. Đây là vấn đề cần phải xem xét, đánh giá và cần được giám sát. Đại biểu Trần Tiến Dũng (Hà Tĩnh) đề xuất cần giám sát mạnh mẽ hơn đối với lĩnh vực tư pháp. Lĩnh vực về tài nguyên khoáng sản, tài nguyên rừng, môi trường là những vấn đề cần được nghiên cứu, xem xét để có hoạt động giám sát vì theo đánh giá của đại biểu tài nguyên rừng, khoáng sản... đang bị khai thác cạn kiệt nếu không có những biện pháp gìn giữ. Đại biểu Dương Hiền (Lạng Sơn) đề xuất cần giám sát thêm về việc thực hiện Luật Đất đai, đặc biệt là vấn đề khiếu nại tố cáo đang gây nhiều bức xúc trong nhân dân...

Góp ý để nâng cao chất lượng hoạt động giám sát của Quốc hội trong kỳ họp, đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hà (Hà Nội) kiến nghị đối với báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế- xã hội năm 2009 và nhiệm vụ năm 2010 cần phải giao cho Ủy ban về các vấn đề xã hội và Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng ....cùng phối hợp với Ủy ban Kinh tế thẩm tra báo cáo này để nhận xét được toàn diện hơn. Đại biểu đề xuất ngoài việc giám sát bằng hình thức chất vấn tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cần có hoạt động chất vấn tại các phiên họp của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội. Đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hà và nhiều ý kiến khác quan tâm tới vấn đề “hậu” giám sát và đề nghị vấn đề này cần được quan tâm để tăng hiệu quả của hoạt động giám sát.

BÍCH THỦY-QUỲNH HOA (TTXVN)

Chia sẻ bài viết