02/05/2012 - 20:57

Cho ông Xinh tuổi già an vui...

Khi chúng tôi đến nhà, vợ chồng anh Trác Văn Tuất, 55 tuổi, ở khu vực Thạnh Thắng, phường Thường Thạnh, quận Cái Răng đang lui cui sắp xếp lại cột kèo, lá lợp nhà để chuẩn bị sửa căn nhà nhỏ cho ông Đặng Văn Xinh (trên 90 tuổi), vì mùa mưa sắp tới. Cụ già neo đơn, lang thang không nơi nương tựa này, đã được vợ chồng anh Tuất cưu mang, bảo bọc hơn 13 năm qua... Người dân rạch Ông Cửu nhỏ đều khen vợ chồng anh Tuất đồng cảm, nhân từ, nếu không có vợ chồng anh Tuất, ông Xinh không còn sống đến ngày nay...

Dù bận rộn việc nhà, anh Tuất vẫn dành thời gian chăm sóc ông Xinh.   

Chậm rãi đút từng muỗng cơm cho ông Xinh, anh Tuất cho biết: “Hổm rày, ông Xinh không được khỏe, ăn uống thất thường nên tôi phải chịu khó chăm sóc việc ăn uống, thuốc men. Hôm nay, ông đã khỏe và đòi ăn hột vịt luộc. Chỉ khi mệt trong người, ông Xinh mới khó ăn vậy thôi, chớ mọi khi, ông đơn giản lắm, tự ăn uống một mình, không làm phiền ai”. Ngồi kế bên móm mém nhai cơm, ông Xinh gật gù tỏ vẻ hiểu ý, hàm ơn...

Không biết rõ gốc gác, nhưng nhiều người cố cựu ở rạch Ông Cửu nhỏ cho rằng, đây là nơi chôn nhau cắt rốn của ông Xinh. Từ lúc nhỏ, khi họ chạy lon ton tắm mưa, bắt dế, đã thấy ông Xinh, một mình lầm lũi, lù khù, ít nói, lang thang khắp nơi làm mướn kiếm miếng ăn hàng ngày. Thỉnh thoảng, ông tạt vào nhà này xin uống nhờ ca nước, nhà khác ăn nhờ chén cơm. Thấy ông cô đơn, không gia đình nên ai cũng thương, tuy đời sống người dân thời điểm đó rất khó khăn, thiếu thốn”. Rồi, tự dưng, ông Xinh đi biền biệt và bặt vô âm tín. Mọi người cũng tất bật lo kế sinh nhai nên không có điều kiện đi tìm ông và câu chuyện về ông cũng trôi vào quên lãng.

Năm 1999, vào một buổi chiều, ông Xinh đột ngột trở về, bộ dạng tiều tụy. Mọi người gặng hỏi mới biết, thời gian qua, ông phiêu dạt nhiều nơi và sống nghề ăn xin. Thế là, mọi người lại cưu mang, đùm bọc ông, không nỡ để ông sống cảnh màn trời chiếu đất. Chị Nguyễn Thị Hai, vợ anh Tuất, bày tỏ: “Lúc đó, ông Hai gầy nhom, đen nhẻm, trông thảm hại lắm. Vợ chồng tui mang ông về tá túc, chớ để ổng đi đâu nữa”. Anh Tuất cất căn nhà lá nhỏ ở góc vườn để ông Xinh ở một mình cho thoải mái. Hàng ngày, anh Tuất ra ruộng, chị Hai ở nhà dọn dẹp nhà cửa, lo cơm nước cho cả nhà và mang phần cơm sang cho ông Xinh. Buổi trưa, ông Xinh nằm trên chiếc võng đung đưa bên chái nhà, xem vợ chồng anh Tuất dệt chiếu. Anh Tuất cho biết: “Thời gian gần đây, tui phải lo tắm rửa, vệ sinh cá nhân cho ông Xinh, vì ông đã không còn đủ minh mẫn để nhớ việc vệ sinh cá nhân cho mình. Mệt nhất là những khi ông bệnh, nằm một chỗ, tui phải túc trực dọn dẹp, chăm sóc ông cả ngày...”.

Từ khi cưới nhau, vợ chồng anh Tuất đã nổi tiếng ở rạch Ông Cửu nhỏ là cần cù, chăm chỉ canh tác gần 4 công ruộng, vườn tạp, nuôi 4 người con khôn lớn, xây dựng gia đình. Vợ chồng anh lao động miệt mài, khéo léo thu xếp việc nhà, tính toán chi tiêu mới không thiếu hụt, nhưng vẫn dành phần để chăm sóc ông Xinh. Điều đáng mừng là, anh Tuất luôn được vợ con đồng tình, chia sẻ với việc làm nghĩa tình này. Nhất là vợ anh, thay anh lo cho ông Xinh khi anh bận rộn việc đồng áng. Thỉnh thoảng, bà con chòm xóm ghé thăm và mang biếu ông Xinh thức ăn “cây nhà lá vườn”. Bấy nhiêu đó cũng là động lực giúp anh Tuất vượt qua mệt nhọc, khó khăn. Anh Tuất chia sẻ: “Mấy năm nay, tôi dành phần tiền bảo trợ xã hội hàng tháng để lo thuốc men, trà bánh cho ông Xinh. Tôi nghĩ rất đơn giản, bây giờ tôi lo cho ông Xinh, thì con cháu tôi sẽ gặp nhiều may mắn trong cuộc sống sau này”. Hơn 13 năm qua, cả gia đình anh Tuất xem ông Xinh như người trong gia đình. Mỗi lần về thăm nhà, các con anh thường gần gũi, hỏi han sức khỏe ông Xinh. Còn vợ chồng anh Tuất thường xuyên trò chuyện để ông Xinh vui...

Bà Thạch Thị Tuyết Hồng, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ phường Thường Thạnh, quận Cái Răng, nói: “Nghĩa cử của anh chị Tuất rất đáng ghi nhận, không chỉ là vật chất mà mang ý nghĩa tinh thần lớn lao, giúp ông Xinh có nơi ăn, chốn ở, không phải lang thang, tha phương cầu thực. Tuy nhiên, năm nay, anh chị Tuất tuổi đã cao, nên việc chăm sóc ông Xinh không chu toàn như trước. Ngoài sự quan tâm của địa phương, chúng tôi rất mong được các nhà hảo tâm gần, xa giúp đỡ để ông Xinh sống vui những ngày cuối đời”.

Bài, ảnh: KỲ PHƯƠNG

Chia sẻ bài viết