14/06/2021 - 15:46

Cho đi là còn mãi 

Với quan niệm “Khi trái tim của mình vẫn tiếp tục đập trong lồng ngực của ai đó và có người được nhìn thấy bầu trời bằng chính đôi mắt của mình hiến tặng sẽ là niềm hạnh phúc lớn lao”, nhiều người ở xã Thạnh Lộc, huyện Vĩnh Thạnh đã đăng ký hiến xác, mô, tạng khi qua đời để phục vụ cho y học, cũng như nối dài sự sống của nhiều người… Từ một vài người tiên phong, đến nay xã Thạnh Lộc đã có 17 trường hợp đăng ký hiến xác, mô tạng và nghĩa cử này ngày càng lan tỏa trong cộng đồng.

Tiên phong đăng ký hiến mô, tạng

Ông Trần Văn Bên ở ấp Tân Lợi, xã Thạnh Lộc, được nhiều người biết đến với tấm lòng nhân ái… Ở tuổi 61, ông đã có hơn nửa cuộc đời gắn bó với công việc bồi đường, đắp lộ, sưu tầm thuốc nam, giúp đỡ những người nghèo khó… Ông vẫn còn nhớ như in lần giúp sản phụ vượt qua cơn nguy kịch. Ông Bên kể: “Cách đây gần 30 năm, đường sá ở Thạnh Lộc đi lại rất khó khăn. Khi đó, trong xóm có sản phụ sinh khó, phải chuyển lên tuyến trên. Nhận được tin, tôi dùng xuồng máy của gia đình chở sản phụ đến bệnh viện Thốt Nốt. Ðến nơi, bác sĩ tiên lượng xấu, phải mổ gấp, cần có người thân truyền máu, trong khi chồng của sản phụ đi làm ăn xa và người thân chưa tới kịp. May mắn máu của tôi cùng nhóm với cô ấy...”. Ca mổ thành công, “mẹ tròn con vuông” và cũng từ đó, ông Bên tích cực tham gia hiến máu tình nguyện, trở thành “kiện tướng” với 61 lần cho máu…

Cán bộ Hội Chữ thập đỏ xã Thạnh Lộc thăm hỏi sức khỏe vợ chồng ông Trần Văn Bên (hàng ghế phía trong).

Năm 2017, khi được Hội Chữ thập đỏ (CTÐ) xã Thạnh Lộc tuyên truyền, vận động, ông Bên bàn bạc với gia đình và trở thành người đầu tiên ở địa phương tự nguyện đăng ký hiến mô, tạng, hiến xác cho y học sau khi qua đời. Ông Bên tâm niệm: “Xưa nay, mọi người thường nói chết là hết, nhưng tôi nghĩ khi mình qua đời mà vẫn còn có thể giúp những người không may mắn có cơ hội sống thì còn hạnh phúc nào bằng”. Hành động của ông Bên được gia đình ủng hộ và vợ ông cũng đã tình nguyện hiến mô, tạng. Tháng 10-2017, đơn vị điều phối ghép các bộ phận cơ thể người - Bệnh viện Chợ Rẫy (TP Hồ Chí Minh) cấp thẻ đăng ký hiến tạng cho cả 2 vợ chồng ông Bên. Bà Phạm Thị Ðiệp, vợ ông Bên, nói: “Tâm nguyện của tôi khi qua đời, bộ phận nào đó trong cơ thể tôi mà người bệnh cần, tôi sẵn sàng hiến tặng”.

Lan tỏa việc làm nhân văn

Những trường hợp đăng ký hiến mô, tạng cụ thể ở địa phương cộng với sự tích cực tuyên truyền, vận động của các cấp Hội CTÐ và những câu chuyện cảm động về hiến tạng cứu người được đăng phát trên các phương tiện truyền thông, đã góp phần làm thay đổi nhận thức của người dân về việc hiến mô, tạng nhân đạo. Vợ chồng ông Bên cũng tích cực tuyên truyền, vận động trong dòng họ và bà con đồng đạo hiến mô, tạng cứu người, hiến xác cho y học sau khi qua đời. Chị Võ Thị Liên ở ấp Tân Lợi, xã Thạnh Lộc, cho biết: “Gia đình tôi rất ủng hộ việc làm ý nghĩa này. Tôi nghĩ hiến xác, mô, tạng cho y học là việc làm tốt, có thể giúp ích cho những người bệnh và nghiên cứu y học”.

Tính từ năm 2017 đến nay, ở xã Thạnh Lộc có 17 trường hợp đăng ký hiến mô, tạng, hiến xác cho y học, tập trung nhiều ở ấp Tân Lợi. Trong đó, có 15 trường hợp được đơn vị điều phối ghép các bộ phận cơ thể người - Bệnh viện Chợ Rẫy và Bệnh viện Ðại học Y Dược TP Hồ Chí Minh cấp giấy chứng nhận đăng ký hiến tạng. Ông Ðỗ Văn Phường, Chủ tịch Hội CTÐ xã Thạnh Lộc, cho biết: “Hội CTÐ phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể xã và Ban trị sự Phật giáo Hòa Hảo tuyên truyền trong bà con tín đồ và nhân dân để cho mọi người nâng cao nhận thức, xóa bỏ những quan niệm lệch lạc, từ đó giúp bà con tự nguyện đăng ký tham gia hiến xác, hiến mô, tạng”.

Bài, ảnh: Minh Hải

Chia sẻ bài viết