 |
Đoàn Hội NNCĐDC TP Cần Thơ và các y bác sĩ của Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ đang khám bệnh và cấp phát thuốc miễn phí cho bà con ở huyện Phong Điền. |
Giữa tháng 7-2010, Hội Nạn nhân chất độc da cam dioxin TP Cần Thơ đã kết hợp với các đơn vị: Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ, Bệnh viện Nhi Đồng TP Cần Thơ, Hội Chữ thập đỏ TP Cần Thơ tổ chức khám bệnh và cấp phát thuốc miễn phí cho những người bị nghi nhiễm chất độc da cam, gia đình nghèo, gia đình chính sách ở các huyện: Phong Điền, Thới Lai và Cờ Đỏ. Đây là việc làm thật ý nghĩa, tạo niềm vui cho nhiều bệnh nhân và những hộ gia đình nghèo ở những nơi này...
Hôm đoàn Hội Nạn nhân chất độc da cam (NNCĐDC) TP Cần Thơ và các y bác sĩ của Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ đến huyện Phong Điền, rất đông bà con đã tập trung tại Bệnh viện Đa khoa huyện Phong Điền. Gặp chúng tôi, vẻ mặt lo lắng, chờ đợi của bà con tan biến ngay, thay vào đó là sự vui mừng vì sắp được bác sĩ khám bệnh. Chị Lê Thị Hiệp, ngụ ấp Nhơn Thọ 2, xã Nhơn Ái, huyện Phong Điền, bày tỏ niềm vui mừng: “Trời chưa sáng, vợ chồng tôi đã bồng con đến bệnh viện này để chờ các bác sĩ thành phố khám bệnh. Con trai tôi trước bị viêm phổi đã được điều trị ở Bệnh viện Nhi đồng TP Cần Thơ, giờ cháu vẫn còn ho chút ít. Khoảng 6 tháng nay, gia đình tôi không có tiền để đưa con đi khám bệnh. Hôm nay, cháu được các bác sĩ khám bệnh và cấp phát thuốc miễn phí, chúng tôi rất mừng”. Chị Hiệp cũng thoáng buồn khi kể cho chúng tôi nghe về hoàn cảnh gia đình mình, anh Đặng Chí Hiếu, chồng chị làm nghề phụ hồ, là trụ cột trong gia đình, vợ chồng chị có 3 người con: Đặng Chí Toàn, Đặng Thị Minh Thùy và Đặng Phước Thịnh. Trước đây, cuộc sống gia đình không đến nỗi khó khăn, nhưng cách đây 6 năm khi chị Hiệp sinh bé Thịnh, hoàn cảnh gia đình sa sút, bao nhiêu tiền anh chị đều dồn hết vào việc trị bệnh cho con. Chị Hiệp nhớ lại: “Lúc sinh Thịnh ra, cháu bình thường, rất kháu khỉnh và tròn trịa, đến 15 tháng tuổi, Thịnh bị sốt nặng, bại não và bị viêm phổi”. Từ đó, anh chị phải đưa cháu đi điều trị suốt ở Bệnh viện Nhi đồng TP Cần Thơ, cứ khoảng 3 ngày là phải đưa vào cấp cứu.
Nhìn bé Thịnh nằm trong vòng tay mẹ, miệng chỉ ú ớ, không ai nghĩ cháu đã 6 tuổi. Thịnh có nước da trắng trẻo, cân nặng chỉ khoảng 5kg, ban đêm cháu không ngủ được, chỉ nằm trên võng và không rời khỏi đôi tay mẹ. Điều đáng lo ngại là nếu ngủ hơi lâu, cháu sẽ bị tím mình mẩy, liên tục ra mồ hôi, cháu chỉ ăn cháo và uống sữa. Thịnh là trong những trường hợp bị nghi nhiễm chất độc da cam.
Còn chị Trần Thị Hóa, ngụ ấp Tân Lợi, xã Tân Thới, huyện Phong Điền, bộc lộ vui mừng trong nước mắt: “Quanh năm sống bằng nghề làm thuê, làm mướn, đâu có nhiều tiền để lo chữa trị cho con, được các bác sĩ đến đây khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho con, thiệt không còn gì vui hơn”. Bé Trần Dĩ Khang, con trai của chị Hóa năm nay 7 tuổi nhưng không thể đến trường, mặc dù bé rất muốn đi học. Khi bé Khang được 3 tháng tuổi thì bị sốt và sau đó gần như bị liệt nửa thân người bên trái, bị nhiễu nước bọt, mỗi lần bị té thì Khang không thể tự mình đứng lên được.
Ông Trương Văn Dũng, Chủ tịch Hội NNCĐDC huyện Phong Điền, cho biết: “Huyện Phong Điền có 429 đối tượng bị nghi nhiễm chất độc da cam. Trong đó có 71 đối tượng bị nhiễm nặng không thể tự mình phục vụ bản thân. Nhân dịp có đoàn bác sĩ thành phố đến huyện Phong Điền khám bệnh, chúng tôi đã gởi thư mời cho 250 người, gồm: đối tượng bị nghi nhiễm chất độc da cam, gia đình nghèo, gia đình chính sách. Do điều kiện nhiều gia đình gặp khó khăn, chủ yếu là không có người thân đưa đi khám bệnh nên trong đợt này chỉ có khoảng 200 người đến khám bệnh”.
Theo lời của bác sĩ Nguyễn Lương Thiện, công tác tại Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ, thì tổng số tiền cấp phát thuốc miễn phí cho 200 bệnh nhân ở huyện Phong Điền khoảng 7 triệu đồng. Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ đã trích từ nguồn quỹ phúc lợi của bệnh viện và lãnh đạo bệnh viện vận động thêm các mạnh thường quân hỗ trợ. Từ đầu năm 2010 đến nay, ngoài việc phối hợp với Hội NNCĐDC TP Cần Thơ tổ chức khám bệnh và cấp phát thuốc miễn phí ở huyện Phong Điền, Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ còn nhiều lần phối hợp với PA83 (Phòng An ninh Chính trị nội bộ) Công an TP Cần Thơ, Công ty cổ phần Dược Hậu Giang... tổ chức khám bệnh, cấp phát thuốc miễn phí cho một số xã, phường thuộc các quận, huyện của TP Cần Thơ và TP Cà Mau. Trong mỗi đợt khám bệnh miễn phí có khoảng 8-14 y, bác sĩ tự nguyện tham gia.
Cùng niềm vui như bao bệnh nhân được Hội NNCĐDC TP Cần Thơ cùng các y bác sĩ của Hội Chữ thập đỏ TP Cần Thơ và Trung tâm Y tế huyện Cờ Đỏ khám bệnh, chị Mai Thị Út, ngụ ấp Hưng 1, xã Trung Hưng, huyện Cờ Đỏ, bộc bạch: “Biết được 8 giờ các bác sĩ thành phố sẽ đến Trung tâm Y tế huyện Cờ Đỏ khám bệnh, từ 6 giờ 2 mẹ con tôi đã thuê xe ôm đến Trung tâm Y tế huyện ngồi chờ bác sĩ. Chỉ cần có thuốc cho con uống mỗi khi trái gió trở trời là tôi vui rồi”.
Gia đình chị Út không có đất sản xuất, chồng chị là trụ cột gia đình, sống bằng nghề thợ mộc, còn chị ở nhà trông hai đứa con gái: Trần Mai Bích Phượng và Trần Mai Bích Ngọc. Con gái đầu lòng của chị Út có số phận không may mắn. Lúc sinh ra, Phượng chỉ cân nặng 1,4kg và bị bại não, nghi nhiễm chất độc da cam. Mặc dù đã 8 tuổi nhưng bé Phượng vẫn luôn nằm trên tay mẹ, tay chân của Phượng bị co rút, lúc nào cũng đổ mồ hôi hột. Lấy chiếc khăn tay lau mồ hôi cho con, chị Út nói: “Con nó như vậy, tôi đâu thể đi làm thuê, làm mướn được, mọi gánh nặng gia đình đều trông chờ vào chồng tôi. Phượng rất khó tính, không có tôi bên cạnh là nó khóc dữ lắm. Cách đây 2 năm nó đã gọi được vài tiếng ba mẹ, ông bà... Dù sao đó cũng là niềm an ủi đối với gia đình”.
Hôm ấy, những người có mặt ở Trung tâm Y tế huyện Cờ Đỏ đã không nén được xúc động trước cảnh một bà lão tay cầm gậy nhưng lại lê người dưới đất và miệng luôn nói: “Cho tôi vào gặp bác sĩ đi, coi chừng đạp vào người tôi...”, lập tức lúc đó có một thanh niên đến đỡ bà đứng dậy, kè bà từng bước vào gặp bác sĩ. Đó là bà Đào Thị Oanh, tuổi đã ngoài 70, ngụ ấp Thới Bình, thị trấn Cờ Đỏ, bùi ngùi nói: “Con cái tôi đã có gia đình riêng, đều nghèo khó, sống bằng nghề làm thuê, làm mướn. Biết con như vậy nên tôi không cho chúng hay là tôi đi khám bệnh, sợ chúng phải bỏ công ăn việc làm đi theo tôi”. Đi cùng bà Oanh là đứa cháu nhỏ, khoảng 10 tuổi. Do đôi chân không đi được, bà phải lê lết đến hơn 8 giờ mới tới được nơi khám bệnh. Bà Oanh vốn sống bằng nghề đưa đò, mỗi ngày chỉ kiếm được 8.000-15.000 đồng. Do một lần bước xuống đò bị trượt chân té, từ đó đôi chân của bà rất yếu, chỉ đi được khi có người kè, dắt.
Sau buổi khám bệnh và cấp phát thuốc miễn phí tại Trung tâm Y tế huyện Cờ Đỏ, Hội NNCĐDC TP Cần Thơ đã đến Kinh 4, ấp 4, xã Thạnh Phú, huyện Cờ Đỏ thăm hỏi sức khỏe và việc làm ăn của một số nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam. Hai anh em Nguyễn Ngọc Nhân và Nguyễn Ngọc Bích mừng vui khôn xiết khi gặp lại các cô chú trong Hội NNCĐDC TP Cần Thơ, trò chuyện với nhau thân mật như những người thân trong gia đình. Anh Ngọc Nhân cho biết: “Năm 2008, cha mẹ gom góp tiền được 1,5 triệu đồng cùng với 5 triệu đồng do Hội NNCĐDC TP Cần Thơ hỗ trợ, giúp hai anh em tôi đã mở tiệm sửa chữa điện tử. Sau 1 năm tích lũy tiền, chúng tôi mở rộng tiệm, buôn bán ti vi, đầu đĩa, quạt máy, nồi cơm điện, điện thoại di động...”. Gia đình của Ngọc Nhân có 7 anh chị em, trong đó cả 6 anh chị em đều dị tật, chiều cao dưới 1,3m, chân ngắn và bị cong.
Cũng trong thời gian này, Hội NNCĐDC TP Cần Thơ đã phối hợp với Bệnh viện Nhi đồng TP Cần Thơ tổ chức đến khám bệnh và cấp phát thuốc miễn phí cho 250 bệnh nhân (người bị nghi nhiễm chất độc da cam, gia đình nghèo, gia đình chính sách) tại huyện Thới Lai. Tổng số tiền cấp phát thuốc miễn phí khoảng 7 triệu đồng.
Bà Trần Liên Kiều, Phó Chủ tịch Hội NNCĐDC/dioxin TP Cần Thơ, cho biết: “Nhân ngày Vì nạn nhân chất độc da cam 10-8, chúng tôi đã phối hợp với các y bác sĩ của Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ, Bệnh viện Nhi đồng TP Cần Thơ, Hội Chữ thập đỏ TP Cần Thơ... tổ chức khám bệnh, cấp phát thuốc miễn phí, nhằm chăm sóc giúp đỡ bệnh nhân, đặc biệt là những người bị nghi nhiễm chất độc da cam, gia đình nghèo, gia đình chính sách. Có khoảng 650 bệnh nhân của 3 huyện: Phong Điền, Thới Lai, Cờ Đỏ (mỗi huyện có từ 200-250 bệnh nhân) đã được khám bệnh và cấp phát thuốc miễn phí, tổng số tiền cấp phát thuốc khoảng 21 triệu đồng, trong đó, Hội đã vận động các nhà hảo tâm hỗ trợ tiền thuốc khoảng 12 triệu đồng”. Bên cạnh đó, từ đầu năm 2010 đến nay, Hội NNCĐDC TP Cần Thơ đã tổ chức tặng tiền, quà cho 400 nạn nhân chất độc da cam, tổng trị giá là 91.600.000 đồng. Tổng lãnh sự quán Indonesia tại TP Hồ Chí Minh hỗ trợ 120 chiếc xe lăn, Hội NNCĐDC TP Cần Thơ đã tổ chức tặng xe cho các nạn nhân chất độc da cam ở các quận, huyện trong TP Cần Thơ...
Tổ chức khám bệnh, cấp phát thuốc miễn phí cho các bệnh nhân nghi nhiễm chất độc da cam, bà con gia đình nghèo, gia đình chính sách là một việc làm thiết thực, nghĩa tình của Hội NNCĐDC TP Cần Thơ, Hội Chữ thập đỏ TP Cần Thơ và đoàn y bác sĩ của các bệnh viện tại TP Cần Thơ... Bác sĩ Nguyễn Lương Thiện, công tác tại Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ, bộc bạch: “Chúng tôi mong ngày càng có thêm nhiều đơn vị, cá nhân cùng tham gia tổ chức nhiều đợt khám bệnh, cấp phát thuốc miễn phí cho bà con ở các vùng sâu, vùng xa nhằm chia sẻ phần nào những khó khăn vất vả và những nỗi đau mà bà con phải gánh chịu, nhất là đối với những nạn nhân chất độc da cam”.
Bài, ảnh: LÊ NGỌC