31/08/2018 - 21:45

Chia sẻ kinh nghiệm thực hiện Chương trình 135 giai đoạn 2016-2018

(CT)- Sáng 31-8, tại TP Cần Thơ, Vụ Địa phương III, Văn phòng điều phối Chương trình 135 thuộc Ủy ban Dân tộc phối hợp tổ chức Hội thảo Chia sẻ kinh nghiệm thực hiện Chương trình 135 giai đoạn 2016-2018 cho các tỉnh, thành khu vực Nam bộ.

Theo Văn phòng điều phối Chương trình 135, Chương trình 135 giai đoạn 2016-2018 đã được cả hệ thống chính trị của các địa phương quán triệt từ cấp tỉnh đến cơ sở và được xem là nhiệm vụ rất quan trọng trong việc thực hiện chính sách an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo ở các vùng, ấp, xã đặc biệt khó khăn, đặc biệt là đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Cơ quan làm công tác dân tộc cấp tỉnh, huyện đã chủ động, tập trung tham mưu UBND cùng cấp chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện tốt Chương trình 135 trên địa bàn. Tại một số địa phương vùng Nam bộ, như: Trà Vinh, Sóc Trăng, Cần Thơ, Vĩnh Long… người dân đã tham gia một cách tích cực đóng góp ngày công lao động, đất đai và thường xuyên tham gia hoạt động giám sát cộng đồng, từ đó nhiều công trình thi công đưa vào sử dụng đúng tiến độ, phát huy hiệu quả trên tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội. Nguồn vốn Chương trình 135 nhìn chung được phân bổ theo tiêu chí: đảm bảo công khai, dân chủ và công bằng; công tác kiểm tra, giám sát luôn được tăng cường. Bên cạnh đó, các dự án được đầu tư, hỗ trợ từ Chương trình 135 đúng địa bàn, đối tượng, đảm bảo chế độ, chính sách quy định…

Tại hội nghị, để nâng cao hiệu quả việc triển khai Chương trình 135 trong thời gian tới, nhiều đại biểu kiến nghị: Các bộ, ngành hữu quan cần tính toán, xác định vốn đầu tư từ Chương trình 135 phù hợp hơn đối với từng vùng, miền trong cả nước, nhất là vùng ĐBSCL có nền đất yếu, chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu; có cơ chế, chính sách đặc biệt khuyến khích doanh nghiệp, các nhà đầu tư đầu tư vào các địa phương thuộc Chương trình 135 để hỗ trợ địa phương giải quyết việc làm, từng bước nâng cao mức sống cho người dân. Việc tổ chức rà soát, đánh giá hộ nghèo, hộ cận nghèo trong vùng đồng bào dân tộc nên thực hiện ít nhất 2 năm/lần. Bởi khoảng thời gian này mới có thể đánh giá một cách hiệu quả vốn đầu tư trồng trọt, chăn nuôi… cho các hộ nghèo. Ủy ban Dân tộc cần có kiến nghị đến các bộ, ngành trung ương, địa phương trong quá trình sắp xếp bộ máy hoạt động lưu ý bố trí cán bộ phụ trách công tác dân tộc theo hướng tinh gọn nhưng đảm bảo hoạt động công tác dân tộc nói chung, việc tổ chức thực hiện Chương trình 135 nói riêng một cách hiệu quả…

H.TRIỀU

Chia sẻ bài viết
Từ khóa
Chương trình 135