* Từ 1-12, điều chỉnh tăng lãi suất cơ bản lên 8%/năm
* Chấm dứt bán khống chứng khoán
Với cách tính dựa trên “rổ” hàng hóa mới và giá kỳ gốc 2009 thay vì giá kỳ gốc năm 2005, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11 đã tăng 0,55% so với tháng 10-2009, tăng 4,35 % so với tháng 11-2008 và tăng 5,07% so với tháng 12-2008. Với tốc độ tăng rõ rệt này, CPI 11 tháng qua đã tăng 6,91% so với cùng kỳ 2008.
Theo Tổng cục Thống kê, CPI tháng 11 tăng ở 10/11 nhóm hàng trong rổ hàng hóa chung với mức tăng từ 0,03 - 0,87%. Riêng nhóm bưu chính viễn thông lại giảm 0,05%.
Tăng mạnh nhất là nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống với mức 0,87% do lương thực tăng giá tới 2,22%, thực phẩm tăng 0,62%. Tiếp đến là nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng có mức tăng là 0,75%. Nhóm hàng hóa và dịch vụ khác là nhóm tăng mạnh thứ 3 với mức tăng 0,54%; nhóm đồ uống, thuốc lá tăng 0,44%; nhóm giao thông tăng 0,42%.
Theo Phó Vụ trưởng vụ Thương mại Giá cả Tổng cục Thống kê Nguyễn Đức Thắng: sở dĩ giá lương thực trong nước tháng qua tăng cao là do các doanh nghiệp xuất khẩu gạo đang đẩy mạnh việc thu mua thóc lúa trong dân. Bên cạnh đó, đợt bão lũ nặng nề vừa qua ở miền Trung và Tây Nguyên cũng là một nguyên nhân khiến giá lương thực, thực phẩm tăng mạnh.
Tháng 11, giá vàng tiếp tục biến động mạnh, đạt mức tăng 10,08 % so với tháng 10 và là mức tăng cao nhất kể từ trước đến nay. Với đà tăng này, chỉ số giá vàng 11 tháng qua tăng tới 48,72% so với tháng 12-2008 và tăng 15,73% so với cùng kỳ 2008.
Cùng nhịp với vàng, giá USD đã quay đầu tăng 1,45% so với tháng 10 (tháng 10 giảm 0,35%), đưa giá USD 11 tháng qua tăng 7,28% so với tháng 12-2008 và 9,04% so với cùng kỳ 2008.
* Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quyết định từ ngày 1-12-2009 điều chỉnh lãi suất cơ bản tăng từ 7%/năm lên 8%/năm, lãi suất tái cấp vốn tăng từ 7%/năm lên 8%/năm, lãi suất chiết khấu tăng từ 5%/năm lên 6%/năm. Quyết định này nhằm mục tiêu góp phần duy trì sự ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, tăng trưởng kinh tế bền vững trong năm 2010, cũng như chủ động đối phó với diễn biến phức tạp của thị trường tài chính và kinh tế thế giới,
Việc điều chỉnh tăng các mức lãi suất cơ bản, lãi suất tái cấp vốn, lãi suất chiết khấu với mục đích kiểm soát chặt chẽ quy mô và chất lượng tín dụng, phù hợp với các mục tiêu kinh tế vĩ mô theo Nghị quyết của Quốc hội và chủ trương của Chính phủ, đồng thời, tạo điều kiện cho các Ngân hàng thương mại huy động các nguồn vốn từ nền kinh tế.
* Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (SSC) vừa yêu cầu các công ty chứng khoán chấm dứt việc cho phép khách hàng bán chứng khoán trước ngày T+4, hoặc cho vay chứng khoán để bán, kể từ ngày 1-12 tới.
Đó là nội dung được SSC nêu tại Công văn số 2649/UBCK-PTTT về việc tuân thủ quy định giao dịch chứng khoán nhằm đảm bảo tính công bằng, công khai trong hoạt động kinh doanh chứng khoán. Trong khi chờ Bộ Tài chính chính thức ban hành các văn bản hướng dẫn mới về giao dịch chứng khoán, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước yêu cầu tất cả các công ty chứng khoán tuân thủ quy định của luật chứng khoán.
NHÓM PV TTXVN