Theo một nghiên cứu mới công bố gần đây, một chế độ ăn giàu flavonoid - hợp chất thường có nhiều trong các thực phẩm như trà, các loại quả mọng và táo - có thể giúp làm giảm 26% nguy cơ khởi phát bệnh tiểu đường tuýp 2.
Nhóm thực phẩm giàu flavonoid.
Kết luận trên được các chuyên gia đưa ra sau khi theo dõi hơn 113.000 người tham gia trong 12 năm. Họ cho rằng lợi ích sức khỏe nói trên của các thực phẩm flavonoid là do chúng có thể cải thiện chức năng gan và thận, tình trạng viêm và khả năng chuyển hóa đường của cơ thể. Các nghiên cứu trước đây cũng chỉ ra rằng dung nạp flavonoid qua chế độ ăn uống có thể bảo vệ cơ thể chống lại bệnh tiểu đường tuýp 2 và cải thiện các dấu hiệu sinh học như chuyển hóa lipid và độ nhạy insulin.
Theo chuyên gia dinh dưỡng Dolores Woods tại Trung tâm Khoa học Y tế thuộc Đại học Texas tại Houston (Mỹ), thay vì ăn các loại thực phẩm ít dinh dưỡng chứa nhiều calo thì việc ăn trái cây và rau quả giàu flavonoid có thể giúp kiểm soát cân nặng và lượng đường trong máu. Cách thay đổi chế độ ăn uống như vậy thực sự có tác dụng lâu dài trong việc trì hoãn khả năng khởi phát bệnh tiểu đường tuýp 2.
Một số loại thực phẩm chứa nhiều flavonoid gồm táo, cải xoăn, hành tây, cam, nho, cần tây, các loại quả mọng, bưởi, rượu vang đỏ, trà, các loại đậu và đậu nành. Ngoài phòng ngừa bệnh tiểu đường tuýp 2, bất cứ ai muốn giảm viêm nhiễm và nguy cơ mắc nhiều bệnh mãn tính đều có thể bắt đầu từ việc tiêu thụ nhóm thực phẩm giàu flavonoid. Bởi khi bạn dung nạp flavonoid, dưỡng chất thực vật khi bị vỡ ra có thể liên kết với các chỉ dấu sinh học bị viêm để giúp loại bỏ chúng ra khỏi cơ thể. Một số bằng chứng cho thấy tiêu thụ hơn 500 miligam flavonoid/ngày giúp cơ thể phòng ngừa bệnh mãn tính.
Nhìn chung, một chế độ ăn uống bao gồm nhiều loại trái cây và rau quả sẽ có lợi cho sức khỏe. Hướng dẫn chế độ ăn uống cho người Mỹ khuyến nghị người lớn nên ăn 1,5- 2,5 chén trái cây và 2-4 chén rau mỗi ngày, tùy thuộc vào độ tuổi và giới tính.
ĐINH NHI (Theo Verywellhealth.com)